Có hiện tượng đập phá nhũ đá nhưng từ trước năm 1995
Liên quan đến vụ lùm xùm nhũ đá tại các hang động trên vịnh Hạ Long bị phá, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã có thông tin chính thức. Theo đó, ngay khi báo chí phản ánh về hiện tượng một số nhũ đá trong hang động trên Vịnh Hạ Long bị xâm hại, tại Văn bản số 7220/UBND - VX1, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo TP Hạ Long kiểm tra về thông tin trên.
Ngày 17/11, UBND TP Hạ Long đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, đại diện Công an tỉnh Quảng Ninh, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Sở Thông tin Truyền thông cùng một số cơ quan báo chí đã đi kiểm tra thực tế tại một số hang động như khu vực Ba Hang, Vạn Cồn, Cặp La, Trinh Nữ, Tiên Ông nằm trong khu vực Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Kêt quả kiểm tra cho thấy, không có hiện tượng phá hủy thạch nhũ trong hang động. Hiện tượng các khối thạch nhũ có kích thước lớn bị gãy đổ là do hoạt động kiến tạo hoặc do trọng lực đã xảy ra từ hàng chục năm trước.
|
Nhũ đá nằm vương vãi dưới nền hang. |
Lý giải về các khối thạch nhũ bị gãy đổ, đoàn kiểm tra khẳng định, không phải là các vết mới bị đập phá gần đây và các mặt cắt đứt gãy này không phải do tác động của cưa, cắt. Bề mặt vết đứt gãy của các khối thạch nhũ này lồi lõm, không bằng phẳng, nền hang động không có các tàn tích của măng nhũ đá. Mặt khác, các khối thạch nhũ bị gãy đa số nằm ngoài cửa hang nhưng bề mặt của vết gãy đã có rêu phủ hoặc màu xám đen. Một số ít thạch nhũ bị gãy nằm phía trong hang, tuy bề mặt gãy vẫn còn trắng sáng nhưng là do các điều kiện về ánh sáng, không khí trong hang khiến mặt cắt không hình thành rêu bám hay bị xỉn màu như phía ngoài cửa hang. Một số mảnh gãy vẫn còn dưới sàn, tương đồng với mặt cắt phía trên nhưng có kích thước nhỏ hơn. Điều này có thể giải thích do khối nhũ phía trên qua nhiều năm đã tiếp tục được phát triển làm cho lớn hơn, phần nhũ gãy rơi phía dưới không được “nuôi lớn” nên giữ nguyên kích thước lúc bị gãy.
Đoàn kiểm tra cũng xác định một số mặt đứt gãy của các khối thạch nhũ này đã hình thành các nhũ đũa mới có chiều dài từ 3 - 7cm, cho thấy thời gian khối thạch nhũ bị đứt gãy đã từ rất lâu.
Các cơ quan chức năng khẳng định, trước khi vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, có hiện tượng đập phá thạch nhũ tại các hang động trên vịnh Hạ Long.
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Phạm Đình Huỳnh - Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết: “Việc nhiều nhũ đá bị mất măng nhũ đá ở thời điểm nào bây giờ không ai dám chắc. Việc đổ vỡ ở trong hang chúng tôi khẳng định có rất nhiều lý do. Có thể do kiến tạo địa chất vẫn đổ vỡ. Đến tận bây giờ các hang động lớn đều có kiến tạo địa chất. Trước khi vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thì không có lực lượng bảo vệ thường trực ở trên vịnh. Vì thế, hiện tượng đập phá nhũ đá có thể vẫn diễn ra. Tuy nhiên, nó chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ chứ không có hiện tượng khai thác để bán làm hòn non bộ. Hồi đó, có thể người ta thích các nhũ đá, người ta đập. Từ khi được công nhận là di sản, chúng tôi có lực lượng gần như 24/24 ở trên vịnh nên không còn tình trạng này nữa”.
Tăng cường bảo vệ hệ thống măng nhũ đá tại các hang động
Hiện nay, trên vịnh Hạ Long có khoảng 60 hang động đã được tìm kiếm, phát hiện, trong đó có 8 hang động đang đưa vào khai thác du lịch, các hang động còn lại được đóng cửa bảo tồn nguyên vẹn giá trị. Trước những thông tin lùm xùm liên quan đến nhũ đá bị phá, dư luận quan tâm đặc biệt đến công tác quản lý, bảo vệ hệ thống măng nhũ đá tại các hang động đang khai thác du lịch.
Phó chủ tịch UBND TP Hạ Long, ông Hồ Quang Huy cho biết: “Để triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ hệ thống măng nhũ đá tại các hang động đang khai thác du lịch, Ban quản lý vịnh Hạ Long đã đặt biển báo khuyến cáo, có hành lang ngăn cách lối đi, thực hiện công tác tuyên truyền trực tiếp cho du khách thông qua hệ thống loa phát thanh, đội ngũ bảo vệ, thuyết minh viên và hướng dẫn viên du lịch”.
|
Dư luận quan tâm công tác quản lý, bảo vệ hệ thống hang động trên vịnh Hạ Long. |
“Đối với các hang động chưa khai thác du lịch, hàng năm, UBND thành phố đều yêu cầu Ban quản lý vịnh phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản triển khai công tác điều tra, tìm kiếm, đánh giá hiện trạng tại các hang động, từ đó đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị bền vững đối với từng hang động, lựa chọn những hang động có quy mô, giá trị thẩm mỹ, khoa học để từng bước xây dựng bộ Hồ sơ quản lý nhằm phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị hang động”, ông Hồ Quang Huy cho hay.
Ông Hồ Quang Huy cũng nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, UBND thành phố Hạ Long sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động trên Vịnh, trong đó chú trọng quản lý các hang động chưa khai thác du lịch; mở rộng mạng lưới cộng tác viên, trong đó nòng cốt là ngư dân để kịp thời tiếp nhận thông tin, xử lý nếu có các hành vi xâm hại đến giá trị Di sản”.