|
Thủ đô Yangon, Myanmar đã cấm xe máy 13 năm |
Hà Nội sẽ cấm xe máy tại các quận từ năm 2030 theo Nghị quyết quản lý phương tiện giao thông của HĐND TP Hà Nội tại phiên làm việc ngày 4/7/2017 với trên 91% đại biểu tán thành.
Theo nghị quyết, từ năm 2017 - 2030, Hà Nội sẽ triển khai đồng thời, đồng bộ các nhóm giải pháp cụ thể và có lộ trình.
Chuyện này báo chí đăng tải đã nhiều, nhiều người cũng yên tâm chép miệng chuyện của năm 2030 còn xa, hẳn lúc đó hệ thống giao thông công cộng đã khác.
Nhưng gần đây, Hà Nội cho biết đang xem xét cấm xe máy ở hai tuyến Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi trước năm 2030. Thông tin này lập tức làm nóng dư luận cùng những phản ứng khá tiêu cực của người dân.
Là một người thường xuyên tham gia giao thông bằng xe máy và có nhiều cơ hội đến các thành phố trên thế giới có hạ tầng tương đồng với Hà Nội, cá nhân tôi có vài suy nghĩ muốn chia sẻ.
Căn cứ mà Hà Nội đưa ra đề xuất cấm xe máy là tham khảo bài học thành công của Trung Quốc, hướng tới giao thông văn minh, an toàn hơn. Dư luận xã hội cũng dần nhận thức được điều này. Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, nếu không cấm xe máy tại các thành phố lớn, để tình trạng giao thông mất an toàn như hiện nay là có tội với thế hệ sau.
Tuy nhiên, tôi được biết năng lực vận tải công cộng của Hà Nội còn quá hạn chế, đặc biệt là xe buýt (mới đáp ứng ước khoảng 14% nhu cầu). Các tuyến đường sắt đô thị còn chưa chính thức đi vào khai thác hoặc đang trong quá trình thi công. Bằng dự cảm của người dân, tôi cho rằng, tính ưu việt tiếp cận hệ thống vận tải công cộng phải được tập trung làm ngay thì việc hạn chế xe máy mới hiệu quả.
|
Yangon, Myanmar đã loại bỏ hoàn toàn xe máy nhưng vẫn đối diện nạn kẹt xe vì lượng ô tô tăng cao |
Hãy tham khảo thêm bài học của thủ đô cũ Yangon của Myanmar. Thành phố này cấm xe máy từ năm 2006. Khi đó, chính quyền Thủ đô Yangon bố trí hệ thống xe buýt, taxi rất thuận tiện và giá rẻ cho người dân sử dụng. Đến nay, sau hơn 10 năm, tuy cấm xe máy nhưng đường phố vẫn dễ tắc nghẽn do lượng ô tô nhiều hơn.
Rõ ràng việc áp đặt cực đoan như kinh nghiệm của Myanmar với hoàn cảnh hiện tại của Hà Nội là khó. Nhưng nếu chính quyền thành phố tổ chức giao thông tốt hơn với hệ thống vận tải công cộng cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, có thể chưa thật hoàn hảo nhưng có tâm thì người dân sẽ ủng hộ chủ trương hạn chế xe máy.
Cần nhìn nhận, hạ tầng và vận tải công cộng là sản phẩm công mà chính quyền phải có trách nhiệm. Nó giống như vế “cung” trong cung - cầu của thị trường.
Cấm hay hạn chế xe máy cần có can thiệp về phía “cung” để “cầu” sử dụng xe máy giảm và tiến tới không dùng ở nội đô. Cũng như nghề hàn dép nhựa từng tồn tại ở thủ đô trước những năm 1990, không ai cấm nhưng khi không còn nhu cầu, nó tự biến mất.
Để hạn chế xe máy trong thời gian tới, thiết nghĩ Hà Nội cần xây dựng kế hoạch thật thận trọng. Đừng để lặp lại như sự thất bại của buýt nhanh BRT. Vẽ lên được bức tranh tổng thể nhưng cũng cần có những yêu cầu thật cụ thể và minh bạch. Chỉ khi nào xe buýt, đường sắt trên cao, taxi tiếp cận thuận tiện hơn với mức giá hợp lý thì mới nên cấm xe máy. Taxi thực chất cũng là phương tiện công cộng vì vậy cần bỏ bớt phố cấm taxi.