Sáng 22/7, sau khi các bị cáo vụ án “chuyến bay giải cứu” nói lời sau cùng, chủ tọa Vũ Quang Huy thông báo, do tính chất phức tạp của vụ án, HĐXX sẽ nghị án kéo dài. Dự kiến, sẽ tiến hành tuyên án với 54 bị cáo vào chiều ngày 28/7.
Trong 4 ngày làm việc đầu tiên của phiên xét xử, HĐXX, đại diện Viện Kiểm sát, các luật sư bào chữa đã xét hỏi tất cả 54 bị cáo trong vụ án này, trong đó có nhiều nội dung phải tiến hành đối chất giữa các bị cáo, giữa các bị cáo với người làm chứng.
|
Các bị cáo vụ chuyến bay giải cứu. |
Ngày 17/7, đại diện Viện Kiểm sát công bố bản luận tội, nêu rõ, trong vụ án này, có 21/54 bị cáo bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" xảy ra tại một số bộ, ngành, địa phương. Quá trình điều tra, truy tố và phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa xác định, các bị cáo đã có hành vi nhận tiền của đại diện các doanh nghiệp để đề xuất, trình duyệt, duyệt phát hành công văn để cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước.
Trong phần thẩm vấn tại phiên tòa, một số bị cáo cho rằng, hành vi nhận tiền của mình là do các doanh nghiệp cảm ơn sau khi thực hiện thành công các chuyến bay giải cứu. Viện Kiểm sát xác định đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra tiền lệ xấu cho xã hội; do vậy cần phải nhận thức cho đúng để loại bỏ văn hóa “phong bì” ra khỏi đời sống xã hội.
Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, hành vi nhận tiền của các bị cáo trong vụ án này là hành vi nhận hối lộ. Các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách nhiệm vụ của mình nên không thể coi là cảm ơn khi số tiền là bằng cả một gia tài mà nhiều người mơ ước, không thể coi là cảm ơn khi người đưa buộc phải đưa tiền. Đặc biệt là các bị cáo nhận một số tiền đặc biệt lớn cho cá nhân mình trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp cả nước chắt chiu quyên góp cho Quỹ vaccine, cho công tác cứu trợ nhằm phòng, chống dịch.
Công tố viên nhấn mạnh, thủ đoạn phạm tội nhận hối lộ của các bị cáo được thể hiện dưới 2 hình thức chính, gồm: Đưa ra yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả về giá buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền; gây khó khăn trong việc thẩm định, đề xuất, duyệt cấp phép các chuyến bay dẫn đến các doanh nghiệp chi tiền theo “Luật bất thành văn” thì mới được cấp phép thực hiện chuyến bay.
Việc đưa vụ án ra xét xử nhằm đảm bảo sự phòng ngừa chung trong xã hội; đồng thời, tạo tính răn đe, giáo dục đối với các bị cáo.
Trên cơ sở phân tích hành vi phạm tội, tính chất của tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án với 54 bị cáo.
Trong nhóm nhận hối lộ, đại diện VKS đề nghị mức án tử hình cho bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.
Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao từ 12 - 13 năm tù; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao từ 18 - 19 năm tù; Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao từ 9 - 10 năm tù; Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng từ 7 - 8 năm tù; Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội từ 4 -5 năm tù; Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam từ 8 - 9 năm tù; Trần Văn Dự, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an từ 9 -10 năm tù;
Bị cáo Nguyễn Thanh Hải, cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ từ 7 - 8 năm tù; Lê Tuấn Anh, cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự từ 4 - 5 năm tù; Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an 19 - 20 năm tù; Vũ Sỹ Cường, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an từ 8 - 9 năm tù; Nguyễn Tiến Thân, cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ 6 -7 năm tù;
Nguyễn Mai Anh, cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ từ 6 -7 năm tù; Nguyễn Hồng Hà, cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản từ 5 - 6 năm tù; Vũ Hồng Quang, cựu Phó trưởng Phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải từ 5 - 6 năm tù;
Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản từ 4 -5 năm tù; Ngô Quang Tuấn, cựu chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải từ 5 -6 năm tù; Vũ Ngọc Minh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola) từ 3 - 4 năm tù; Lưu Tuấn Dũng, cựu Phó trưởng Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao từ 2 - 3 năm tù; bị cáo Lý Tiến Hùng, cựu chuyên viên Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo từ 2 -3 năm tù.
