Đền thờ rắn thần
Chúng tôi tìm đến nhà cụ Đinh Văn Phong (bản Tưn, Xuân Nha, Mộc Châu, Sơn La). Cụ là người cao tuổi nhất bản Tưn và cũng là người duy nhất trong bản còn nhớ những truyền thuyết về vùng đất đầy bí hiểm này.
Cụ Phong 90 tuổi, người còm nhom. Mái tóc cụ bạc trắng như cước. Mắt cụ đã mờ, đi lại chậm chạp, nhưng được cái bù lại trí nhớ của cụ còn khá minh mẫn.
Nhắc đến đền thờ rắn thiêng từng tồn tại ở bản Tưn, cụ Phong luôn tỏ lòng thành kính. Ngồi bên bậu cửa, chỉ tay về đỉnh núi Pha Luông sừng sững giữa đất trời, cụ bảo, những động rắn dưới chân Pha Luông có từ lâu rồi.
Ngày trước rừng già còn trải dài ngút tầm mắt, dường như bao nhiêu rắn ở khu biên viễn dồn cả vào hang động. Vào những ngày trở trời, rắn ra phơi mình khắp các mỏm đá quanh hang. Người dân đi qua nhìn thấy đều phải tránh xa, chứ chưa ai dám bắt. Có lẽ do việc kiêng không bắt rắn trong hang động nên số lượng rắn mới ngày càng nhiều như thế.
Việc kiêng kị này bắt nguồn từ một truyền thuyết. Ngày trước, cái thuở trời đất còn chưa rõ ràng như bây giờ, dân bản suốt ngày sống trong cảnh ngập lụt lầm than. Mỗi khi mưa về là nước ở khắp nơi dồn về thung lũng bản Tưn. Hoa màu, cây cối, vật nuôi của bà con bị chìm trong biển nước.
Để khắc phục tai hoạ này, ngày đó, ông Ái Lấc Cấc, người to khỏe nhất bản, huy động bà con dân bản ra đắp một con đập dưới suối Lựp nhằm chặn nước.
|
Đường vào hang Pắc Pa. |
Khi công việc sắp hoàn thành, mọi người trêu ông: “Ông về đi, vợ ông vừa bị hổ ăn thịt rồi”. Mọi người tưởng ông sẽ vứt công việc đó mà trở về, ông liền bảo: “Vợ chết thì lấy vợ khác”. Nói xong ông lại lầm lũi làm việc.
Một lúc sau, người khác lại trêu ông: “Con ông vừa bị rơi xuống suối chết đuối rồi. Ông về ngay đi…”. Lần thứ hai nghe mọi người nói đến sự chết chóc, ông bỗng ngừng tay. Tuy nhiên, nếu ông bỏ dở việc mà về, công trình này sẽ không hoàn thành được. Ông bảo với mọi người: “Con chết thì đẻ đứa khác”. Ông lại lao vào làm việc, mặc cho mọi người thử lòng dạ của mình.
Thế rồi, một người khác liền bảo: “Mẹ ông vừa mất xong. Ông phải về ngay”. Nghe người trong nhóm nói vậy, ông Cấc gầm lên như mãnh thú bị thương. Sẵn chiếc cây lao trong tay, ông phóng thẳng vào chân núi đá rồi chạy về nhà.
|
Những quả "na đá" kỳ lạ có nhiều trong hang. |
Cú phóng với sức lực vô biên khiến cây lao xuyên qua lòng núi, tạo thành 1 hang động, thế là nước từ trên đập chảy xuôi về phía sông Mã thuộc tỉnh Thanh Hóa. Từ đó dân làng mới tránh được ngập lụt.
Câu chuyện dân gian đó đã gắn chặt với những người dân ở vùng đất này. Một thời gian sau, có đàn rắn màu đỏ rực đến sinh sống. Nó quản luôn cả cái hang động do ông Ái Lấc Cấc tạo thành.
Đàn rắn này có một con đầu đàn mình dài mấy thước, miệng to như chiếc thúng, nó luôn tỏ ra mình là chúa tể, là vật thượng đẳng, không có địch thủ.
