Chiều 20/7, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" tiếp tục phần tranh tụng. Nhóm bị cáo là các chủ doanh nghiệp bị xét xử tội "đưa hối lộ" trong phiên tòa vụ chuyến bay giải cứu được tự bào chữa.
"Bị cáo thực sự rất giận Cục Lãnh sự"
Khi tự bào chữa, bị cáo Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty MasterLife trình bày những ấm ức đã trải qua trong quá trình xin cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước.
Cơ quan tố tụng cáo buộc, từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2022, bị cáo Trần Thị Mai Xa đã đưa hối lộ 20 lần, tổng số tiền hơn 8,1 tỷ đồng. Với hành vi này, bị cáo Xa bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án từ 4 - 5 năm tù.
Tự bào chữa, bị cáo Mai Xa cho biết, tháng 6/2021, doanh nghiệp của mình lần đầu được cấp “chuyến bay giải cứu”.
|
Bị cáo Trần Thị Mai Xa trình bày tại tòa. |
Theo bị cáo Xa, trong hai chuyến bay đầu tiên, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao gửi công văn tới các bộ thì 3 bộ đồng ý, chỉ còn A08 có văn bản chưa chấp thuận. Bị cáo gọi điện cho Phòng Bảo hộ công dân, thuộc Cục Lãnh sự thì được trả lời có một chút vướng mắc.
“Bị cáo thực sự rất run, bởi vì bị cáo như chim ngã sợ cành cong, bị cáo rất sợ không được cấp phép bay vì bị cáo không còn nhà để bán nữa”, bị cáo Xa nói.
Khi Xa lên lên A08 để gặp Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ A08). Tại đây, Cường cho biết, văn bản xin cấp phép chuyến bay bị từ chối là do “sếp không biết doanh nghiệp của em là ai cả”, đồng thời Cường gợi ý “Thôi! để giải quyết nhanh, em nên làm theo cơ chế cảm ơn đi, nếu không kịp thì cũng khó lắm”.
Trình bày tiếp tại tòa, bị cáo Mai Xa nói, khi cán bộ đưa ra lý do như vậy, thực sự trong lòng bị cáo rất ấm ức và bị cáo cảm thấy những thứ mình đang làm tốt, theo đúng chủ trương nhân đạo của Nhà nước tại sao lại bị từ chối như vậy. Trước hoàn cảnh đó, bị cáo Mai Xa cho biết, buộc phải tìm mọi cách để xoay tiền, đáp ứng yêu cầu mới được “Ý kiến đồng thuận”.
“Đáng lẽ lúc đó, Cục Lãnh sự phải giải quyết vướng mắc chứ không phải bị cáo tới đó giải quyết. Bị cáo thực sự rất giận Cục Lãnh sự, bởi đó là cơ quan chủ trì, sao để bị cáo rơi vào hoàn cảnh đó”, bị cáo Xa nói.
Theo bị cáo Xa, đó là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt sai phạm của bị cáo khi đưa tiền cho các cán bộ trong vô thức. “Bị cáo không ý thức được về điều đó, nhưng lần đầu tiên bị cáo đã bị ép phải đưa tiền rồi thì lần sau cứ thế phải đưa thôi, như thông lệ”, bị cáo Mai Xa bức xúc.
Bị cáo Xa trình bày, trên những chuyến bay do công ty của bị cáo tổ chức, có chuyến bay 240 chỗ, trong đó có khoảng 10 hũ tro cốt được mang về. Khi bị từ chối cấp phép cho công ty, bị cáo hỏi lý do thì phía Cục Lãnh sự cho biết: “Bên đó nói chưa có sự cấp thiết”.
“Trong lúc dịch bệnh, cả thế giới đang hoảng loạn thì thế nào là cấp thiết? Những hũ tro cốt, những người chết vì tai nạn và dịch bệnh mà không được đưa về nước thì có thực sự cấp thiết hay không? Tại sao bị cáo làm những việc rất có ý nghĩa, giúp đồng bào mà lại bị gây khó khăn như vậy?”, bị cáo Xa nói.
Bị cáo Xa mong muốn đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử xem xét, đồng cảm với bị cáo cùng với các bị cáo khác là doanh nghiệp liên quan đến vụ án này. Xa cũng mong Hội đồng xét xử cân nhắc cho bị cáo được hưởng một bản án khoan hồng của pháp luật.
Ân hận vì "đẩy" vợ vào tù
Trong vụ án chuyến bay giải cứu, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Hoàng Long Luxury, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Việt cùng vợ là Vũ Thùy Dương cùng bị xét xử về tội đưa hối lộ. Mạnh thành lập Công ty cổ phần du lịch Lữ hành Việt giao cho Dương đứng tên làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật.
Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, bị cáo Mạnh có hành vi đưa hối lộ 22 lần tổng số tiền gần 28 tỷ đồng; bị cáo Dương có hành vi đưa hối lộ 17 lần tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng. Đồng thời, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Mạnh từ 7 - 8 năm tù; bị cáo Dương từ 2 - 3 năm tù.
Tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh, Phó giám đốc Công ty cổ phần thương mại Lữ Hành Việt đề nghị Hội đồng xét xử cho vợ là bị cáo Dương thay bị cáo được ở ngoài xã hội để thực hiện nghĩa vụ của người làm mẹ, làm cha đối với các con.
