Sau đó 1 năm tôi tái hôn còn chồng cũ vẫn đang sống độc thân. Mỗi lần thăm con, anh ta thấy vợ chồng tôi sống hạnh phúc thì nói bóng nói gió, tỏ ý ghen tuông. Tôi cũng chẳng thèm để ý vì mọi thứ đã chấm dứt.Tuy nhiên, 2 tuần nay chồng cũ nói sẽ làm đơn gửi tòa giành quyền nuôi con vì tôi đã kết hôn, sau này sinh con sẽ không chăm sóc con riêng cẩn thận được nữa. Tôi rất bức xúc và lo lắng về chuyện này. Xin luật sư tư vấn giúp.
|
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. |
Với những thắc mắc của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Trên nguyên tắc, chồng cũ của bạn có thể nộp đơn yêu cầu toà thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại Khoản 1 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con”.
Tuy nhiên, để được toà chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con thì phải thoả mãn một trong các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 84 Luật HNGĐ 2014, đó là:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Trong trường hợp của bạn, chúng tôi hiểu rằng bạn và chồng cũ không có thoả thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con. Do đó, chồng cũ nếu muốn giành quyền nuôi con thì phải chứng minh được bạn không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, cụ thể:
Chứng minh gia cảnh, chỗ ở ổn định để đứa trẻ có nơi sinh sống lâu dài; thu nhập hằng tháng, điều kiện kinh tế, tài sản để đảm bảo những điều kiện vật chất nuôi được đứa trẻ… và các yếu tố về tinh thần như: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con, điều kiện cho con vui chơi giải trí, trình độ học vấn… của cha mẹ. Và chồng cũ thì có đủ các điều đó để đảm bảo tốt nhất lợi ích cho đứa trẻ.
Tuy nhiên, việc chồng cũ giành quyền nuôi con với lí do bạn đã có chồng mới, sau đó sẽ sinh con vì vậy sẽ không chăm sóc được con chung của hai người là lý do không thật mấy thuyết phục. Bởi, việc bạn sinh con và việc bạn chăm sóc con như thế nào là chuyện chưa hề xảy ra, vì thế người chồng cũ không thể dùng việc này để chứng minh việc bạn không có thời gian chăm sóc con.
Như vậy ngược lại, khi chồng cũ yêu cầu toà giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con với lí do đó thì bạn phải đưa ra các bằng chứng để chứng minh rằng hiện tại đứa trẻ đang sống với đầy đủ các điều kiện vật chất và tinh thần, nhận được sự yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ của cả bạn và chồng hiện tại.
Bạn có thể đưa ra những lý lẽ chứng minh rằng nếu bạn có sinh con thì bạn vẫn có thể có đủ các điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, giáo dục con. Bởi con bạn hiện tại đã 4 tuổi, cháu bé cũng đến tuổi đi học, việc chăm sóc trông nom con không có nghĩa là việc bạn phải ở bên con 24/24 giờ, chưa kể đứa bé sẽ dành nhiều thời gian cho trường lớp. Bạn chăm sóc bé con mới sinh cũng sẽ không hạn chế việc bạn chăm sóc, giáo dục người con chung.
Đặc biệt, người con chung sau này có thể nhận được sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương từ người chồng hiện tại của bạn và từ gia đình, họ hàng. Vì vậy, để bạn đảm bảo bạn vẫn được nuôi con thì bạn phải chứng minh được điều kiện kinh tế, kể cả thời điểm sinh con tiếp theo. Tạo điều kiện thuận lợi nhất từ bây giờ để người con chung cảm nhận được tình thương của bạn, của chồng hiện tại và của mọi người xung quanh. Đây sẽ là căn cứ vững chắc để bạn không bị tước đi quyền trực tiếp nuôi con của mình.
Phải đến mức tranh giành quyền nuôi con, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến trẻ từ thông tin cho đến thái độ nên là việc không tốt. Chúng tôi mong bạn sẽ có sự thỏa thuận với chồng cũ để sự việc êm thấm, tránh gây các hệ lụy làm tổn thương con trẻ.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi. Hi vọng bạn sẽ có phương án giải quyết phù hợp.