Một hôm nghe tiếng tác oai, tác quái của đàn rắn này, giống rắn xanh ở miền biển đã ngược sông Mã về thách đấu với “rồng đỏ”. 2 đàn rắn đánh nhau hết ngày này qua ngày khác, tháng này sang tháng khác mà chưa phân thắng bại.
Với số lượng áp đảo, đàn rắn xanh từ sông Mã lên ngày một đông khiến đàn rắn đỏ sống trong hang đá chống chọi lại vô cùng vất vả. Trước nguy cơ bị đánh bại, một hôm có con rắn đỏ biến thành người lên cầu cứu dân làng. Con rắn này bảo rằng, nếu dân làng giúp nó đánh bại đám rắn xanh kia, nó sẽ trả công bằng việc tạo ruộng nương giúp bà con.
Trước khi trở lại hang, đàn rắn đỏ này dặn bà con, nếu thấy rắn xanh lên khỏi cửa hang là bà con dùng cung, nỏ bắn.
Giữ đúng lời hứa, tất cả trai bản ngày đó chuẩn bị cung tên đứng trước cửa hang. Hễ thấy đám rắn xanh nhô lên là bắn. Chẳng mấy chốc dân làng đã hạ được đám rắn xanh kia. Rắn đỏ đầu đàn vô cùng cảm kích và nó thực hiện đúng lời hứa khi xưa.
Trước khi san núi, dẫn thủy nhập điền, tạo ruộng mới cho bà con, rắn chúa dặn bà con dân bản rất kĩ rằng, trong thời gian 9 ngày tới trời sẽ là đêm đông mịt mùng. Bà con chuẩn bị lương thực, củi đốt và ngồi hết cả trong nhà, chỉ khi nào nó hô ra mới được phép mở cửa ra ngoài. Nếu ai mà ra ngoài là công việc không thể hoàn thành được.
Rắn chúa vừa rời bản, trời đang sáng chuyển thành đêm đen. Cả đàn rắn ra sức làm mưa, rồi bạt núi, san đất, tạo ruộng cho bà con. Ngày nối ngày lặng lẽ trôi qua, bà con trong bản không ai dám hé răng nửa lời.
Đến ngày thứ 9, khi công việc tạo ruộng sắp hoàn thành, bỗng trong bản có người phụ nữ vì quá nóng vội nên đã mở cửa ra ngoài. Bỗng nhiên đám rắn kia chui cả xuống lòng đất, tạo thành những hố sâu hoắm.
Nơi đây, có những thửa ruộng bậc thang đẹp tựa như những dải lụa mềm. Duy có một thửa ruộng gần hang Pắc Pa thì đàn rắn đang làm dang dở. Dưới chân ruộng có vô số những lỗ thủng, nơi mà rắn đã phải chạy trốn vì dân làng không thực hiện đúng những gì rắn chúa căn dặn.
Tưởng nhớ công ơn của đàn rắn kia, bà con đã lập một đền thờ để thờ cúng. Trước cách mạng tháng 8, các vị chức sắc ở Mộc Châu đều phải vào đây làm lễ. Lễ tế diễn ra rất long trọng và trang nghiêm. Dân làng mổ mấy con trâu rồi mang ra đền thờ cúng. Nơi đặt đền thờ có 4 cột gỗ tượng trưng cho việc chống trời và biết ơn tới đàn rắn đỏ.
Việc cúng lễ bị gián đoạn khi chiến tranh xảy ra. Đến thờ cũng dần trở thành phế tích, giờ chỉ còn bãi đất. Bà con trồng sắn, trồng ngô trên đó.
Xưa kia, mỗi khi có hội là bản vui lắm. Ông chủ tế phải là vị có chức sắc ở châu huyện. Họ làm hình 2 con rắn đỏ khổng lồ dài hàng chục mét. Việc tế lễ diễn ra trong 2 ngày mới xong.
Từ ngày khu đền bị phá bỏ, việc tế lễ cũng biến mất luôn. Có một điều là riêng hang rắn thì ít người dám vào. Họ coi nơi đó là khu đất thiêng của loài rắn.
Động rắn dài 50km?
