Lùm xùm việc nhũ đá trong hang động vịnh Hạ Long bị tàn phá

Google News

(Kiến Thức) - Câu chuyện tổ chức ăn uống trong hang động chưa lắng xuống thì lại lùm xùm việc nhiều nhũ đá trong các hang động trên vịnh Hạ Long bị tàn phá.

Nhũ đá trong hang động trên vịnh Hạ Long bị tàn phá
Vịnh Hạ Long hai lần được Unesco công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới thu hút đông đảo du khách bởi ba yếu tố đá, nước và bầu trời. Nơi đây có hàng ngàn đảo đá cùng với màu xanh của nước biển tạo nên bức tranh thủy mặc khổng lồ, nhưng để lôi cuốn những bước chân khám phá không thể không nói đến hệ thống hang động vô cùng phong phú tập trung ở vùng trung tâm của di sản.
Mới đây, câu chuyện nhiều hang động trong vùng lõi di sản vịnh Hạ Long như hang Trống, hang Tiên Ông, hang Cỏ, hang Trinh Nữ, Hồ Động Tiên... bị dùng làm nơi tổ chức kinh doanh, ăn uống thu hút sự quan tâm của dư luận và làm nóng các diễn đàn trên mạng xã hội. Ngay sau đó, Lãnh đạo UBND TP Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có những biện pháp chấn chỉnh và chấm dứt dịch vụ ăn uống trong hang động kể từ ngày 30/10/2016.
 Nhiều măng nhũ đá biến mất.
Tuy nhiên, một lần nữa dư luận lại nóng trước thông tin nhiều măng nhũ đá trong các hang động trên vịnh Hạ Long như hang Tiên Ông, hang Trống, hang Thầy, các hang nhỏ lẻ tại khu vực Cặp La không còn nguyên vẹn, có nhiều măng đá bị mất có dấu hiệu bị cắt phá. Những nhũ đá còn lại đều bị ám rêu mốc do tác động của con người bởi hậu quả của việc dùng hang động làm nơi tổ chức kinh doanh ăn uống vẫn còn để lại.
Hang Cặp La nằm ở độ cao 50m so với mực nước biển, cửa hang rộng khoảng 60m, bên trong sâu khoảng 50m, trần hang cao khoảng 3m. Nhiều nhũ đá tại đây đều có dấu hiệu bị cụt đầu, mảnh vỡ vương vãi trên nền hang.
 Dấu vết để lại mới hay cũ đang được cơ quan chức năng xem xét.
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Phạm Đình Huỳnh - Phó Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long - cho biết, ngay khi có thông tin về việc nhiều măng nhũ đá trong các hang động trên vịnh Hạ Long bị chặt phá, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Ban Quản lý Vịnh, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh Quảng Ninh, UBND thành phố Hạ Long cùng các cơ quan báo chí đã đi thực địa trên vịnh Hạ Long, kết quả kiểm tra cho thấy không có hiện tượng nhũ đá bị chặt phá tại các hang động được phản ánh (?).
 Hang đá mất đi vẻ đẹp khi không còn nhũ đá.
“Việc nhiều nhũ đá bị mất măng nhũ đá ở thời điểm nào bây giờ không ai dám chắc. Việc đổ vỡ ở trong hang chúng tôi khẳng định có rất nhiều lý do. Có thể do kiến tạo địa chất vẫn đổ vỡ. Đến tận bây giờ các hang động lớn đều có kiến tạo địa chất. Trước khi vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thì không có lực lượng bảo vệ thường trực ở trên vịnh. Vì thế, hiện tượng đập phá nhũ đá có thể vẫn diễn ra. Tuy nhiên, nó chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ chứ không có hiện tượng khai thác để bán làm hòn non bộ. Hồi đó có thể người ta thích các nhũ đá, người ta đập. Từ khi được công nhận là di sản, chúng tôi có lực lượng gần như 24/24 ở trên vịnh nên không còn tình trạng này nữa”, ông Phạm Đình Huỳnh cho hay.
 Một nhũ đá có vết rất mới.
Báo cáo về kết quả kiểm tra thông tin, xác định địa điểm phá hoại thạch nhũ trong hang động vịnh Hạ Long của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long nêu rõ: “Hiện tượng đập phá thạch nhũ tại các hang động trên vịnh Hạ Long là có, tuy nhiên hiện tượng này đã xảy ra từ trước khi vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Từ năm 1995, Ban quản lý vịnh Hạ Long được thành lập, theo đó 5 Trung tâm bảo tồn di sản được hình thành với tổng số 130 cán bộ làm việc trực tiếp tại các điểm công tác trên biển và phối hợp với khoảng 80 cơ sở cộng tác viên là các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh để để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ các giá trị của Di sản vịnh Hạ Long, trong đó có việc bảo vệ các hang động. Ngoài ra, còn có lực lượng của Đội kiểm tra xử lý vi phạm trên vịnh với tổng số 13 cán bộ tham gia thực hiện tuần tra kiểm soát tất cả các lĩnh vực hoạt động trên vịnh Hạ Long”.
 Mảnh nhũ đá vương vãi dưới nền hang.
“Hiện trên vịnh Hạ Long có gần 60 hang động đã được tìm kiếm, phát hiện, trong đó có 8 hang động đang đưa vào khai thác du lịch, các hang động còn lại được đóng cửa bảo tồn nguyên vẹn giá trị. Trong suốt 20 năm thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, đến nay Ban quản lý vịnh Hạ Long chưa phát hiện vụ việc nào xâm hại, phá hủy các măng nhũ đá trong các hang động trên vịnh”, báo cáo nêu rõ.
Các biện pháp Ban quản lý vịnh Hạ Long áp dụng trong công tác bảo tồn hệ thống măng nhũ đá trong các hang động cũng được nêu trong báo cáo: “Đối với các hang động đang khai thác du lịch: Căn cứ vào Quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Quy chế quản lý vịnh Hạ Long, các Quy định hiện hành về triển khai đưa ra các biện pháp quản lý, khai thác bền vững tại các hang động: đặt biển báo khuyến cáo, có hành lang ngăn cách lối đi, thực hiện tốt công tác tuyên truyền trực tiếp cho du khách thông qua hệ thông loa phát thanh, đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm và hướng dẫn viên du lịch… Đối với hang động đóng cửa bảo tồn: Hàng năm, Ban quản lý vịnh Hạ Long phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản triển khai công tác điều tra, tìm kiếm, đánh giá hiện trạng tại các hang động, từ đó đó đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị bền vững đối với từng hang động, lựa chọn những hang động có quy mô, giá trị thẩm mỹ, khoa học để từng bước xây dựng bộ Hồ sơ quản lý nhằm phục vụ cho công tác Quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị hang động”.
 
