Bạn đọc Diem Hang Phan Vu chỉ rõ: "Ai cho tôi làm người đi bộ? Vỉa hè đâu mà đi? Hãy đến nhiều khu phố của Hà Nội, ví dụ quận Ba Đình, xem chúng tôi có chỗ đi bộ không, hay là vỉa hè đã được ưu tiên cho các nhà mặt đường để xe máy, bán hàng!".
Đồng quan điểm, bạn Ngo HuyenLinh cũng bày tỏ: "Cho tôi hỏi đi bộ đi vào đâu, nhiều chỗ không có vỉa hè, đường thì bụi mù, rác chỗ nào cũng có. Chỉ cần đi 0,5km mùa hè là mồi hôi túa ra như tắm, bụi bẩn bám đen cả áo".
Là người thường xuyên đi bộ và đi xe buýt, bạn Thu Hằng chia sẻ: "Tôi không có xe máy, tôi đi bộ và xe buýt, nhưng rất nhiều tuyến phố không có lối cho người đi bộ, không có lối sang đường. Các phương tiện dừng đèn đỏ mà qua đường còn không nổi vì họ được phép đi tiếp để rẽ phải. Thử xuống xe buýt rồi đi vào bến xe Nước Ngầm mà xem, người đi bộ chen chúc cùng với xe tải, xe container, xe con rất kinh khủng".
|
Rất nhiều tuyến phố không có chỗ cho người đi bộ. Ảnh: Đoàn Bổng |
Bạn Nguyễn Thi thì cho rằng: "Nên cấm ô tô vì lượng khí thải lớn hơn nhiều lần xe máy. Chiếm diện tích hơn nhiều lần xe máy; đường sá nhỏ chỉ phù hợp với xe máy; người đi ô tô thì lười, ngại đi nắng hơn người đi xe máy. Và quan trọng là không có chỗ cho đi bộ, đi chung với phương tiện giao thông cơ giới là nguy hiểm chết người".
Bạn đọc Pham Quang Truong, 83 tuổi nêu: "Cấm xe máy ở Hà Nội để không ùn tắc giao thông? Trước khi làm việc này hãy cấm xe đậu ở lòng đường và ở trên vỉa hè. Cấm chiếm vỉa hè để buôn bán. Việc này nếu thực hiện được thì sẽ giảm ùn tắc giao thông mà không phải bỏ đi hàng triệu xe máy".
Bạn Ánh Hồng băn khoăn: "Các ý kiến về cấm xe máy thì nói nhiều. Tôi thấy có lẽ những người ủng hộ cấm xe máy chắc là 99% đang đi xe ô tô cá nhân. Nếu lấy ý kiến thì xin cũng có ghi chú rằng: Người đang cho ý kiến đó đang sử dụng phương tiện gì? Tôi thì đương nhiên đang đi xe máy. Hơn nữa, đa phần những người đi xe máy có rất nhiều đồ đạc xách theo, có khi cả mấy chục kg. Đi bộ thì ai bưng vác cho chúng tôi?".
Bạn Lâm Tú cũng thắc mắc đâu phải ai cũng gần cơ quan làm việc. Mà tới cơ quan cũng đâu có ngồi một chỗ, rồi xuống cơ sở bằng gì?
Theo nhiều bạn đọc, rất nhiều người dùng xe máy làm phương tiện mưu sinh, nếu cấm thì không biết họ nuôi gia đình thế nào.
Đi bộ có đường đẹp không?
Ý kiến của bạn Hai Long nêu điều kiện: "Chỉ cần có đường dành riêng cho người đi bộ, sạch sẽ không rác, mát mẻ không nắng, an toàn không bị cướp, phương tiện công cộng an toàn và liên tục không trễ giờ thì tự động người ta bỏ xe máy không cần phải cấm".
Bạn Thái Bình cũng viết: "Thực ra không cần cấm mà chỉ cần phương tiện công cộng nhiều, giá vé rẻ, hành khách không phải chờ quá lâu là dân đi ngay. Bên cạnh đó, cần phân làn đường rõ ràng cho các phương tiện, làn xe máy nên nhỏ hẹp, không được đi sai làn đường. Đặc biệt, chen lấn là nguyên nhân gây ùn tắc, cần phạt thật nặng; phải có văn hóa tuân thủ trình tự khi tham gia giao thông".
Theo bạn Nguyen Vo: "Nguyên nhân kẹt xe lớn nhất là ý thức của người tham gia giao thông. Ai cũng muốn đi cho nhanh hơn người khác nên bất chấp luật lệ. Cứ đi sai luật chỉ cần thấy tiện lợi cho bản thân, thấy công an thì né. Tài xế ô tô hay xe máy có ý thức kém thì cuối cùng vẫn kẹt dù cho có hay không có xe máy".
Cấm xe máy, đường đi bộ tự nhiên có!
Bạn Bùi Đức Khiêm nêu: "Trên thế giới không có thành phố nào mà bến xe buýt, tàu điện lại tiện lợi ngay cửa nhà dân, phải đi bộ về nhà chứ. Theo tôi HN nên cấm xe máy các tuyến đường có xe buýt, tàu điện và các phố cổ...".
Theo bạn Hữu Diên: "Muốn sống lâu, sống khỏe thì hãy ủng hộ việc cấm xe máy trong thành phố. Các nước văn minh giàu có đâu có đi xe máy".
Bạn Diem cũng viết: "Mình đồng ý, dân mình đi có chút xíu cũng lấy xe máy, lười vận động. Mình ủng hộ việc cấm xe máy, cứ làm rồi dân sẽ tự ý thức mà đi xe công cộng, đi bộ, xe đạp. Ô tô thì chỉ có người nào có điều kiện thì mới mua thôi".
Bạn Nguyen Hung tự tin khi phản hồi ý kiến của bạn Dung Tran Thai: "Bạn yên tâm đi, cấm xe máy thì đường đi bộ tự nhiên có".
Theo bạn Tất Thành: "Khi cưỡng chế đội mũ bảo hiểm có cần hỏi và lấy ý kiến của ai đâu mà vẫn thành. Tăng thuế bảo vệ môi trường cũng cứ quyết dù phản đối kịch liệt. Giá xăng tăng gấp đôi thế giới vẫn phải dùng. Vậy thì việc cấm xe máy, rõ ràng mang lại sức khỏe do đi bộ, bộ mặt thành phố văn minh hơn, ban đầu chưa quen thì rồi cũng sẽ quen".
Bạn Thành gợi ý thêm: "Nếu nhà ở ngõ sâu ngại đi bộ ra bến xe buýt thì sẽ có dịch vụ trông giữ xe. Nếu cấm xe máy mà lo vấn đề đưa đón con em đi học, nhà trường sẽ có xe buýt học đường... Tin chắc rằng, khi bị tắc đường, ngồi trong xe hơi sẽ vui hơn vì có máy lạnh, có nhạc theo yêu cầu. Còn tắc đường ngồi xe máy thì phải dãi nắng dầm mưa, cáu bẳn cả ngày"...