29 năm "giữ tuổi thơ cho trẻ thị thành"
Vừa tỉ mẩn chỉnh lại mấy món đồ chơi bày trước mặt, ông Nguyễn Kim Hạnh (76 tuổi, TP.HCM) vừa chậm rãi kể lại hành trình gần 30 năm gắn bó với gian hàng đồ chơi dân gian. Ngày qua ngày, ông gìn giữ tuổi thơ cho những đứa trẻ lớn lên giữa thị thành.
Ông Hạnh kể khi xưa ông từng học tú tài. Đến năm 23 tuổi, vì điều kiện gia đình không cho phép, cậu thanh niên khi ấy bỏ dở việc học giữa chừng. 25 tuổi, một căn bệnh bất thình lình khiến khớp tay ông bị tật, các cơ co rút lại, cử động không được bình thường. "Buồn lắm chứ, lúc đó tôi còn trẻ - cái tuổi đẹp nhất đời mà. Nhưng buồn mấy thì mình vẫn phải chấp nhận thôi. Quan trọng nhất là càng khó khăn chừng nào thì phải càng cố gắng chừng đấy. Vì bỏ cuộc là đồng nghĩa với thất bại", ông Hạnh bộc bạch.
Trải qua hơn chục nghề, nào là dịch thuật, hướng dẫn viên du lịch, rồi cũng có khi chán nản, ông Hạnh bỏ Sài Gòn về quê làm ruộng, trồng cây ăn trái, bán cây cảnh, bong bóng,… Vậy rồi nghề làm đồ chơi dân gian lại đến với ông như một mối duyên.
Biết cách làm đồ chơi dân gian nhờ vào quá trình học hỏi, năm 1990, ông Hạnh làm thử vài món đồ như chuột, chim... bằng carton (bìa cứng) bán thử. Thấy bán chạy, nhiều người thích, ông tập tành làm thêm những con vật khác sáng tạo hơn. Và từ đó đến nay, đã 29 năm ông gắn bó với nghề làm và bán đồ chơi dân gian cho trẻ.
|
Mỗi món đồ chơi của ông có giá chỉ 20 nghìn đồng. |
"Cái tên ông Chuột mà mọi người hay gọi cũng xuất phát từ món đồ chơi đầu tiên mà tôi làm ra. Những năm 1990, tôi bán đồ chơi ở vườn hoa Nguyễn Huệ, nhà thờ Đức Bà, Thảo Cầm Viên, hồ Con Rùa. Trước bán có 2 nghìn/ con, mỗi ngày bán được 15-20 con. Nhiều lúc cao điểm vào tết, tôi bán được tận 40-50 con/ ngày", ông Chuột kể về "thời hoàng kim" của mình trong quá khứ.
Làm đồ chơi dân gian, nhưng bất cứ ai tiếp xúc với ông cũng đều bất ngờ bởi kiến thức uyên bác, thành thạo 2 thứ tiếng Anh và Pháp bên cạnh tiếng Trung,Nhật. Bất kể là câu hỏi về văn chương, khoa học hay tôn giáo, chính trị ông đều có thể trả lời. "Tôi vẫn hay đùa rồi tự nhận với mọi người rằng: Tôi là người "già chuyện", nói rồi ông Hạnh bật cười.
Nói về quy trình "cho ra đời" một món đồ chơi, ông Hạnh cho biết nhìn thì cứ nghĩ đơn giản nhưng chúng phải trải qua 16 công đoạn lớn nhỏ mới hoàn thành. Để chứng minh, ông Hạnh chọn lấy món đồ chơi hình con chuột làm mẫu. "Đầu tiên là phải vẽ mẫu. Phải vẽ sao cho khéo, cho đảm bảo quy luật đối xứng. Rồi phải làm hình mẫu sao cho đơn giản nhưng người ta vẫn sẽ nhìn ra được đó là con chuột. Nhìn vậy chứ con chuột đồ chơi cũng có trái tim. Trái tim là chỗ giữ thăng bằng, để khi chạy nó không bị cắm đầu hoặc đuôi xuống đất. Giờ cạnh tranh dữ lắm, nếu mình làm không khéo khéo, người ta sẽ không mua đâu", cụ ông 76 tuổi nói.
