Sáng 12/7, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét hỏi 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.
‘Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bảo không được đưa tiền nữa, nhưng đưa thì vẫn nhận’
Trong vụ án, bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Tổng Giám đốc Công ty An Bình bị cáo buộc đã sử dụng Công ty An Bình và 5 công ty liên kết để tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước. Bị cáo đã đặt vấn đề và được các cá nhân có thẩm quyền giải quyết cấp phép 66 chuyến bay. Từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, bà Mơ đã đưa hối lộ cho 7 cá nhân có thẩm quyền, tổng số 41 lần, số tiền hơn 34 tỷ đồng, là người đưa hối lộ nhiều thứ 2 trong đại án.
Khai tại tòa, bị cáo Hoàng Diệu Mơ thừa nhận hành vi đưa hối lộ 34,6 tỷ đồng cho các cán bộ, lãnh đạo như cáo trạng xác định. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lý do bị cáo phải đưa tiền hối lộ vì muốn được cấp phép các chuyến bay.
Công ty của bị cáo rất cần việc vì đã đầu tư nhiều và sợ thua lỗ nên phải tìm gặp những người có trách nhiệm để nhờ họ giúp đỡ. Và đã nhờ thì phải lệ thuộc vào họ và thực hiện theo yêu cầu của họ.
|
Bị cáo Tô Anh Dũng khi được dẫn giải đến tòa. |
Bị cáo Mơ khai, nếu không đưa tiền, nhiều khả năng không được cấp phép, hoặc chỉ được cấp phép một chuyến. Vì đưa tiền hối lộ nên công ty của bị cáo Mơ đã được cấp phép 66 chuyến bay trong giai đoạn 2020 - 2021.
Bị cáo Mơ nói rằng đã từng xin cấp phép chuyến bay khi chưa đưa tiền, nhưng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao nói: “Không thể, vì cơ quan liên quan chưa trả lời”.
Sau đó, bị cáo đến gặp bị cáo Trần Văn Dự (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh) và được yêu cầu gặp cấp dưới của bị cáo Dự là bị cáo Vũ Anh Tuấn. Theo lời khai của bị cáo Mơ, bị cáo Tuấn ra giá: “Muốn được cấp phép phải chi 150 triệu đồng một chuyến, hoặc 2 triệu đồng một người về nước”. Sau khi tính toán, bị cáo Mơ đồng ý phương án 150 triệu đồng một chuyến bay.
Nữ bị cáo cũng khai việc bị cáo Phạm Trung Kiên (Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) chủ động liên hệ và yêu cầu: “Bộ Y tế cũng như Cục Quản lý Xuất nhập cảnh phải được 150 triệu một chuyến”. Vì thế, bị cáo đã đưa cho bị cáo Kiên và bị cáo Tuấn, mỗi người hơn 5,1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, bị cáo Mơ khai, tại Bộ Ngoại giao, khi bị cáo đến gặp bị cáo Tô Anh Dũng (khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) để xin giúp đỡ thì được đồng ý. Sau đó, bị cáo Mơ hối lộ cho nhiều người ở Bộ Ngoại giao. Cụ thể, Thứ trưởng Tô Anh Dũng 8,5 tỷ đồng; Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan 2,6 tỷ đồng…Bị cáo Mơ khai rằng “Không ai đòi hỏi nhưng bị cáo đưa tiền để được chấp thuận, cấp phép các chuyến bay đúng thời gian”.
Mơ khai: “Lúc bị cáo đưa tiền, lãnh đạo Bộ Ngoại giao chưa biết là bao nhiêu. Thứ trưởng Tô Anh Dũng bảo bị cáo, lần sau không được đưa anh nữa. Nhưng sau đó, bị cáo vẫn đưa tiền cho Thứ trưởng Tô Anh Dũng 7 lần nữa và Thứ trưởng Tô Anh Dũng vẫn nhận”.
Trong vụ án bà Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty Masterlife đã có hành vi đưa hối lộ số tiền hơn 8,1 tỷ đồng để được cấp phép 18 chuyến bay.
