Năm 2030 TP HCM cấm xe máy: Loại bỏ dần dần để người dân đỡ “sốc“

Google News

(Kiến Thức) - Việc TP HCM đề xuất cấm xe máy vào nội đô từ năm 2030, TS.Lương Hoài Nam cho rằng cần phải giảm dần 7,6 triệu xe máy hiện nay qua các năm cho xe buýt chạy và để người dân quen với việc đó. 

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã trình Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TPHCM đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông ở TPHCM".
Đề án nêu mục tiêu: Đến năm 2020, thị phần vận tải hành khách công cộng toàn thành phố đảm nhận 15 - 20% nhu cầu di chuyển của người dân. Đến năm 2025 đạt 20,5 - 26,6% và đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ tăng lên 29,3 - 36,8%.
Nếu đề án được thông qua, TPHCM sẽ hạn chế và tiến tới ngưng hoạt động xe môtô và xe gắn máy 2 - 3 bánh tại một số khu vực trung tâm vào giai đoạn 2025 - 2030, khi hệ thống vận tải hành khách công cộng đảm bảo nhu cầu đi lại trong khu vực hạn chế, với cự ly tiếp cận trung bình của khách đến hệ thống vận tải công cộng đạt dưới 500m. Nói cách khác, xe môtô - xe máy sẽ bị cấm vào nội đô từ năm 2030.
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Lương Hoài Nam, người từng có nhiều ý kiến đồng tình với việc hạn chế xe máy cho rằng: 
Sau khi có thông tin TP HCM cấm xe máy vào nội đô từ năm 2030, nhiều ý kiến cho rằng năm 2030 muộn quá, nên làm từ 2025. Nhưng quả thực thuyết phục được nhiều người chấp nhận đề án này và lộ trình cấm vào năm 2030 đã khó khăn lắm!
Nam 2030 TP HCM cam xe may: Loai bo dan dan de nguoi dan do
 TP HCM dự kiến sẽ cấm xe máy vào nội đô từ năm 2030.
Ông Nam phân tích, với tốc độ phát triển giao thông công cộng và hạ tầng như của TP HCM hiện nay thì cũng phải đến năm 2030 mới khả thi. Không thể làm sớm hơn được.
Hơn nữa, một vấn đề khó khăn là lộ trình giảm dần xe máy từ nay đến 2030. Không phải để đến lúc đó mới loại bỏ 7,6 triệu xe máy mà phải giảm dần qua các năm để lấy đường cho xe buýt chạy. Việc này sẽ rất khó khăn!
Ở Quảng Châu người ta loại bỏ dần xe máy qua từng năm, đến khi cấm cả thành phố chỉ còn 0,4 triệu chiếc nên không hề bị sốc. TP HCM cũng nên làm như vậy.
Trước đó, ông Nam từng nhiều lần phân tích trên báo chí và đưa ra quan điểm trên facebook cá nhân, xe máy là phương tiện nguy hiểm, nên có lộ trình hạn chế, giảm dần xe máy rồi tiến đến loại bỏ xe máy nhằm giảm thiểu thiệt hại về người trong những vụ tai nạn giao thông. Bởi so với ô tô hay các loại hình giao thông khác, xe máy là phương tiện không an toàn, nguy hiểm hơn khi người dân sử dụng.
"Vì đề xuất hạn chế tiến tới loại bỏ xe máy mà tôi đã phải hứng chịu bao nhiêu là 'gạch đá' trên mạng xã hội do có quan điểm đối với giao thông xe máy. Nhưng mới đây, khi nhiều người đi xe máy đã phải bỏ mạng trong 2 vụ tai nạn ở Long An và Lâm Đồng. Tôi tiếp tục khẳng định xe máy không phải và không thể dùng làm phương tiện giao thông chủ lực của người dân. Người dân cần sợ nó kể cả khi buộc phải dùng” - Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho biết.
Theo Ts.Lương Hoài Nam, nhà nước cần có lộ trình giảm dần rồi loại bỏ nó, thay thế bằng những phương tiện giao thông công cộng an toàn, tiện nghi.
“Việc thay thế xe máy bằng những phương tiện giao thông công cộng vừa tiết kiệm chi phí hơn so với việc người dân phải bỏ tiền mua và nuôi xe máy, phó mặc sức khoẻ cho mưa nắng, phó mặc tính mạng cho rủi ro tại nạn giao thông” - Ts. Lương Hoài Nam nói.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam chấp nhận bị “ném đá” với đề xuất trên. Ông viết trên mạng xã hội: “Ai ném đá tôi thì ném đi, tôi nhận”.
Vào năm 2013, Tiến sĩ Lương Hoài Nam đã từng có bài viết đăng tải trên báo chí về đề xuất cần có lộ trình loại bỏ xe máy ở những đô thị lớn và nhận được nhiều phản ứng trái chiều.
Khi đó, Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho rằng, việc các cơ quan nhà nước còn né tránh xem xét vấn đề này chỉ kéo dài thêm sự lạc hậu và nguy hiểm của nền giao thông đô thị Việt Nam, kéo dài thêm sự nghèo nàn, lạc hậu của bản thân các đô thị và cư dân đô thị và, nói rộng ra, của cả đất nước.
“Các phương tiện giao thông công cộng hiện đại (tàu điện ngầm và tàu điện trên cao, xe buýt) và ô-tô cá nhân đại diện cho sự văn minh mà các đô thị và cư dân hướng tới ở bất kỳ nơi nào. Điều này không có gì phải tranh cãi. Loài người đến nay chưa nghĩ ra được phương tiện đi lại nào hiện đại, văn minh hơn chúng.
Máy bay chỉ phục vụ cho việc đi lại với khoảng cách xa hàng trăm cây số, không ai lại dùng máy bay để đi lại trong thành phố. Cũng không ai nói rằng xe máy hiện đại, văn minh hơn các phương tiện giao thông đô thị nêu trên.
Những người phản đối ý tưởng cấm xe máy (trong tương lai) phần lớn có quan điểm là hãy phát triển các phương tiện giao thông công cộng cho thật tốt, thật tiện đi, hãy giảm giá ô-tô xuống nhiều đi rồi số lượng xe máy mặc nhiên sẽ giảm. Điều đó không sai về lý thuyết, nhưng kém khả thi trên thực tế.
Cần nhìn nhận một sự thật là kể cả ở các quốc gia nghèo hơn Việt Nam, không đâu có "nền giao thông xe máy" với mật độ, tỷ lệ xe máy cao như Việt Nam cả” - Tiến sĩ Lương Hoài Nam nêu quan điểm trong bài viết.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam viết rằng: “Chừng nào vẫn còn những cái chết thương tâm vì nạn nhân đi xe máy, chúng ta đang có tội rất lớn với họ. Thật bất an khi thấy các đô thị nước ta ngày càng bị ô nhiễm vì khí thải xe máy và rác thải có liên quan khăng khít đến cuộc sống với những chiếc xe máy. Thật buồn lòng khi thấy văn hoá giao thông xe máy đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến văn hoá con người Việt Nam”.
Kim Ngưu

>> xem thêm

Bình luận(0)