Theo lời bị cáo Mạnh, tại Công ty Lữ Hành Việt, bị cáo Dương bị lệ thuộc hoàn toàn vào bị cáo cả công việc và tình cảm. “Thời điểm dịch COVID - 19, vợ bị cáo đang nuôi con nhỏ một tuổi, mọi hành vi Dương làm đều theo sự chỉ đạo của bị cáo. Và chính bị cáo đã đẩy vợ vào con đường phạm tội, dù là vô tình”, bị cáo Mạnh bào chữa.
Bị cáo Mạnh trình bày, bị cáo nhận được nhiều cuộc gọi của khách hàng đăng ký mua vé máy bay về nước. Và bị cáo có danh sách gần 1.000 công dân với đầy đủ địa chỉ, hoàn cảnh có thể về nước được. Để thực hiện các chuyến bay, bị cáo chuẩn bị rất kỹ lưỡng, ưu tiên những công dân có hoàn cảnh khó khăn. Khi đó, bị cáo tin rằng, dù xét duyệt dưới hình thức nào thì doanh nghiệp của mình cũng đủ điều kiện để được cấp phép.
“Tuy nhiên, khi gửi hồ sơ thì công ty không được xét duyệt nên bị cáo đã rất thất vọng... Lúc đó, bị cáo vẫn quyết tâm, cố gắng xin được thực hiện chuyến bay. Đến giờ phút này, bị cáo khẳng định, chính những hành vi mập mờ đã thúc ép hành động của bị cáo, thúc đẩy bị cáo và đồng nghiệp vào tù”, bị cáo Mạnh nói.
Mạnh cũng nói rằng, mục đích chỉ vì muốn có việc làm cho nhân viên và bị cáo đã giao cho bị cáo Kiếm đi xin cấp phép các chuyến bay. Đến khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết biết việc bị cáo Kiếm dùng tiền vợ chồng bị cáo đưa để đưa hối lộ. Bị cáo Mạnh thừa nhận, hành vi đưa hối lộ là phạm tội và bị cáo đã thành khẩn nhận tội và mong HĐXX xem xét cho hoàn cảnh phạm tội của bị cáo để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và vợ bị cáo.
"Doanh nghiệp là nạn nhân của văn hóa phong bì"
Bị cáo Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Bluesky và bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng giám đốc Công ty Bluesky bị cáo buộc từ tháng 11/2020 đến tháng 12/2022 đã đưa hối lộ 76 lần, số tiền hơn 100 tỷ đồng. Nguyễn Thị Thanh Hằng bị VKS đề nghị xử phạt từ 10-11 năm tù; Lê Hồng Sơn bị đề nghị từ 11-12 năm tù cùng với tội danh "Đưa hối lộ".
Tự bào chữa, bị cáo Lê Hồng Sơn nói sau khi nghe phần luận tội, đề nghị mức án của đại diện Viện Kiểm sát đã rất sốc. Theo lời bị cáo Lê Hồng Sơn, tháng 5/2020, công ty của Sơn được chỉ định phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ thực hiện 10 chuyến bay giải cứu.
"Bản thân bị cáo cũng có con ở bên Úc. Cháu có gọi về, cháu bảo là ba làm nhiều chuyến bay giải cứu thế, tại sao ba lại để con ở đây. Để con chết ở bên này à. Từ những việc như thế bị cáo rất đồng cảm với những người ở bên nước ngoài phải cách xa gia đình, bị cáo cũng biết nhiều người vì chậm chuyến bay mà không được gặp người thân, mất ở bên đó. Có những người mất ở trên máy bay… rất đau xót", bị cáo Lê Hồng Sơn nói.
Theo bị cáo Sơn, trước khi xảy ra dịch COVID-19 doanh nghiệp là đơn vị có tiếng trong ngành hàng không, doanh thu khoảng 1.000 tỷ/năm với hơn 100 nhân công. Tuy nhiên dịch bùng phát, các doanh nghiệp hàng không gặp nhiều khó khăn, vỡ nợ và "doanh nghiệp của bị cáo không nằm ngoài vòng xoáy này". Năm 2020, với uy tín của Công ty Bluesky đã được Vietnam Airlines lựa chọn việc thực hiện 10 chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam từ Mỹ về nước.
Bị cáo thừa nhận cùng với phó giám đốc của công ty thực hiện việc hối lộ để được cấp phép các chuyến bay giải cứu. "Qua vụ án này bị cáo nghĩ rằng doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin - cho, nạn nhân của văn hóa phong bì, nạn nhân của văn hóa thiếu hiểu biết", bị cáo Sơn nói.
Theo bị cáo này, Việt Nam nếu có từ 2-3 doanh nghiệp cùng thực hiện một việc thì khó có thể thỏa hiệp về giá nhưng thời điểm dịch có tới mấy chục doanh nghiệp cùng đưa công dân về nước dẫn đến "loạn giá", không có mức giá chung. Bị cáo Sơn bày tỏ mong muốn Viện Kiểm sát cũng như tòa án xem xét một cách thỏa đáng, một thời gian phù hợp với độ tuổi của bị cáo để bị cáo sớm trở về với gia đình.
>>> Mời độc giả xem video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