Trong nhóm 23 bị cáo phạm tội “Đưa hối hộ” bị đại diện VKS đề nghị xử phạt bị cáo Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Bluesky bị đề nghị mức án cao nhất từ 11 -12 năm tù. Tiếp sau đó là bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky bị đề nghị mức án từ 10 – 11 năm tù, bị cáo Hoàng Diêu Mơ, Tổng Giám đốc Công ty An Bình bị đề nghị 8 – 9 năm tù. Mức án thấp nhất trong nhóm tội danh này được Viện Kiểm sát đề nghị là 12 - 18 tháng tù giam nhưng cho hưởng án treo.
4 bị cáo: Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia từ 5 -6 năm tù; Nguyễn Lê Ngọc Anh, cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia từ 4 - 5 năm tù; Nguyễn Hoàng Linh, cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia từ 4 - 5 năm tù; Đặng Minh Phương, cựu kế toán Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia từ 2 - 3 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
4 bị cáo: Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Công an nghỉ hưu từ 6 -7 năm tù; Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty CP xúc tiến thương mại và du lịch Việt Nam 2 – 3 năm tù; Bùi Huy Hoàng, cựu chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế từ 3 - 4; Phạm Thị Kim Ngân, cán bộ Phòng Trị sự, Tạp chí Thanh tra) từ 2 - 3 năm tù về tội “Môi giới hối lộ”.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu cán bộ Công an từ 19 – 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; bị cáo Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP xây dựng Thái Hòa từ 14 - 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 1 - 2 năm tù về tội “Đưa hối lộ", tổng hình phạt chung bị cáo này bị đề nghị xử phạt là từ 15 – 17 năm tù.
Từ chiều ngày 17/7, đến hết ngày 20/7, các luật sư và bản thân các bị cáo đã trình bày quan điểm bào chữa cho tội danh và hành vi phạm tội của các bị cáo.
Trong ngày 21/7, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm đối đáp lại các quan điểm bào chữa, trong đó có đề xuất với HĐXX mức án mới dành cho một số bị cáo theo hướng giảm nhẹ. Sau đó các luật sư và bị cáo đối đáp lại một số vấn đề.
Cụ thể, đại diện VKSND đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) giảm 1 năm so với lần đề nghị ban đầu (ngày 17/7) cho một số bị cáo. Theo đó, ở nhóm tội "Nhận hối lộ", VKSND đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, từ 3 - 4 năm tù; Trần Văn Tân, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, từ 8 - 9 năm tù; Trần Văn Dự, cựu cục phó Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), từ 7 - 8 năm tù; Vũ Hồng Nam, cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, từ 3 - 4 năm tù.
Ở nhóm tội "Đưa hối lộ", VKSND đề nghị xử phạt Vũ Thùy Dương, giám đốc Công ty Lữ hành, từ 2 - 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Phạm Bá Sơn, cựu nhân viên Công ty cổ phần xây dựng Thái Hòa, từ 18 - 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Tào Đức Hiệp, cựu giám đốc công ty Công đoàn Đường sắt, 18 - 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Ở nhóm tội "Môi giới hối lộ", VKSND đề nghị xử phạt Trần Quốc Tuấn, giám đốc Công ty cổ phần xúc tiến thương mại và du lịch Việt Nam, từ 2- 3 năm tù nhưng cho hưởng treo.
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu phó giám đốc Công an Hà Nội, đã khắc phục toàn bộ hậu quả nên VKSND đề nghị xử phạt 5 - 6 năm tù (trước đó VKSND đề nghị 6 - 7 năm tù), trả lại cho bị cáo Tuấn 210.000 USD, hủy bỏ lệnh phong tỏa tài khoản số tiền 1 tỉ đồng tại ngân hàng SHB. Đối với tội "Đưa hối lộ", VKSND cho biết đối với số tiền 800.000 USD của bị cáo Lê Hồng Sơn, cựu giám đốc Công ty Bluesky; Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu phó giám đốc Công ty Bluesky, dùng vào việc chạy án nên không có căn cứ để trả lại.
Từ cuối giờ chiều ngày 21/7, kết thúc phần tranh luận, trước khi HĐXX vào nghị án, tất cả 54 bị cáo được nói lời sau cùng.
>>> Mời độc giả xem video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Các bị cáo đã nhận tiền tinh vi ra sao?