Hình thành từ năm 1992, chợ Long Biên đã trở thành chợ hoa quả đầu mối lớn nhất Thủ đô. Hàng đêm, khi thành phố lên đèn cũng là lúc hàng trăm tiểu thương từ khắp các tỉnh đổ về buôn bán.
Mua hàng xong họ phải thuê người vận chuyển nên nghề phu xe ra đời từ đó. Trong các phu xe có một bộ phận không nhỏ là phụ nữ. Không việc làm ổn định, họ lên thành phố với mong muốn tìm cách để cuộc sống khá hơn.
Chị Nguyễn Thị Phương (SN 1971, Kim Động, Hưng Yên) có mặt tại chợ Long Biên đã 8 năm nay.
|
Chị Nguyễn Thị Phương trong căn phòng ngổn ngang vật dụng. Ảnh: Vũ Lụa |
Người phụ nữ gầy gò, gương mặt khắc khổ cho biết: “Nhà tôi 2 vợ chồng, mỗi người được cấp 1,7 sào ruộng. Chúng tôi phải canh tác để nuôi gia đình 5 người, trong đó 2 con ăn học”.
Cuộc sống thiếu thốn, chị theo người em chồng, vốn là một phu xe ở chợ Long biên, lên Hà Nội, gia nhập đội quân kéo xe. Người em chồng cũng bán lại chiếc xe kéo cho chị Phương với giá 5 triệu đồng.
Lần đầu ra chợ, chị Phương chưa quen việc người em chồng phải hỗ trợ. “Quãng nào đông người, cô ấy cầm xe. Quãng nào vắng tôi được cầm xe. Xe hàng nặng, lên dốc thì cả hai chị em cùng gò lưng kéo.
Ban đầu tôi điều khiển xe không quen va vào hết người này, người kia. Vừa kéo miệng vừa phải xin lỗi liên tục. Sau mỗi đêm, người tôi mỏi nhừ, không nhấc nổi tay chân. Sau này, khi đã cứng tay tôi tự mình kéo xe. Mới đó mà đã 8 năm trời…”, chị Phương hồi tưởng.
Sau khi chị lên chợ, chồng chị cũng theo vợ lên Hà Nội làm nghề lái xe. Lần lượt 2 con gái của chị cũng lên Hà Nội học đại học. Nhà ở quê đóng cửa lại và chị chỉ về vào những dịp Rằm, lễ Tết để thắp hương.
Chị nói về con bằng sự tự hào: “Con gái đầu của tôi học ĐH Công đoàn. Con gái út năm nay mới học năm thứ nhất. Cháu từng là học sinh trường chuyên, thi đỗ vào trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với 29 điểm. Tôi nói với các con: “Con phải có chữ, có kiến thức và tay nghề để thay đổi cuộc đời”.
Trong căn phòng trọ nhỏ, hiu hắt với chiếc bóng điện công suất yếu, chị Nguyễn Thị Hiên (SN1978, Hải Hậu, Nam Định) đang vội vã chuẩn bị bữa cơm tối.
Chị chia sẻ: “Chúng tôi ăn cơm tối xong sớm, sau đó tranh thủ ngủ một giấc rồi ra chợ vào lúc 11 giờ đêm. Nếu không chợp mắt thì ra chợ đến khoảng 4-5 giờ sáng, trời rét, không cưỡng nổi cơn buồn ngủ. Ở chợ đêm nếu đói bụng, chúng tôi lót dạ bằng bắp ngô, nắm xôi… để lấy sức kéo hàng”.
“Hai vợ chồng tôi kéo chung một xe. Chồng kéo trước, vợ đẩy sau. Người này mệt thì nghỉ, người kia kéo sau đó lại đổi ca cho nhau”, chị Hiên nói thêm.
Theo lời chị, việc 2 người kéo chung 1 xe không năng suất hơn 1 người 1 xe bởi số hàng hóa, số chuyến xe như nhau nhưng bù lại việc hai vợ chồng chung xe khiến công việc của họ đỡ vất vả hơn.
Ngoài ra, chị phải lên Hà Nội cùng chồng vì anh có tiền sử bệnh thần kinh. “Những lúc say rượu hay bị kích động anh đều không kiềm chế được hành vi nên tôi đưa chồng lên cũng một phần tiện chăm sóc cho anh”.
Hàng tháng, ngoài lo việc ăn uống, tiền phòng trọ tiền gửi về quê nuôi con ăn học, anh chị cũng để dành được khoảng 5 triệu đồng.
‘Tuy nhiên 2 tháng gần đây chúng tôi làm chỉ đủ ăn. Mùa đông năm nay mưa lạnh, nhu cầu sử dụng hoa quả của người dân ít nên chúng tôi ít việc hơn. Có những ngày vợ chồng tôi ngồi không suốt đêm. Từ đầu tháng đến nay, đã có 5 ngày chúng tôi kéo xe về sau khi không được chuyến nào”.
Nghe vợ nói, chồng chị đang ngồi trên tấm gỗ được kê tạm làm giường, cũng buồn bã nói: “Hi vọng gần Tết Âm lịch (ngày 22, 23 tháng Chạp) nhu cầu hoa quả tăng vợ chồng tôi sẽ nhiều việc hơn”.
Dù công việc vất vả và thu nhập không ổn định nhưng chị lại tự hào về sự lựa chọn của mình. “Quê tôi các lao động trẻ ít khi chấp nhận cảnh bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Họ vào làm công nhân trong các khu công nghiệp hoặc xa quê đi làm thuê nơi xứ người.
Làm trong nhà máy, các công ty sẽ gò bó vì quy định, giờ giấc trong khi đó chúng tôi làm nghề tự do giờ giấc rất thoải mái. Chúng tôi có thể nghỉ khi ốm mệt hoặc gia đình có việc. Quan trọng nhất là “tiền tươi thóc thật”, chở xong chuyến nào chúng tôi cũng nhận được tiền ngay”.
Ngoài những lý do đó, chị Lê Thị Hải (35 tuổi, Nam Định) còn cho biết, chị chọn công việc này vì gần vợ gần chồng. Chị Hải kể: “Làm gì cũng không quan trọng bằng việc giữ một gia đình yên ấm. Tôi từng chứng kiến có trường hợp xa vợ, xa chồng khiến cho gia đình đổ vỡ”.
Chị kể tiếp: “Cách đây khoảng 4 năm, chúng tôi từng kéo xe cùng T. (SN 1974, Hải Dương). T. và chồng đã có một con trai 3 tuổi, rất kháu khỉnh ở quê. Vì hoàn cảnh gia đình T. phải xa chồng, xa con lên chợ Long Biên để làm ăn”.
Vẫn theo lời chị Hải, ban đầu T. làm nghề phu kéo nhưng sau đó công việc quá vất vả T. chuyển sang nghề bán xôi đêm ở chợ. Cuộc sống xa gia đình, sinh hoạt khổ sở, công việc lại vất vả khiến T. luôn cảm thấy buồn chán và mệt mỏi.
Trong khoảng thời gian đấy, T. quen và bầu bạn với một người gánh hàng thuê khác ở chợ hoa quả này. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, họ đã phải lòng nhau.
Chán cảnh "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" ở chợ, người phụ nữ ấy cùng người gánh hàng thuê đã bỏ việc để cùng nhau đi vào miền Nam, bắt đầu một cuộc đời mới.
Chồng T. đưa con lên tận Hà Nội tìm vợ. Anh hi vọng một ngày chị suy nghĩ để quay lại. Tuy nhiên lần nào cũng vậy, người chồng này đều buồn bã trở về.