Tại cuộc họp giữa Bộ GTVT và 5 địa phương vào cuối tháng 2/2024, các địa phương đã đưa ra 2 phương án đầu tư Dự án Đường vành đai 4 - TP HCM.
Phương án 1, các địa phương sẽ là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đi qua địa bàn. Phương án này đáp ứng được yêu cầu về tiến độ khởi công trong năm 2025 và hoàn thành vào năm 2028.
Phương án 2, sẽ gộp toàn bộ tuyến Đường vành đai 4 - TP HCM thành một dự án để thực hiện. Tuy nhiên, phương án này sẽ dẫn đến tổng mức đầu tư rất lớn, kéo dài thời gian chuẩn bị và khó đáp ứng tiến độ đề ra.
Từ đó, các tỉnh đã thống nhất triển khai thực hiện Dự án Đường vành đai 4 - TP HCM theo phương án 1, là các địa phương sẽ là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đi qua địa bàn.
Tại buổi làm việc với Bộ GTVT, các địa phương cũng kiến nghị sớm trình Quốc hội nhằm xin cơ chế đặc thù, đặc biệt là nguồn vốn Trung ương hỗ trợ các địa phương để thực hiện dự án.
|
Phối cảnh Dự án Đường vành đai 4 - TP HCM. (Ảnh: Internet) |
Dự án Đường vành đai 4 - TP HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 2011. Tuyến đường này sẽ đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP HCM.
Dự án Đường vành đai 4 - TP HCM có chiều dài 207 km, phân kỳ giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe và sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một lần với quy mô 8 làn xe.
Dự án Đường vành đai 4 - TP HCM đi qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chiều dài 18,17 km, điểm đầu tuyến tại ngã tư Tóc Tiên - Châu Pha khu vực nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường DT992, cách đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu 230m. Điểm cuối trên địa bàn huyện Châu Đức giáp ranh với tỉnh Đồng Nai.
Dự án Đường vành đai 4 - TP HCM đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài khoảng 46km. Điểm đầu tuyến thuộc địa phận huyện Cẩm Mỹ và điểm cuối tuyến thuộc địa phận huyện Vĩnh Cửu (không bao gồm cầu Thủ Biên).
Dự án Đường vành đai 4 - TP HCM đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương có chiều dài khoảng 47,85 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế đạt 100 km/giờ. Có điểm đầu xuất phát từ cầu Thủ Biên (huyện Bắc Tân Uyên) đi qua Khu công nghiệp (KCN) VSIP3, giao cắt với đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành tại phường Hội Nghĩa (TP Tân Uyên). Sau đó, đường Vành đai 4 TP HCM tiếp tục đi qua KCN VSIP 2A (TP Thủ Dầu Một), KCN Mỹ Phước 3 (TX Bến Cát)… và kết thúc tại cầu Phú Thuận (TX Bến Cát) băng qua sông Sài Gòn (huyện Củ Chi, TP HCM).
Dự án Đường vành đai 4 - TP HCM đi qua địa bàn tỉnh Long An có tổng chiều dài khoảng 69,1 km, kiến ngân sách đầu tư là khoảng 3.600 tỷ đồng, với chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.400 tỷ và vốn đầu tư xây dựng hơn 1.200 tỷ đồng.
Dự án Đường vành đai 4 - TP HCM đoạn qua TP HCM dài khoảng 17 km, qua huyện Củ Chi, Nhà Bè, với điểm đầu tại cầu Phú Thuận (thị xã Bến Cát, Bình Dương); điểm cuối ở cầu Thầy Cai (huyện Đức Hòa, Long An).