Khai tại tòa, bị cáo Xa cho biết, sau thời gian chuyển hồ sơ xin cấp phép chuyến bay lên Văn phòng Chính phủ không được giải quyết, bị cáo đi tìm hiểu thì được biết bên Cục Quản lý Xuất nhập cảnh chưa có văn bản đồng ý cấp phép chuyến bay cho Công ty Masterlife. Sau đó, bị cáo được "đánh tiếng", cần đến gặp người bên Cục Quản lý Xuất nhập cảnh.
Sau khi xin được số của ông Vũ Sỹ Cường (cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an), bị cáo liên hệ và được hẹn gặp ở một quán cà phê bên cạnh Cục. Tại đây, ông Cường nói rằng: “Sếp không biết công ty em là ai. Ai xin cấp phép chuyến bay cũng phải chi phí cám ơn. Theo anh là 1- 2 triệu đồng/khách, em xem thế nào giải quyết cho nhanh”. Quá trình thực hiện cấp phép chuyến bay, bị cáo đưa cho ông Cường 20.000 USD cho 2 chuyến bay đầu tiên.
Bị cáo Xa cũng thừa nhận đã đưa 6 lần, số tiền 20.000 USD và 2,1 tỷ cho ông Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh) và Vũ Sỹ Cường cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh); đưa 5 lần, số tiền 5.000 USD và 1,6 tỷ đồng cho ông Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế); đưa 2 lần, số tiền 30.000 USD cho ông Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao); đưa 3 lần, số tiền 55.000 USD cho bà Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao)…
Khai về nguồn tiền đưa hối lộ, bị cáo Xa cho biết, đã dùng tiền của công ty. Bà Xa nói rằng trong chuyến bay đầu tiên, đã phải bán nhà để bồi thường cho khách hàng.
Nữ bị cáo ngập ngừng khai về số tiền 2,8 triệu USD chạy án
Theo cáo trạng, trong quá trình xin cấp phép 109 chuyến bay, cách ly y tế, từ tháng 11/2020 đến tháng 12/2021, cựu Tổng Giám đốc Công ty Bluesky Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng đã đưa hối lộ 63 lần, tổng số hơn 38,5 tỷ đồng cho 12 người và một số cá nhân khác có thẩm quyền.
Khi vụ án được điều tra, lo sợ, bị cáo Hằng và Sơn bàn bạc và tìm đến người quen là Nguyễn Anh Tuấn (khi đó đang là Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) để nhờ tìm mối quan hệ can thiệp chạy án.
Khi gặp gỡ với 2 bị cáo Hằng và Sơn tại nhà riêng của ông Tuấn, người này đã gọi điện cho Hoàng Văn Hưng (Trưởng phòng điều tra của Cục An ninh điều tra, Bộ Công an). Sau khi nói chuyện, ông Tuấn biết Hưng đang thụ lý vụ án "chuyến bay giải cứu". Ông Hoàng Văn Hưng cũng thông báo cho ông Tuấn biết cả Hằng và Sơn đều là đối tượng đang bị điều tra trong vụ án "chuyến bay giải cứu".
Do đó, ông Tuấn đã nhờ Hưng giúp cho 2 bị cáo trên không bị xử lý hình sự. Từ tháng 8/2022 đến đầu tháng 9/2022, dù đã nhiều lần chi tiền lo chạy án nhưng cả Hằng và Sơn vẫn liên tục bị cơ quan điều tra triệu tập lấy lời khai làm rõ hành vi đưa hối lộ để được cấp phép "chuyến bay giải cứu".
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng đã nói về số tiền 2,8 triệu USD nằm trong kế hoạch chạy án để không bị xử lý hình sự. Theo đó, nữ bị cáo cũng không nhớ hết số lần đưa tiền cho các cựu quan chức cơ quan nhà nước để được xin cấp phép chuyến bay, vì đưa quá nhiều lần. Khi chủ tọa đọc lại bút lục, bị cáo Hằng chỉ biết gật đầu. Trong khi đó, khai về hành vi chạy án với số tiền khủng, bị cáo Hằng ngập ngừng không nói được thành lời.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