Theo hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 ở bậc tiểu học vừa được Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội ban hành, học sinh lớp 1 sẽ bắt đầu thời gian thực học bằng hình thức trực tuyến từ ngày 13/9 và sẽ chỉ dạy tối đa 3 tiết/ngày.
Đang học cũng phải ăn
Những ngày qua, chị Nguyễn Giang (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) đang phải “đánh lộn” với chiếc máy tính mới mua để chuẩn bị hành trang cho con trai vào lớp 1 với hình thức học trực tuyến do dịch COVID-19. Hiện chị Giang và con trai mới chỉ đang phối hợp với giáo viên để làm quen với phần mềm, cách học trực tuyến nhưng cũng đã trải qua tình huống “dở khóc, dở cười”.
|
Ảnh minh họa. |
Chị Giang cho biết, gia đình định để con trai học thêm một năm mẫu giáo, vừa để cho con thoải mái vừa học chắc kiến thức vì biết rằng nếu học online sẽ không hiệu quả. Tuy nhiên, suy đi tính lại, gia đình vẫn quyết định cho con tiếp tục học lớp 1 để “bằng bạn bằng bè” và cũng xác định phải đối diện nhiều khó khăn.
“Trẻ con sẵn thích máy tính nên chỉ cần được ngồi trước màn hình là nghịch bấm lung tung. Tìm cách xem Zoom nó hoạt động thế nào, thay đổi cấu hình, vẽ màn hình… bấm gửi hình động ngộ nghĩnh với các bạn là chính còn nghe cô giảng là phụ. Mẹ cứ rời đi là ngứa ngáy tay chân nghịch loạn xạ trên máy, mặc dù cô giáo luôn nhắc nhở trên màn hình” – chị Giang thở dài và kể, có hôm cô giáo đang dạy thử, vì đói nên con bỏ ghế chạy đi tìm đồ ăn. Thậm chí, lên giường nằm chơi như chưa hề có cuộc học trực tuyến nào.
“Nhìn thấy con giơ tay trước màn hình, tưởng con xin phát biểu, ngờ đâu khi cô gọi tên thì con nói xin đi vệ sinh” – chị Giang chẹp miệng kể lại.
Chị Nguyễn Liên (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) năm ngoái có con gái vào lớp 1 học theo chương trình trực tuyến vì dịch bệnh COVID-19 nên chị biết và hiểu được cảm giác khó khăn, “loạn não” khi những đứa trẻ chưa rõ mặt chữ, chưa tường con số ngồi trước máy tính hàng giờ đồng hồ.
“Ban đầu con rất hào hứng học nhưng về sau thì không thể tập trung. Mới ngồi trước máy tính được chừng 20 phút lại kêu mỏi mắt. Thi thoảng tự ý rời bàn học để tìm đồ vật gì đó để ôm, chơi. Mặc dù trong quá trình học trực tuyến của con đều có bố hoặc mẹ ngồi trông nhưng cũng không thể quản nổi. Mệt hơn nữa khi nhà còn có em gái 5 tuổi, cứ thấy chị ngồi học là chạy đến chơi đùa” – chị Liên than thở và cho biết, khi bật phần mềm học trực tuyến lên, bọn trẻ nhìn thấy nhau nên cứ í ới không để ý vào bài của cô. Mặc dù cô giáo đã tắt micro. Mà lúc nào có bạn phát biểu thì lại kể chuyện về bạn đó cho bố mẹ nghe. Học kiểu này chắc “không ăn thua”.
“Nhà có một đứa đã đủ mệt, hai đứa thì như cái chợ vỡ. Tôi mở phần mềm Zoom học trực tuyến, cười tít mắt vì được gặp các bạn. Líu la líu lo nói chuyện, ồn ào lắm. Nói chung thì đánh giá hiệu quả không cao. Vẫn phải có sự kèm cặp của cha mẹ thì mới tập trung được” – chị Thu Hà, quận Thanh Xuân nhớ lại cảnh tượng của đứa con trai năm ngoái học lớp 1.
