Phiên tòa vụ ly hôn diễn ra lặng lẽ, cho đến khi liên quan đến tài sản chung cần phải giải quyết. Vợ chồng anh chị có một nhà đất giá trị 1 tỷ đồng. Theo nguyên đơn, nguồn gốc thửa đất trên là của bố mẹ chị. Sau khi được ông bà cho tặng vào năm 2007, chồng chị xây dựng ngôi nhà và sinh sống cho đến nay. Chị đề nghị tòa chia cho chị 70% giá trị tài sản nhà đất nói trên. Chị cũng đề nghị tòa cho mình được nhận hiện vật là ngôi nhà và quyền sử dụng đất. Lý do nguồn gốc thửa đất là của bố mẹ chị cho, ông bà cũng đang sống sát thửa đất của anh chị. Hiện tại con trai chị đang điều trị bệnh, nên rất khó khăn về mặt kinh tế.
Tình cảm rạn nứt khi con ốm, thiếu tiền
Người vợ SN 1971 - nguyên đơn trong vụ ly hôn, ngồi nép về bên này chiếc ghế. Người chồng SN 1968 – bị đơn, ngồi sát mút phía bên kia. Cả hai như cố vạch rõ “giới tuyến”.
24 năm trước, chị và anh yêu nhau. Tình yêu kéo dài suốt 5 năm trời cuối cùng cũng có một kết thúc viên mãn. Cả hai tổ chức một đám cưới nho nhỏ, rồi chính thức nên duyên vợ chồng. Anh chị đều làm công nhân. Đồng lương cả hai đều bèo bọt. Nhưng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, chị khéo léo sắp xếp cuộc sống, nên tổ ấm nhỏ luôn tràn ngập hạnh phúc, nhất là khi hai đứa đứa con trai lần lượt chào đời. Dù có thêm thành viên mới, kinh tế càng eo hẹp hơn, nhưng tiếng cười luôn vang khắp trong căn nhà nhỏ. Hạnh phúc vì thế mà cũng nhân lên nhiều lần.
Chị cứ ngỡ, cuộc sống gia đình mình sẽ trôi qua trong êm ả như thế, cho đến khi đứa con trai út được 5 tuổi. Trong một lần đứa nhỏ ốm phải nhập viện, bác sĩ sau khi thăm khám liền cho hay, con trai chị mắc bệnh hiểm nghèo. Cả anh lẫn chị đều quay cuồng, đau đớn. Để chạy chữa cho con, mỗi tháng chị phải đưa con đi bệnh viện 2 lần để điều trị và xét nghiệm. Kinh tế gia đình vốn đã khó khăn, lại càng thêm phần bế tắc. Cũng từ đó, vợ chồng thường xuyên lục đục, mâu thuẫn. Không khí gia đình ấm cúng, những tiếng nói tiếng cười tràn ngập hạnh phúc ngày nào, giờ cũng chìm dần vào dĩ vãng.
Chị trình bày trước hội đồng xét xử: “Trong quá trình sống chung, ông ấy không quan tâm, chăm sóc gia đình, không làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha mà chỉ biết ham mê cờ bạc. Tôi đã nhiều lần khuyên nhủ và cho cơ hội sửa đổi, nhưng ông ấy vẫn không từ bỏ cờ bạc. Cuộc sống gia đình vì thế ngày càng ngột ngạt, bế tắc. Con trai ốm đau, bệnh tật, ông cũng không quan tâm, hỏi han, mặc kệ tôi một mình chăm sóc”. Chị nghẹn giọng khi nhắc lại những tháng ngày đơn độc cùng con chống chọi với bệnh hiểm nghèo.
