Đường Nhuệ 3 lần bị khởi tố: Tội chồng tội, xử thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Đến thời điểm này, Đường Nhuệ đã 3 lần bị khởi tố để điều tra liên quan 3 vụ án khác nhau. Dư luận quan tâm, nếu các cơ quan tố tụng kết luận Đường Nhuệ có tội liên quan cả 3 vụ án trên thì bị can Nguyễn Xuân Đường sẽ bị xử lý ra sao?

Đến thời điểm ngày 23/4, bị can Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ, SN 1971, trú tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, Thành phố Thái Bình) đã 3 lần bị khởi tố để điều tra về hai hành vi “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại Công ty TNHH Đường Dương ngày 30/3 và tại trụ sở Công an phường Trần Lãm ngày 18/11/2014 và hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.
Dư luận quan tâm với việc “tội chồng tội” như trên, nếu các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình điều tra, truy tố và xét xử khẳng định, Đường Nhuệ có tội thì bị can này sẽ bị xử lý ra sao?
Duong Nhue 3 lan bi khoi to: Toi chong toi, xu the nao?
Bị can Nguyễn Xuân Đường. 
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo diễn biến vụ việc cho đến nay Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình và Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã khởi tố bị can với Nguyễn Xuân Đường để điều tra hai vụ án liên quan đến tội “Cố ý gây thương tích” và 1 vụ án liên quan hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Tuy nhiên, theo thông tin mà dư luận công khai mấy ngày qua cho thấy, đối tượng Đường Nhuệ còn có thể bị xem xét liên quan đến các hành vi như gây rối trật tự công cộng, cho vay lãi nặng, các hành vi liên quan đến sai phạm trong hoạt động đấu giá bất động sản, trốn thuế,…
Theo luật sư Đặng Văn Cường, đối với hành vi “bảo kê” dịch vụ mai táng, đe dọa, uy hiếp người khác để lấy tiền thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm theo Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS) về tội cưỡng đoạt tài sản.
Theo đó, các đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần toàn bộ tài sản”.
“Hành vi của các đối tượng này vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức, việc ăn chặn tiền của người chết là hành táng tận lương tâm nhất trong các hành vi ăn tiền, dù số tiền là doanh nghiệp phải nộp nhưng doanh nghiệp đã phải thu thêm tiền dịch vụ hỏa táng của các gia đình có người chết. Đây là hành vi hết sức thất đức, tàn nhẫn và rất táng tận lương tâm khi làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho những gia đình có người vừa tử vong. Do đó, hành vi đe dọa, uy hiếp người khác để lấy tiền thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm theo điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội cưỡng đoạt tài sản. Vấn đề này cơ quan điều tra sớm làm rõ để xử lý các đối liên quan theo quy định của pháp luật”, Luật sư Cường cho biết.
Đối với hành vi cố ý gây thương tích cho một phụ xe xảy ra tại trụ sở Công ty TNHH Đường Dương ngày 30/3, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ ai là chủ mưu cầm đầu, chỉ đạo những người còn lại đánh đập, gây thương tích với tỷ lệ tổn hại sức khỏe 14% cho phụ xe khách.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, ông Đường là người đã gọi điện yêu cầu nạn nhân đến nhà, sau đó vợ và 2 người khác đánh đập dẫn đến thương tích với tỉ lệ thương tích 14%. Như vậy, đây là hành vi có dấu hiệu cố ý gây thương tích, xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của nạn nhân nên việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những người đã gây thương tích cho nạn nhân nói trên là có căn cứ.
Duong Nhue 3 lan bi khoi to: Toi chong toi, xu the nao?-Hinh-2
Luật sư Đặng Văn Cường. 
Đối với tội cố ý gây thương tích, theo quy định tại khoản 2, điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, các bị can sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 2 năm đến 6 năm tù. Đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố chống đối, khi bị Toà án kết tội có thể phải chịu mức án cao nhất là 6 năm tù. Sau khi khởi tố, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của những người có liên quan, làm rõ nguyên nhân, động cơ, hành vi của các đối tượng đã hành hung gây thương tích cho nạn nhân, từ đó có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, nạn nhân trong vụ án này cũng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại; thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút, tiền công người chăm sóc và tiền tổn thất về tinh thần. Trong trường hợp không thỏa thuận được với mức bồi thường có thể yêu cầu tòa án xem xét giải quyết. Việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân cũng là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho các bị can.
Bên cạnh đó, cơ quan công an sẽ làm rõ hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Đối với hành vi bắt giữ người trái pháp luật cũng sẽ xem xét đủ dấu hiệu cấu thành của tội danh này hay không, nếu đủ căn cứ xác định có hành vi bắt giữ người trái pháp luật thì sẽ bị xử lý thêm về tội danh này. Theo điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 12 năm tùy theo mức độ phạm tội.
Đối với vụ án “cố ý gây thương tích” xảy ra tại trụ sở Công an phường Trần Lãm năm 2014, một vụ án được phục hồi điều tra sau hơn 5 năm kể từ ngày xảy ra hành vi phạm tội thì tội phạm mà các bị can đã thực hiện phải thuộc 1 trong 3 trường hợp: Tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chứ không thể thuộc trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng.
Do đó, khung hình phạt bị can có thể đối mặt phải có mức hình phạt cao nhất là trên 3 năm tù. Đối chiếu Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì bị can có thể bị áp dụng khoản 2, 3, 4 hoặc 5, với mức hình phạt từ 2 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Luật sư Cường cho biết, đối với hành vi bỏ trốn sau khi bị khởi tố như trường hợp của Đường "Nhuệ" thì đây là hành vi cản trở hoạt động điều tra. Người vi phạm có thể bị áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc khi lượng hình. Trái lại, thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải hay tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả là các tình tiết có thể giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Như vậy, với các tội danh mà Đường Nhuệ có thể đối mặt thì mức hình phạt được quy định tại BLHS cụ thể như trên. Khi quyết định hình phạt, Tòa án sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt phù hợp.
Điều 55 BLHS quy định khi xét xử cùng 1 lần một người phạm nhiều tội thì Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc: nếu các hình phạt đã tuyên cùng là tù có thời hạn thì hình phạt chung không vượt quá 30 năm.
Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân, nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình; phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác mà các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung.
Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án sẽ xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.
Tuy nhiên, hình phạt cũng chỉ được đặt ra khi tòa án tuyên bố bị cáo có tội, phạm vào một trong các tội danh mà Bộ luật hình sự đã quy định. Trong trường hợp tòa án tuyên bố không có tội, hình phạt sẽ không được đặt ra hoặc tòa án cũng có thể miễn hình phạt trong một số trường hợp đặc biệt.
Từ những sự việc được công khai thời gian quac ho thấy, hoạt động của Đường Nhuệ và các đối tượngliên quan là phi pháp, các nguồn thu nhập bất hợp pháp từ các hành vi đe dọa, uy hiếp, thao túng thị trường bất động sản, ăn chặn của cả tiền của người chết, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước, các đối tượng này hoạt động kinh doanh nhưng không giúp ích gì cho nhà nước, cho xã hội mà gây thất thoát tiền sử dụng đất của nhà nước. Nếu tất cả các thông tin này sự thật thì những đối tượng này đáng phải chịu những chế tài nghiêm khắc nhất của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem video Băng nhóm Đường "Nhuệ" đánh người ngay trụ sở công an

Nguồn VTC Now

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)