Chi cục trưởng thi hành án bị đầu độc: Nghi phạm chết...án có hết?

Google News

(Kiến Thức) - Trường hợp ông Trần Xuân Minh là người bỏ chất độc Xyanua vào rượu khiến Chi cục Trưởng chi Cục thi hành án Dân sự TP Thanh Hóa tử vong đã tự tử, không còn đồng phạm khác, cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra vụ án này.

Liên quan vụ Chi cục Trưởng chi Cục thi hành án Dân sự TP Thanh Hóa Đặng Phạm Viên tử vong do uống rượu chứa chất độc Xyanua, theo điều tra ban đầu của Công an tỉnh Thanh Hóa, Trần Xuân Minh (SN 1974, trú tại số 50 đường Quang Trung, TP Thanh Hóa) được coi là kẻ chủ mưu đã tự sát bằng chất độc tương tự.
Gần đây, vợ chồng ông Minh có xảy ra mâu thuẫn. Ngày 19/4, ông Minh đem 2 lít rượu đến trụ sở Công ty BĐS Á Âu (nơi vợ ông Minh làm giám đốc) đổ vào bình rượu rồi đi về. Khi biết tin có người chết tại Công ty BĐS Á Âu nghi bị đầu độc bằng rượu, ông Minh đã uống một cốc chất lỏng (nghi có độc pha sẵn) sau đó tử vong.
Liên quan vụ án này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định khởi tố vụ án. Dư luận đặt câu hỏi, trường hợp ông Minh là nghi phạm duy nhất đã chết thì vụ án có dừng lại?
Chi cuc truong thi hanh an bi dau doc: Nghi pham chet...an co het?
 Gia đình ông Trần Xuân Minh.
Sẽ đình chỉ vụ án nếu Trần Xuân Minh là nghi phạm duy nhất
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trường hợp ông Minh là người đầu độc dẫn đến vụ việc trên hiện đã chết do tự tử, không còn đồng phạm khác thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra vụ án này.
Luật sư Cường cho rằng, bản thân ông Minh là người làm nghề kinh doanh và chế tác vàng bạc nên có sử dụng và biết rõ tính năng hóa học của loại chất kịch độc xyanua. Vậy mà vẫn tàn nhẫn sử dụng chất độc này với mục đích giết hại nhiều người, chỉ vì ghen tuông, mâu thuẫn với vợ mình.
Khi xác định chất độc mà các nạn nhân đã bị trúng độc do uống rượu mà ông Minh mang đến là xyanua, thêm vào đó là mâu thuẫn căng thẳng giữa hai vợ chồng là bà Phương và ông Minh, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự để tiến hành điều tra vụ án là cần thiết và có căn cứ. Tuy nhiên, trường hợp vụ án có một bị can duy nhất và đã chết, không có đồng phạm khác, không có người khác phạm tội khác thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra vụ án hình sự này.
Theo luật sư Cường, về trách nhiệm dân sự, những người bị hại và đại diện gia đình người bị hại đã chết có thể thương lượng với bà Phương và các con ông Minh về việc lấy tài sản của ông Minh để lại để bồi thường, nếu không thỏa thuận được về mức bồi thường và phương thức bồi thường, có thể khởi kiện để tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Theo nguyên tắc mà Bộ Luật dân sự đã quy định, người gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì có nghĩa vụ phải bồi thường.
Chi cuc truong thi hanh an bi dau doc: Nghi pham chet...an co het?-Hinh-2
Luật sư Đặng Văn Cường. 
Trường hợp người gây thiệt hại cho người khác đã chết và có để lại tài sản, những người thừa kế của người chết đó sẽ phải thay mặt người chết thực hiện nghĩa vụ với những người bị hại và đại diện của người bị hại theo quy định tại Điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015. Mức bồi thường sẽ phụ thuộc vào thiệt hại thực tế và khả năng của người gây thiệt hại đối với tổng giá trị di sản để lại.
Quản lý hóa chất cực độc còn lỏng lẻo
Vụ án Chi cục Trưởng chi Cục thi hành án Dân sự TP Thanh Hóa Đặng Phạm Viên tử vong do uống rượu chứa chất độc xyanua ở trên và vụ án đầu độc vợ người tình bằng chất độc xyanua ở Thái Bình tiếp tục đặt ra vấn đề quản lý hóa chất độc hại hiện nay.
Xyanua (Cynaua) là một chất hóa học cực độc chỉ cần 50mg đến 200mg Xyanua đã có thể gây chết một người trưởng thành khỏe mạnh. Tuy nhiên, thực tế để sở hữu chất kịch độc này không phải là việc quá khó khăn dù quy định chỉ được bán cho doanh nghiệp và có mục đích sử dụng rõ ràng.