Cố gắng hài hòa cách dạy
Cô Ngọc Hà, giáo viên lớp 1 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội thừa nhận, học online khó kiểm soát hoạt động của các con. Ví dụ, với học sinh lớp 1, ở dạng bài nghe - viết, cô giáo không kiểm soát được các con đang nghe - viết hay đang nhìn - viết. Vì vậy, việc học trực tuyến với học sinh lớp 1 chỉ đạt hiệu quả tốt khi có sự phối hợp của gia đình, hỗ trợ con trong rèn chữ, trình bày, gửi bài tập hàng ngày cho giáo viên chấm, chữa.
Ngoài ra, học sinh tham gia học với thời gian một tiếng mỗi ngày nhưng vẫn phải đảm bảo kiến thức giống một ngày trên lớp, việc tiếp thu kiến thức sẽ không được khắc sâu. Trong khi đó, học sinh tiếp xúc với màn hình máy tính nhiều cũng có thể gây hại mắt.
Để khắc phục những khó khăn, giúp học trò hứng thú, giáo viên đã nghĩ ra nhiều phương pháp như thường xuyên thay đổi nội dung, hình thức dạy học, thiết kế bài giảng bằng nhiều hình ảnh sinh động.
Cô Ngọc Hà đưa ra hình thức chơi mà học. Khi thực hiện đủ bài tập, học bài tập trung, trả lời đúng, học sinh sẽ được thưởng phiếu khen. Khi đủ phiếu khen, các bạn sẽ được tham gia "phiên chợ đổi quà" vào cuối tháng. Vào cuối tuần, giáo viên cũng tổ chức nhiều tiết sinh hoạt theo chủ đề như: Một ngày ở nhà của tớ, Quyển sách em yêu, Thời thơ ấu...
Các giáo viên cho rằng, hình thức học online là phương pháp thay thế tạm thời việc học truyền thống. Việc không trực tiếp quan sát tổng thể và nắm bắt rõ được hành động của học sinh nên cũng gặp rất nhiều tình huống oái oăm, khó xử.
Từ ngày 1/9 đến 12/9, các trường tiểu học chỉ đạo giáo viên phụ trách khối lớp 1 tổ chức cho học sinh làm quen với hình thức học trực tuyến. Giáo viên chủ nhiệm lớp thống nhất với phụ huynh học sinh về khung thời gian học tập cụ thể (có thể ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ cuối tuần) để phụ huynh đồng hành cùng học sinh trong giai đoạn làm quen với việc học trực tuyến.
Sở Giáo dục và đào tạo hướng dẫn theo dõi chương trình Dạy học tiếng Việt được phát sóng trên kênh VTV7 (từ ngày 6/9).
Thời gian bắt đầu dạy học trực tuyến với lớp 1 từ ngày 13/9 đến 30/9, và sẽ có điều chỉnh hình thức dạy học tùy thuộc vào tình hình thực tế liên quan tới dịch COVID-19.
Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội cũng yêu cầu các nhà trường sắp xếp thời gian học và các môn học phù hợp, tránh gây áp lực cho học sinh, trong đó chú trọng môn Tiếng Việt, Toán.
Các môn khác như Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, một số bài môn Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, giáo viên có thể xây dựng bài học bằng video gửi cho phụ huynh để phụ huynh hỗ trợ hướng dẫn học sinh thực hiện vào các khung giờ phù hợp với sinh hoạt của từng gia đình.
Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường tiểu học xây dựng nội dung dạy học trực tuyến theo hướng linh hoạt, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của lớp 1 - 2.
Với lớp 3 - 4 - 5, các nhà trường sử dụng tiết dạy trên chuyên mục Học trực tuyến khối tiểu học được sở kết hợp với Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội xây dựng, và có lưu trên kênh YouTube, sử dụng kho dữ liệu có sẵn để xây dựng các bài dạy học phù hợp với các cấp độ ở bậc tiểu học.
Hà Nội sẽ vẫn tổ chức lễ khai giảng năm học mới chung cho toàn thành phố vào 7h30 sáng ngày 5/9, và truyền hình trực tiếp lễ khai giảng trên sóng Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội cùng các nền tảng trực tuyến để học sinh toàn thành phố theo dõi.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Lịch tựu trường năm học 2021-2022, học sinh tựu trường sớm nhất ngày 23/8