Sáng 22/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
|
Các đại biểu họp tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế. |
Phát biểu thảo luận tại tổ số 3 (gồm các đoàn Sơn La, Hải Phòng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng, Kiên Giang), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dù thể chế nước ta là một khuôn khổ thống nhất cho toàn quốc nhưng vẫn thí điểm một số khuôn khổ chính sách mới.
"Trên cơ sở kết quả thí điểm này chúng ta sẽ tổng kết, đánh giá và nhân rộng trên toàn quốc. Việc thí điểm vì mục tiêu chung cho sự phát triển của quốc gia" - Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng, chủ trương của Đảng ta đều nhất quán nâng trên và đỡ dưới. Nếu địa phương nào có điều kiện phát triển, đầu tàu, động lực thì có những cơ chế chính sách đột phá mạnh hơn để tạo điều kiện cho phát triển.
Việc này sẽ tạo sự lan tỏa cho những địa phương khác, cho cả vùng, thậm chí cho cả nước. Còn với những địa phương, địa bàn khó khăn nước ta sẽ có những cơ chế chính sách đặc thù giúp họ vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với địa phương khác.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế là những địa phương đều có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị về phát triển.
Trong đó, Hải Phòng là một cực trong tam giác phát triển của phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), tăng trưởng mạnh.
Thời gian gần đây Hải Phòng có những bứt phá mạnh mẽ cả về GDP, thu ngân sách, kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, đầu tư nhiều cho các xã. Còn với những huyện có khả năng lên quận cũng được đầu tư mạnh mẽ.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, 9 tháng đầu năm nay, dù cả nước tăng trưởng thấp nhưng Hải Phòng vẫn tăng trưởng hơn 12%. Cả nước phấn đấu đến năm 2030 đạt mức 8.000 USD bình quân đầu người nhưng riêng Hải Phòng lại đặt mục tiêu 16.000 USD GDP bình quân đầu người.
Do đó, nhu cầu phát triển của Hải Phòng là rất lớn. Hải Phòng xác định tầm nhìn không chỉ là một cực tăng trưởng mà còn là động lực tăng trưởng của khu vực và cả nước.
Đồng thời đây cũng là địa phương hoàn thành sớm nhất mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có vị trí mang tầm cỡ trong khu vực. Do đó đã có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị được chuẩn bị công phu do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì ban hành năm 2019.
Đối với Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Quốc hội cho biết trước đây Bộ Chính trị đã có Nghị quyết phấn đấu đưa địa phương này trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Quá trình tổ chức thực hiện, Huế đã có tốc độ phát triển tốt. Tuy nhiên, phần đặc thù nông thôn của Huế có xuất phát điểm khó khăn, khó đạt được tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương.
Trên cơ sở tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị đã có đề xuất, có quyết sách xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương với cốt lõi là Cố đô Huế. Do đó các tiêu chí về dân số, thu nhập không nhất thiết như các thành phố trực thuộc khác. Đây là cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố di sản.
Còn với Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại khi Bác Hồ vào thăm đã nói: “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”.
Do đó, Thanh Hóa đang phấn đấu trở thành một trong tứ giác phát triển của phía Bắc bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thanh Hóa. Bên cạnh đó, Thanh Hóa có động lực phát triển kinh tế Nghi Sơn. Chủ tịch Quốc hội cho biết lúc này Thanh Hóa chỉ thiếu cơ chế để tổ chức thực hiện và phát triển.
Theo chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, chiều 22/10, Quốc hội thảo luận ở Tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.