Hang động khổng lồ, sâu nhất dãy Pha Luông có tên là Pắc Pa. Loanh quanh cả buổi, chúng tôi mới tìm được anh Pâng, người dẫn đường tìm vào hang.
Anh Pâng là trong bản, tính nết nhanh nhẹn, chịu khó làm ăn, cũng hay khám phá rừng núi. Anh Pâng bảo, các cụ kể rằng, hang Pắc Pa dài tới 50km, xuyên dọc dãy Pha Luông, sang tận tới Thanh Hóa. Các cụ kể vậy, thì biết vậy, chứ bản thân anh cũng chưa có điều kiện khám phá hết các ngóc ngách của hang.
Theo lời anh Pâng, toàn bộ những dãy núi kề bên dãy Pha Luông, đều là núi đá vôi, nên trong núi rất rỗng. Chỉ cần có một khe nứt, chui vào trong, là thấy hang động, rồi cứ hang nọ nối với hang kia. Vào mỗi hang, lại gặp vô số ngóc ngách, mà từ những ngách nhỏ, lại mở ra những không gian mênh mông trong lòng đất, đi không biết khi nào mới hết.
“Các cụ kể rằng, mấy chục năm trước, bản có lũ lớn, nước dâng cao ngập hết nóc nhà. Tuy nhiên, nước rút nhanh bởi các hang động như thuồng luồng uống nước. Các cụ đã lấy da lợn phơi khô, khâu tròn, thổi căng hơi như quả bóng, thả vào miệng hang. Đến chục ngày sau, thì những quả bóng đó trôi ra tận sông Mã, dạt về phía Thanh Hóa” – anh Pâng kể.
Cũng theo lời Pâng, thì hang Hằng, hang Pắc Pa, hang Tu Ngu cũng đều thông với nhau bởi cùng một dải núi. Mùa mưa, những hang động này đều biến thành những dòng sông ngầm, nước chảy như thác. Chỉ cần một cơn mưa lớn, nước trên toàn bộ dải núi sẽ ngấm xuống hang và chảy mất hút vào trong núi.
Hang Tu Ngu như một dòng sông ngầm hung dữ, chưa ai từng khám phá được độ sâu của nó. Mỗi khi thủy điện Trung Sơn tích nước cao, toàn bộ hang Tu Ngu bị ngập nước. Chính vì thế, lời đồn hệ thống hang động bản Tưn kéo dài 50km đến tận sông Mã, là điều có thể xảy ra.
Mang theo những câu chuyện huyền thoại, Pâng dẫn chúng tôi vào hang Pắc Pa. Đứng ở cửa hang, gió thổi ào ào. Cửa hang khá nhỏ, nhưng càng vào sâu, hang càng rộng.
Có những vị trí, soi đèn lên trần hang chỉ thấy hun hút bóng đêm, hoặc chiếu đèn xuống đáy, chẳng thấy đích. Ném hòn đá xuống, một lát sau mới có tiếng vọng lại. Pâng bảo, anh đã từng cùng trai bản thả dây xuống những cái giếng khổng lồ và lưng chừng giếng lại có vô vàn những ngóc ngách dẫn vào tầng tầng lớp lớp những hang động khác.
Càng vào sâu, chúng tôi càng choáng ngợp bởi hệ thống nhũ đá. Có khu vực nước đọng như thể những thửa ruộng bậc thang. Có khu vực là hàng ngàn chiếc “cột chống trời”, lại có những bãi đất rộng với cả vạn “quả na” bằng đá nằm vung vãi. Những hình thù nhũ đá, màu sắc tạo cảm giác như lạc vào động cung.
Cứ len vào những ngóc ngách chỉ vừa một người chui, lại mở ra những hang động khác, có cảm giác như nó vô cùng và bất tận. Quả thực, cả dải núi đá vôi này là những quả núi rỗng, với các hang động kết nối với nhau. Không đủ phương tiện, nên chúng tôi không dám đi sâu vào các ngóc ngách.
Sau cả ngày lang thang trong lòng núi bất tận, Pâng nhắc chúng tôi rời hang kẻo trời tối không tìm được đường về.