Theo dõi phiên tòa chuyến bay giải cứu, dư luận quan tâm việc làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cựu Trưởng phòng thuộc Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an Hoàng Văn Hưng liên quan việc nhận tiền để giúp “chạy án”. Nhất là khi lời khai của 2 cựu công an trong những ngày xét xử qua còn có nhiều mâu thuẫn.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, chuyến bay giải cứu là vụ án phức tạp, xử lý đối với nhiều bị cáo, nhiều tội danh khác nhau, khi tòa án chưa tuyên bản án thì "chuyện gì cũng có thể xảy ra".
|
Cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn và cựu Trưởng phòng thuộc Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an Hoàng Văn Hưng. |
Nhiều vấn đề phải làm rõ
Tuy nhiên, theo ông Cường, với diễn biến phiên tòa những ngày qua cho thấy vụ án này còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ, trong đó có vấn đề giao, nhận tiền giữa bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội với cựu cán bộ điều tra Hoàng Văn Hưng để giúp “chạy án” có hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn (Phó, Tổng Giám đốc Công ty Bluesky) được thực hiện thế nào, chứng cứ nào chứng minh số tiền đã giao nhận. Đặc biệt là lời khai mâu thuẫn giữa bị cáo Nguyễn Anh Tuấn và bị cáo Hoàng Văn Hưng về việc đã giúp đỡ bị cáo Hằng, bị cáo Sơn như thế nào và có việc giao nhận tiền hay không?
Về nguyên tắc, trong phần tranh tụng, các bị cáo, người bào chữa đều có quyền đưa ra quan điểm, lý lẽ của mình, có quyền đánh giá chứng cứ và sử dụng chứng cứ để chứng minh cho luận điểm của mình. Tòa án sẽ không hạn chế thời gian tranh luận, trong quá trình tranh luận, các bị cáo đều bình đẳng với nhau trong việc đưa ra chứng cứ, trong việc sử dụng và đánh giá chứng cứ để chứng minh cho quan điểm, luận điểm của mình.
Tuy nhiên, vụ án có nhiều tình tiết HĐXX cần phải làm rõ trong phần tranh luận và đối đáp giữa đại diện Viện Kiểm sát, các bị cáo và các luật sư bào chữa trong những ngày tiếp theo, trong đó có các tình tiết liên quan đến bị cáo Hưng, bị cáo Tuấn, bị cáo Thanh Hằng, bị cáo Sơn đối với các hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 2,8 triệu USD.
Đến nay, bị cáo Hằng, Tuấn và Sơn thừa nhận hành vi phạm tội là đưa hối lộ và môi giới hối lộ, các bị cáo này tỏ ra thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, khẳng định lời khai của mình là đúng, trung thực, là bản chất của vụ việc. Đáng chú ý, lời khai của các bị cáo này lại mâu thuẫn với bị cáo Hưng, cựu điều tra viên, người bị quy kết là lừa đảo chiếm đoạt số tiền 800.000 USD.
Tại phiên tòa những ngày qua, bị cáo Hưng không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng mình chỉ nhận quà tặng là rượu vang của bị cáo Tuấn, chứ không nhận tiền. Bị cáo Hưng cũng cho rằng mình không có hành vi nào xâm phạm hoạt động tư pháp, không cản trở hoạt động điều tra, không hướng dẫn bị cáo Hằng và bị cáo Sơn thực hiện các hành vi trái pháp luật...
Từ diễn biến trên, lời khai của Hưng là đúng hay lời khai của Tuấn, Hằng đúng là vấn đề rất quan trọng để xác định bản chất của vụ án, cũng như làm căn cứ để buộc tội hoặc gỡ tội cho bị cáo Hưng về hành vi đang bị cáo buộc là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. HĐXX sẽ làm sáng tỏ vấn đề này trong những phiên tòa tới đây trên cơ sở tranh luận, đối đáp giữa các bị cáo với nhau và giữa các bị cáo, các luật sư bào chữa cho các bị cáo với đại diện viện kiểm sát. Đồng thời, sẽ dành thời gian dài để nghị án, phân tích những vấn đề đã được làm sáng tỏ tại phiên tòa, để làm cơ sở giải quyết vụ án.
Tại phiên tòa, bị cáo Hưng cho rằng do mối quan hệ quen biết với Tuấn nên gọi điện tâm sự với nhau là chuyện bình thường, bị cáo cho rằng mình nhận quà là 4 chai rượu vang cũng là chuyện bình thường và việc hướng dẫn cho bị cáo Hằng là đúng quy định pháp luật, mục đích là động viên bị cáo Hằng đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội...
Từ đó bị cáo Hưng vẫn quả quyết là mình bị oan, cho rằng cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát không đủ chứng cứ để buộc tội Hưng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong những phiên tòa diễn ra cho đến nay, Hưng chỉ thừa nhận là có việc liên hệ, gặp gỡ với bị cáo Nguyễn Anh Tuấn và bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, thừa nhận hành vi có nhận chiếc vali là quà tặng, nhưng không thừa nhận là đã nhận tiền, cho rằng trong vali chỉ là rượu vang...
Trong khi đó đại diện Viện Kiểm sát và bị cáo Tuấn lập luận cho rằng: không ai tặng rượu cho người vừa ốm liệt giường dậy; cũng không thể đựng rượu vang trong vali có mã số cẩn thận như vậy. Nếu không có việc làm ăn với nhau, không liên quan gì đến vụ án này, không thể phát sinh nhiều cuộc gọi trong thời gian ngắn, trong đó có nhiều cuộc gọi vào lúc nửa đêm và tần suất gặp nhau liên tục như vậy...Đồng thời đại diện Viện Kiểm sát và bị cáo Tuấn, bị cáo Hằng cho rằng lời khai của bị cáo Hưng là quanh co, gian dối...
