TAND TP Hà Nội đang xét xử 54 bị cáo nguyên là quan chức, cán bộ của 4 Bộ, 2 tỉnh, 5 cơ quan đại diện Ngoại giao của Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong đại án "chuyến bay giải cứu" về các tội: Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an, khi đề cập vụ việc trên, đã dẫn câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, cũng chẳng muốn ham hố vật chất…”.
Ông Cương cho rằng, các bị cáo từng là cán bộ, lãnh đạo bộ, ngành trong vụ “chuyến bay giải cứu” không chỉ suy thoái về đạo đức, mà đã tha hóa đến tột cùng.
|
Các bị cáo vụ chuyến bay giải cứu. |
Tột cùng của sự tha hóa
Một công bộc quốc gia liêm chính phải có đức, có tài, biết kính trọng nghề nghiệp, vui vẻ với mọi người, công chính vô tư… Điều này luôn đúng trong mọi thời đại?
Bác Hồ từng nói: "Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nói về liêm chính và xây dựng văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên: "Thanh sạch, liêm khiết ấy chính là liêm vậy. Hơn nữa, chính là tinh thần chí công vô tư, ‘dĩ công vi thượng’ và biết quên mình mà làm chuyện ích lợi chung. Người liêm khiết luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được thơm tho, không lợi dụng địa vị mình để ‘chiếm công vi tư’, để nhũng nhiễu, bóc lột đồng loại. Chung quy một người liêm chính là người tài đức xứng với danh vị của mình, với chức tước, phận vị của mình".
Những ý kiến đó đúng trong mọi thời đại. Các vụ án tham nhũng thời gian qua và vụ “chuyến bay giải cứu” đang xét xử cho thấy: “Nếu không Liêm thì của gì cũng cả gan lấy; không Sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm”. Cán bộ không giữ lòng trong sạch dễ sa vào tội lỗi, không giữ đạo đức, không khắc chế lòng tham sẽ bất chấp mọi thứ để làm.
Việc các bị cáo nhận hối lộ lên đến 165 tỷ đồng cho thấy sự suy thoái về đạo đức, tự chuyển biến, tự chuyển hóa của các bị cáo từng là lãnh đạo, cán bộ một số bộ, ban, ngành địa phương ra sao?
“Chuyến bay giải cứu” là vụ án đặc biệt nhất trong các đại án tham nhũng đến thời điểm hiện tại, bởi nó liên quan sinh mạng con người. Các bị cáo từng là lãnh đạo, quan chức, cán bộ, ngành, địa phương đã bằng nhiều cách để ăn chặn, ăn hối lộ trong bối cảnh đồng bào người Việt ở nước ngoài muốn về nước khi Covid-19 ở một số quốc gia thời điểm đó diễn biến phức tạp.
Điều đó chứng tỏ hành vi của các bị cáo từng là cán bộ, lãnh đạo bộ ngành này không chỉ suy thoái về đạo đức, mà đã tha hóa đến tột cùng. Họ nhẫn tâm không chỉ bởi hành vi nhận hối lộ, trục lợi cá nhân, mà còn nhẫn tâm ăn trên xương máu của đồng bào.
Tôi đề nghị Hội đồng xét xử phải hết sức công minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Phải tận dụng những tình tiết tăng nặng, đúng pháp luật và cẩn thận trong vận dụng tình tiết giảm nhẹ, bởi tính chất nghiêm trọng và sự nhẫn tâm của các bị cáo.
|
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an |
“Chuyến bay giải cứu là vụ án đặc biệt bởi không chỉ hành vi đưa, nhận hối lộ mà nó còn liên quan sinh mạng con người trong đại dịch”, Thiếu tướng Lê Văn Cương.
Kiểm soát quyền lực để không "thả rông thú dữ vào xã hội"
Có ý kiến cho rằng, luật pháp vẫn chưa đủ răn đe nên các bị cáo nghĩ “một tay có thể che trời”, muốn làm gì thì làm?