Hiện chất độc này đang được rao bán tràn lan trên mạng dưới dạng thể rắn và thể lỏng, trong khi giá thành lại rất rẻ chỉ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn là có thể sở hữu chất kịch độc chết người này. Ví dụ với một lọ 10ml thì có giá dao động chỉ 90.000 đồng - 120.000 đồng.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, việc quản lý các hóa chất nói chung và Xyanua nói riêng được quy định tại Luật hóa chất năm 2007 và Nghị định 113/2017/NĐ-CP của Chính Phủ về hướng dẫn Luật hóa chất.
Chi cuc truong thi hanh an bi dau doc: Nghi pham chet...an co het?-Hinh-3
 Xyanua là một chất hóa học cực độc chỉ cần 50mg đến 200mg Xyanua đã có thể gây chết một người trưởng thành khỏe mạnh.
Theo danh mục các loại hóa chất tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP thì các hợp chất Xyanua thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 73); danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất (số thứ tự 265); danh mục các hóa chất phải khai báo (số thứ tự 197).
Do đó, có thể thấy đây là loại hóa chất cực kỳ nguy hiểm mà Nhà nước đã có quy định về việc hạn chế sản xuất kinh doanh cũng như phải khai báo theo quy định. Điều kiện sản xuất, kinh doanh các loại hóa chất này phải đảm bảo theo quy định tại Luật hóa chất, phải được cấp phép theo quy định.
Ngoài ra, theo quy định Luật hóa chất, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất chỉ được bán cho các tổ chức, cá nhân đảm bảo điều kiện kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh theo quy định.
Như vậy, dưới góc độ pháp lý, có thể thấy việc quy định về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất nói chung và hợp chất xyanua nói riêng đã được quy định cụ thể, rõ ràng và đây là hóa chất nguy hiểm thuộc danh mục hạn chế kinh doanh.
“Việc có thể dễ dàng mua các loại hóa chất này trên thị trường có nguyên nhân để các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội nguy hiểm đang là vấn đề đáng lo ngại về công tác quản lý và trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong vấn đề này”- luật sư Cường cho biết.
Theo luật sư Cường, hóa chất là chất độc hại, có thể gây chết người nên phải quản lý rất chặt, thường xuyên rà soát, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu loại hóa chất này. Nếu phát hiện hành vi sai phạm thì cần xử lý kịp thời, thật nghiêm thì mới đủ sức răn đe.
Nghị định 71/2019/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp đã quy định rất rõ mức phạt đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh trái quy định.
Đối với việc kinh doanh, sử dụng hóa chất nhằm mục đích gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người khác, phải áp dụng chế tài hình sự mới đủ sức răn đe, cũng như tính nghiêm minh của pháp luật.
Hành vi vi phạm về quản lý hóa chất, tùy vào tính chất mức độ và tùy thuộc vào hậu quả xảy ra có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Trường hợp sử dụng hóa chất độc hại để xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu dùng hóa chất độc hại xyanua để đầu độc người khác, dù nạn nhân chưa chết, đối tượng vi phạm cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.
Đối với những đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp vi phạm quy định về sản xuất, mua bán, vận chuyển hóa chất, tùy thuộc vào từng vụ việc cụ thể cũng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu cơ quan chức năng trong việc quản lý thị trường, xử lý vi phạm về hóa chất mà không làm hết trách nhiệm để gây hậu quả nghiêm trọng cũng bị xử lý theo pháp luật.
“Những vụ việc trên là lời cảnh báo trong công tác quản lý loại hóa chất độc hại này. Cơ quan chức năng các địa phương cần khẩn trương rà soát, kiểm tra và siết chặt hoạt động mua bán, vận chuyển, sử dụng hóa chất độc hại để tránh những vụ án thương tâm thế này tiếp tục xảy ra” - luật sư Cường cho biết.
>>> Mời độc giả xem video Chi cục trưởng Thi hành án dân sự TP Thanh Hoá bị đầu độc thế nào?

Nguồn VTC News

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)