Những đêm con trai trở bệnh, chị một mình ngồi thức canh con. Nhìn bóng mình cô đơn hắt lên tường trong căn phòng trống vắng mà thấy lòng đắng ngắt. Đã là vợ chồng, có phúc cùng hưởng, mà khi gặp họa, lại mình chị chèo chống, đơn độc bên con. Nhìn con nhỏ chống chọi lại với cơn đau, lòng chị như tê dại. Những lúc yếu lòng, muốn được một lời động viên, an ủi, một cái nắm tay ấm nồng sẻ chia của chồng cũng trở thành xa xỉ. Nhiều lúc chị thở dài rồi tự an ủi ủi. Thôi thì, nếu có chồng mà cũng như không, có chồng mà chẳng giúp được chi, thì cứ xem như chẳng có chồng, để lòng nhẹ nhàng thêm một chút.
“Cháu thấy ba mẹ sống không hạnh phúc”
Khoảng năm 2014, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng chị ngày càng trầm trọng hơn. Nguyên nhân chủ yếu do bệnh tình con trai ngày càng nặng. Chị phải bỏ việc để ở nhà chăm sóc con. Kinh tế gia đình đành để một mình anh gánh vác. Trong khi đó, anh bị cho là lại ham mê cờ bạc, rồi rượu chè, bỏ bê gia đình, bỏ bê vợ con. Mâu thuẫn gia đình càng thêm trầm trọng. Tình cảm vợ chồng hoàn toàn sứt mẻ không thể khắc phục, hàn gắn được.
Chị cho rằng đã rất nhiều lần chị có ý định ly hôn. Nhưng nghĩ đến hai đứa con vẫn cần một tổ ấm trọn vẹn, có cha, có mẹ kề bên. Nhẫn nhịn rồi lại nhẫn nhịn. Chịu đựng rồi lại chịu đựng. Nhưng chị không muốn con cái phải chứng kiến những cuộc cãi vã triền miên giữa cha và mẹ, không muốn con bị ảnh hưởng xấu đến tâm lý và nhân cách, chị đành phải đưa “cái tổ” đã lạnh của mình ra chốn pháp đình, sau gần một năm vợ chồng ly thân. Thà một lần đau, còn hơn phải dày vò, chịu đựng nhau qua ngày tháng.
Chị kể, khi biết chị đưa đơn ly hôn, cả hai đứa con đều rất buồn. Nhìn ánh mắt mất mát của con, chị cũng đau lòng lắm. Nhưng chẳng biết phải làm sao. Người phụ nữ tỏ ra bất lực, khi chẳng cách nào xoay sở được để giữ lửa cho tổ ấm của mình.
Phiên tòa hôm ấy, cả hai đứa con của anh chị đều không có mặt. Tòa lần lượt trích đọc lời khai của hai con anh chị. Đứa lớn cho biết: “Trong cuộc sống hằng ngày, cháu thấy ba mẹ không nói chuyện gì với nhau, không ăn cơm cùng nhau. Nay mẹ xin ly hôn ba cháu, cháu muốn ba thay đổi để gia đình được đoàn tụ. Cháu muốn gia đình lại vui vẻ, hạnh phúc như ngày xưa. Cháu không muốn ba mẹ ly hôn”.
Đứa con út lại bày tỏ: “Cháu thấy ba mẹ sống không hạnh phúc. Nếu ba mẹ ly hôn, cháu có nguyện vọng được ở với mẹ để cuộc sống của cháu được kéo dài hơn”.
Trong lúc tòa đọc lời khai của hai con trai, gương mặt của chị xúc động. Khi nghe đến nguyện vọng của con trai út, nước mắt của chị đã lặng lẽ rớt xuống, gương mặt cũng thoáng chút xao động.
Tòa hỏi anh, chị yêu cầu ly hôn, anh có ý kiến gì? Anh trầm ngâm một chút, rồi từ tốn giãi bày. Anh bảo, mình không hề ham mê cờ bạc như lời vợ “tố”. Thời gian sau này, anh chuyển sang làm nghề lái xe, nên phải thường xuyên đi xa, mới không có nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Cũng do kinh tế gia đình khó khăn, mới dẫn đến vợ chồng mâu thuẫn. Nhiều lúc buồn, anh chỉ lai rai lon bia để giải nỗi buồn, chứ không hề bê tha. Người chồng thừa nhận mâu thuẫn của vợ chồng khó hàn gắn. Nếu vợ anh xin ly hôn, thì anh cũng đồng ý.