Thật ra, luật pháp Việt Nam hiện nay rất rõ ràng và nghiêm khắc. Hành vi nhận hối lộ được quy định tại Khoản 4, Điều 354, Bộ luật Hình sự: Nếu của hối lộ là tiền, tài sản trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên, khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Với tội đưa hối lộ, theo Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm.
Tuy nhiên, nếu các bị cáo nộp khắc phục đầy đủ, ăn năn hối cải có thể xem xét tình tiết giảm nhẹ. Đây là tính nhân đạo, còn các quy định của pháp luật đều khá chặt chẽ, nghiêm minh, đủ tính răn đe với mức hình phạt cao nhất lên đến tử hình. Nhưng theo tôi, Hội đồng xét xử sẽ xem xét có tuyên mức án cao nhất hay không khi bị cáo đã nộp tiền khắc phục vụ án.
|
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng tại tòa. |
Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, vì mục đích lợi nhuận và vụ lợi cá nhân, hành động của những cán bộ này không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan, tổ chức và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế?
Đúng vậy. Hành vi của các bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Nhiều người trong số họ từng là quan chức, lãnh đạo Bộ, ngành, từng là rường cột của bộ máy Nhà nước, mà lại có hành vi nhẫn tâm như vậy. Khi cả thế giới gồng mình lên chống đại dịch Covid-19, một bộ phận quan chức Việt Nam lại móc ngoặc ăn hối lộ của đồng bào sinh sống, làm việc tại một số nước, thì muốn hay không muốn cũng ảnh hưởng uy tín của Việt Nam trên trường thế giới.
Quyền lực giao cho những kẻ không có đạo đức thì không khác gì "thả rông con thú dữ vào xã hội". Chế tài nào kiểm soát quyền lực, thưa ông?
Từ vụ án “chuyến bay giải cứu”, chúng ta cần phải nhìn nhận hệ thống giám sát quyền lực của ta còn có "lỗ hổng". Một số nước như Singapore, Thụy Điển, Phần Lan, New Zealand… đều có điểm chung là quyền lực của quan chức, công chức được giám sát rất chặt chẽ.
Ở nước ta, một số quan chức, công chức lợi dụng việc giám sát chưa thật sự chặt chẽ để thực hiện hành vi sai phạm, biến công quyền thành tư quyền để mưu lợi cho cá nhân, gia đình, hội nhóm. Đó là những biểu hiện của tha hóa quyền lực. Do đó, cơ quan của Đảng, Nhà nước cần phải rà soát việc giám sát quyền lực. Giao quyền lực cho cán bộ đến đâu thì có hệ thống giám sát quyền lực đến đấy.
Xin cảm ơn Thiếu tướng Lê Văn Cương!
Một bị cáo bị đề nghị tuyên án tử hình
Trong nhóm bị cáo nhận hối lộ trong vụ “chuyến bay giải cứu”, Viện KSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên án tử hình Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế. Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị đề nghị mức án từ 12-13 năm tù. Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan bị đề nghị từ 18 đến 19 năm tù. Các bị cáo còn lại trong nhóm nhận hối lộ bị đề nghị từ 2 - 10 năm tù.
Nhóm bị cáo đưa hối lộ: Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Bầu Trời Xanh, bị đề nghị 10 -11 năm tù; Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh bị đề nghị 11-12 năm tù. Các bị cáo còn lại trong nhóm này bị đề nghị từ 18 tháng đến 9 năm tù.
Nhóm bị cáo Môi giới hối lộ: Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội bị đề nghị từ 6-7 năm tù; 3 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 2 đến 4 năm tù.
Nhóm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng Chính trị Hậu cần, Cục An ninh Điều tra, Bộ Công an, bị đề nghị 19-20 năm tù; bị cáo Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thái Hòa, bị truy tố 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Đưa hối lộ, đề nghị mức án 15 -17 năm tù.
Nhóm Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ: Bị cáo Trần Việt Thái, cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia bị đề nghị 5-6 năm tù, các bị cáo còn lại bị đề nghị 2 đến 5 năm tù.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