Nở nụ cười hiền rồi tiếp tục tâm sự, ông Hạnh bảo con người ngày càng văn minh thì quần áo càng đẹp. Vậy thì mình cũng phải mặc áo cho con vật mới bắt mắt. Từ đó các món đồ chơi cũng được vẽ hoa, gắn họa tiết, gắn đôi mắt để nhìn như đang chuyển động. Rồi đổi từ loại bìa giấy sang loại bền hơn, thay bánh xe quay từ đất sét sang làm bằng xi măng. Từ hình mẫu con chuột đầu tiên, cứ hai năm một lần, ông Hạnh lại tự sáng tạo ra thêm bươm bướm, chim công, rùa, bọ,…
Chỉ vào chiếc tủ lớn đựng vật liệu làm đồ chơi của mình, ông Hạnh tự hào gọi đó là "giang sơn". 29 năm làm nghề, kinh qua hết những buồn vui mưa nắng, hành trình 29 năm vòng xe ông in dấu trên các nẻo đường Sài Gòn. Từ lúc mỗi con chuột chỉ có giá 2 nghìn đồng cho đến hiện tại: 20 nghìn đồng, ông Hạnh vẫn cần mẫn và trân quý công việc mà ông đã chọn để gắn bó lúc xế chiều.
"Giờ nhiều trò chơi trên mạng, trên điện thoại quá, trẻ con nghiện game nên cũng không thiết tha gì nhiều với những món đồ chơi dân gian. Nhưng tôi vẫn làm, vì bác muốn gìn giữ những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, gìn giữ tuổi thơ cho những đứa trẻ thành thị. Tôi muốn chúng biết cách đây 20-30 năm về trước, tuổi thơ của cha, mẹ, ông bà chúng đã từng chơi những món đồ chơi như thế. Tâm hồn của những thế hệ đi trước đã được bồi dưỡng, vun đắp bằng những điều giản dị nhưng đong đầy ý nghĩa lớn lao thế nào", ông Hạnh trầm ngâm tâm sự.
|
Mỗi món đồ chơi phải trải qua 16 công đoạn lớn nhỏ đều được ông vận dụng những kiến thức đã học. |
"Sống ngày nào thì hãy cười ngày ấy!"
Trong suốt 29 năm làm nghề, ông kể ngoài bán ở các công viên, phố đi bộ, cũng có khách du lịch đến đặt hàng số lượng lớn để mang về nước tặng bạn bè, người thân. Thỉnh thoảng người ta cũng đặt ông làm đồ chơi để tặng các bé thiếu nhi trong trường mẫu giáo. Lúc nào ông cũng tự hào vì mình làm được điều gì đó để giữu được cái hồn của trò chơi dân gian.
Thế nhưng khi được hỏi: "Thấy ông luôn cười vui vẻ, chắc hẳn công việc này sẽ không có chỗ cho những nỗi buồn?", ông Hạnh trầm ngâm hồi lâu rồi gật đầu bảo có.
Nhìn người đàn ông lớn tuổi hằng ngày rong ruổi trên chiếc xe cũ, bán đồ chơi ở lề đường, không ít người dè bỉu, khinh bỉ. Ông Hạnh kể: "Có người chọc ghẹo rồi hù dọa con họ đừng đến gần tôi, không khéo con chuột sẽ cắn chân. Mấy đứa nhỏ mới 2-3 tuổi nên đâu biết gì, vô tư chạy lại dùng chân đạp bẹp dúm con chuột, con rắn của tôi. Lúc đó buồn lắm, nhưng rồi cũng thôi. Bên cạnh đó cũng còn nhiều người dễ tính, họ thông cảm, nói chuyện lịch sự. Có mấy đứa trẻ say mê nhìn mấy con chuột, con chim rồi còn bảo tôi dạy cho chúng làm".
Trò chuyện một lúc, ông Hạnh lại ngừng một lát để xoa bóp tay vì đau và mỏi. "Thỉnh thoảng tôi cũng hay đau bệnh lặt vặt lại phải nghỉ 1-2 tháng rồi mới đi làm nổi. Năm 2013, lúc ấy tôi bị cao huyết áp, cử động khó khăn, 5 đứa con đều năn nỉ ở nhà đừng đi làm nữa. Nhưng tôi nghĩ lớn tuổi rồi, ngồi một chỗ thấy khó chịu lắm. Cuộc đời tôi cũng không còn bao lâu, mình mang theo sự hiểu biết, niềm vui chia sẻ cho mọi người ngày nào thì mình vui ngày ấy. Sống ngày nào thì hãy cười ngày ấy. Nhìn mọi người cười, tự dưng tôi cũng vui", ông Hạnh nói.
Chào tạm biệt ông cụ với mái đầu bạc đang tỉ mẩn làm những món đồ chơi, móm mém cười trong cái nắng gay gắt Sài Gòn một buổi chiều tháng 4, bên cạnh tôi dường như vẫn còn nghe thấy những câu thơ ông đọc: “Con chuột nhắt, lúc lắc nó chạy, cái đầu nó lắc lắc, cái đuôi nó rung rung, nó chạy lung tung, cái mỏ nó nhọn hoắt, là con chuột nhắt...", thật gần như tiếng vọng về của tuổi thơ.