Có thể nói, phần tranh luận, đối đáp tại tòa giữa các bên liên quan đến vấn đề bị cáo Tuấn có đưa tiền cho Hưng hay không là một trong những điểm nhấn của phiên tòa này trong những ngày tới.
Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, một người chỉ có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án. Khi tòa án chưa ban hành bản án có hiệu lực pháp luật, các bị cáo vẫn được coi là chưa có tội, và có quyền thực hiện việc bào chữa, nhờ người khác bào chữa để chứng minh cho sự trong sạch của bản thân mình.
Việc đánh giá chứng cứ, đánh giá tính trung thực trong lời khai và quyết định bị cáo có phạm tội hay không do HĐXX là người có thẩm quyền trên cơ sở trình tự thủ tục tố tụng hình sự.
Trường hợp tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên án mà các bị cáo không đồng ý, Viện Kiểm sát không tán thành vẫn có quyền kháng cáo hoặc kháng nghị để tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại theo trình tự phúc thẩm. Bởi vậy, các bên có đủ thời gian, điều kiện để chứng minh lập luận cho quan điểm của mình. Vụ án này dự kiến diễn ra trong 30 ngày, có đủ thời gian để các bên tranh luận, đối đáp, làm sáng tỏ vụ án, đồng thời cũng có nhiều thời gian để HĐXX nghị án, cân nhắc đến các vấn đề đang diễn ra ở phiên tòa này.
Ngoài ra, vụ án này có giai đoạn hai, bởi vậy những hành vi chưa được làm rõ, những đối tượng có liên quan đến vụ án chưa bị xử lý sẽ tiếp tục được cơ quan điều tra điều tra làm rõ và xử lý ở giai đoạn hai của vụ án này. Trong đó có thể có các hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ, xâm phạm hoạt động tư pháp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm, rửa tiền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Trong phần luận tội của mình cũng như phần bào chữa của các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát và các bị cáo cũng đều đồng tình cho rằng có nhiều tình tiết sẽ phải làm rõ trong giai đoạn hai để làm sáng tỏ bản chất của vụ án, cũng như giải quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.
Còn "quá sớm" để nói rằng bị cáo Hưng có tội hay không
Tại phiên xét xử những ngày tới, HĐXX có thể sẽ điều hành phiên tòa một cách rất tập trung, thận trọng để các bên tiếp tục đưa ra các luận điểm, sử dụng các chứng cứ để bảo vệ quan điểm của mình. Trong đó sẽ phải làm sáng tỏ bị cáo Hưng đã nhận những chai rượu đó để sử dụng như thế nào, uống rượu với ai, cần thiết có thể triệu tập thêm người làm chứng để làm rõ có hành vi uống rượu hay không, có ai nhìn thấy trong vali đó là những chai rượu hay không? Cần làm rõ đặc điểm chiếc vali? làm rõ bối cảnh dịch bệnh đó có thể tổ chức ăn nhậu được không, ai tham gia ăn nhậu nếu đó là những chai rượu vang thật ?
Ngoài ra, đại diện Viện Kiểm sát và bị cáo Tuấn, bị cáo Hằng cũng sẽ đưa ra những chứng cứ, lý lẽ, lập luận để chứng minh trong vali đó là 450.000USD?
Về nguyên tắc, lời khai nhận tội của bị cáo không phải là căn cứ duy nhất để kết tội, lời nhận tội chỉ được sử dụng để kết tội nếu như phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác được thu thập một cách khách quan, có liên quan và thu thập hợp pháp.
Pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay cũng quy định, bị cáo không có nghĩa vụ phải thừa nhận mình có tội, không có nghĩa vụ phải đưa ra bằng chứng để chống lại mình. Bởi vậy, trường hợp bị cáo không nhận tội, nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng mà trực tiếp là viện kiểm sát, cơ quan đã truy tố đối với các bị cáo.
Nếu bên buộc tội chứng minh được bị cáo Hưng đã nhận tiền bằng thủ đoạn gian dối, mới đủ căn cứ để buộc tội bị cáo này về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Những chứng cứ để chứng minh có thể là chứng cứ trực tiếp hoặc gián tiếp. Chứng cứ được xác định là những gì có thật, được thể hiện ở dạng văn bản, lời nói, dữ liệu điện tử hoặc các hình thức khác mà pháp luật có quy định. Ngoài những chứng cứ vật chất, những lời khai của người làm chứng mà trung thực, khách quan, có liên quan đến vụ án cũng được xác định là chứng cứ để chứng minh sự thật phải làm căn cứ để giải quyết vụ án...
Bởi vậy, bây giờ còn "quá sớm" để nói rằng bị cáo Hưng có tội hay không, cũng như để khẳng định lời khai của bị cáo Tuấn và bị cáo Hằng là đáng tin cậy hay không? Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đã rất thận trọng trong việc thu thập đánh giá chứng cứ trong thời gian qua, vấn đề này sẽ tiếp tục được làm sáng tỏ trong các phiên tòa tới đây.
Các bị cáo, các luật sư, đại diện Viện Kiểm sát đều có quyền sử dụng chứng cứ, đánh giá chứng cứ để chứng minh cho quan điểm, luận điểm của mình, quyết định cuối cùng vẫn là do hội đồng xét xử trên cơ sở thẩm quyền, thủ tục, căn cứ theo quy định của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Các bị cáo đã nhận tiền tinh vi ra sao?