Mảnh đất bố mẹ vợ cho, chia thế nào?
Phiên tòa diễn ra lặng lẽ, cho đến khi liên quan đến tài sản chung cần phải giải quyết. Vợ chồng anh chị có một nhà đất giá trị 1 tỷ đồng. Theo nguyên đơn, nguồn gốc thửa đất trên là của bố mẹ chị. Sau khi được ông bà cho tặng vào năm 2007, chồng chị xây dựng ngôi nhà và sinh sống cho đến nay. Chị đề nghị tòa chia cho chị 70% giá trị tài sản nhà đất nói trên. Chị cũng đề nghị tòa cho mình được nhận hiện vật là ngôi nhà và quyền sử dụng đất. Lý do nguồn gốc thửa đất là của bố mẹ chị cho, ông bà cũng đang sống sát thửa đất của anh chị, hiện tại con trai chị đang điều trị bệnh, nên rất khó khăn về mặt kinh tế.
Người chồng cũng công nhận quyền sử dụng đất nói trên là của bố mẹ vợ tặng cho vợ chồng ông. Theo ông, vì đất đã được tặng cho, nên là tài sản chung là của cả vợ lẫn chồng. Vì vậy, ông yêu cầu tòa xem xét, chia đôi giá trị tài sản.
Về hai đứa con chung, lâu nay đều ở với chị. Do đứa lớn đã đủ 18 tuổi, nên muốn sống với bố hay mẹ, anh chị sẽ không can thiệp mà tùy con trai quyết định. Riêng đứa con út đang bị bệnh nặng, chị xin được tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng đến lúc trưởng thành. Anh thừa nhận mình chăm sóc con không tốt bằng chị, nên đồng ý để chị nuôi con.
Đứa con lớn của anh chị đã trưởng thành, nên anh chị không đặt ra vấn đề cấp dưỡng tiền nuôi con. Riêng đứa con thứ hai, chị yêu cầu anh cấp dưỡng mỗi tháng 2 triệu đồng. Trước đây, mỗi tháng anh tự nguyện cấp dưỡng 6 triệu đồng. Nhưng tại phiên tòa, anh thay đổi ý kiến. Người chồng cho rằng do công việc của anh dạo này thất thường, thu nhập không ổn định nên anh chỉ cấp dưỡng ổn định mỗi tháng 2 triệu đồng. Nếu sau này có điều kiện, anh sẽ tự nguyện cấp dưỡng thêm cho con trai. Thời gian cấp dưỡng kéo dài cho đến khi con trai hai người đủ 18 tuổi.
Sau khi nghị án, tòa quyết định xử cho cả hai ly hôn, đồng thời công nhận thỏa thuận của hai đương sự, giao con cho chị nuôi. Anh có trách nhiệm cấp dưỡng.
Về tài sản chung: Đất được bố mẹ nguyên đơn cho tặng, nhà thì được vợ chồng đương sự tạo lập trong thời gian hôn nhân. Tòa nhận thấy, sau khi ly hôn, nguyên đơn phải nuôi cả hai con chung. Một cháu đã trưởng thành nhưng chưa thể tự làm việc để nuôi bản thân vì đang học đại học, cháu thứ hai thì đang bị bệnh hiểm nghèo, nên việc thanh toán giá trị tài sản cho bị đơn là vấn đề hết sức khó khăn.
Vì vậy, tòa quyết định chia cho nguyên đơn được hưởng 65% tài sản nhà đất, bị đơn được hưởng 35% giá trị tài sản nhà đất. Tòa giao căn nhà cho nguyên đơn sở hữu. Nguyên đơn phải có trách nhiệm thanh toán tiền cho bị đơn. Bị đơn được phép lưu cư trong căn nhà 6 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực.
Phiên tòa kết thúc. Mọi nguyện vọng gần như được như ý nguyện, nhưng gương mặt hai bên còn nặng nề hơn cả khi mới đến. Kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài gần 1/3 cuộc đời, tất cả cùng mất, chứ không ai được gì trong sự việc này.