Dù Ban quản lý vịnh Hạ Long đã khẳng định không có hiện tượng chặt phá nhũ đá để bán, nhưng ở đây cũng đặt ra bài toán khắc phục, bảo tồn các nhũ đá trong các hang động tại vịnh Hạ Long và cần nhiều biện pháp tích cực, hiệu quả hơn để gìn giữ phát huy giá trị di sản thế giới. Bởi, để bảo tồn phát huy giá trị của Di sản vịnh Hạ Long không có chỗ cho sự bàng quan.
Vẫn còn hiện tượng kích điện bắt cá trên vịnh Hạ Long
Tình trạng ngư dân dùng kích điện để đánh bắt cá trên vịnh Hạ Long luôn khiến các nhà quản lý di sản thiên nhiên thế giới này đau đầu. Trong suốt thời gian dài, nhiều biện pháp đã được đưa ra, nhiều lần các cơ quan chức năng truy bắt các tàu dùng điện kích cá nhưng đến nay tình trạng này vẫn ngang nhiên diễn ra trên vịnh. Kích điện bắt cá sẽ làm hủy diệt nguồn giống, hủy diệt nơi sinh sống, khiến không chỉ các loài kinh tế bị suy giảm mà đa dạng sinh học cũng bị suy giảm. Nghiêm trọng hơn, nhiều loại sinh vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Một số hình ảnh về việc ngư dân dùng kích điện đánh bắt hải sản trên vịnh Hạ Long:
 
 
 
 
 
 
Theo chức năng được giao, Ban quản lý vịnh Hạ Long là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh, có chức năng giúp tỉnh quản lý nhà nước, bảo tồn và phát huy giá trị của vịnh Hạ Long, mà trọng tâm là khu vực Di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận. Về chuyên môn, Ban Quản lý vịnh Hạ Long chịu sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Trong nhiệm vụ được giao của Ban quản lý Vịnh Hạ Long cũng quy định rõ: “Quản lý, giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh Hạ Long; Chủ trì cùng các ngành, địa phương có liên quan kiểm tra, và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên vịnh Hạ Long”. Mong rằng, Ban quản lý vịnh Hạ Long với chức năng nhiệm vụ của mình sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)