Các địa phương cấm biển, hoãn họp, di dân…ứng phó bão Tem-bin

Google News

(Kiến Thức) - Để ứng phó bão Tembin (bão số 16) có khả năng đổ bộ đất liền, các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão đang thực hiện nhiều biện pháp.

Hoãn họp, cấm biển ...ứng phó bão
Thông tin mới nhất liên quan công tác ứng phó bão Tem-bin (Việt Nam gọi là bão số 16), di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng hầu hết khu vực quần đảo Trường Sa và khu vực Nam Bộ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai vừa có công điện hỏa tốc chỉ đạo ứng phó với bão.
Theo đó, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố từ Quảng Nam đến Bình Thuận và các tỉnh Nam Bộ cùng các Bộ ngành tăng cường cập nhật thông tin, tiếp tục kiểm đếm các tàu thuyền, quản lý chặt chẽ việc ra khơi, giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão…
 Hướng di chuyển của bão Tembin.
Rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người dân trên đảo, nhà giàn, giàn khoan giàu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển, trên cù lao đang có nguy cơ sạt lở mạnh, vùng thấp trũng do ảnh hưởng của triều cường. Kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm, đặc biệt với các xã đảo, huyện đảo như Trường Sa, Côn đảo.
Kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tại bến, khu vực neo đậu quanh các đảo, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản. Thực hiện cấm biển chậm nhất trước 16h ngày 23/12. Hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để ứng phó bão.
Triển khai rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, các điểm sạt lở bờ sông, công trình đang thi công; kiểm tra hướng dẫn chằng chống nhà cửa kho tàng hệ thống lưới điện; khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu…
Bộ Ngoại giao có công hàm gửi Đại sứ quán các nước trong khu vực đề nghị giúp đỡ các ngư dân, tàu cá Việt Nam vào tránh trú bão, các Bộ ngành khác theo chức năng nhiệm vụ lên kế hoạch cụ thể phối hợp với chính quyền địa phương tổng rà soát các phương án cụ thể để chủ động xử lý các tình huống trước, trong và sau bão.
Riêng đối với huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu),… đề nghị UBND các tỉnh cần rà soát và triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch và tàu thuyền.
Các tỉnh khẩn trương di dân, ứng phó bão
Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương triển khai các phương án ứng phó bão.
Tính đến 7h00 ngày 23/12/2017, có 08 tỉnh/thành ven biển: Quảng Ngãi, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau đã ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ban ngành cùng chính quyền địa phương triển khai một số công việc chủ động ứng phó với bão;
Các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đã lên phương án di dời, sơ tán 234.222 hộ/949.460 nhân khẩu đến nơi an toàn.
 Tỉnh Bà rịa - Vũng tàu họp ứng phó bão.
Tại Tiền Giang, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu ban chỉ huy phòng chống thiên tai từ tỉnh đến các địa phương phải trực và triển khai cấp bách biện pháp ứng phó.
Tỉnh Tiền Giang hiện đã chỉ đạo 119.232 cơ quan, trường học tại các địa phương để làm nơi tránh trú bão cho người dân vùng bị ảnh hưởng. Huy động 11.400 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ứng phó bão Tembin.
Tại TP.HCM, UBND TP HCM đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng cùng với UBND huyện Cần Giờ, Sở NN&PTNT thực hiện phương án bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền đang đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.
Các đơn vị theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của cơn bão Tembin, sử dụng tất cả các phương tiện thông tin và truyền thông để thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, tốc độ, hướng di chuyển, diễn biến của bão, kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; duy trì thông tin, liên lạc với các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, đặc biệt là các tàu đánh bắt xa bờ cho đến khi tàu vào bờ neo đậu an toàn.
UBND TP HCM cũng yêu cầu các quận huyện, phường xã, thị trấn triển khai ngay phương án chi tiết, huy động vật tư, phương tiện, các lực lượng giúp nhân dân chằng chống nhà cửa chắc chắn trước cơn bão, đặc biệt là khu vực ven biển, ven sông, các vùng trũng thấp, bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm; chuẩn bị ngay phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn, bảo đảm cung cấp các dịch vụ hậu cần trước hết là lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, ánh sáng, thuốc men, phòng ngừa dịch bệnh tại nơi tạm cư.
Tại Bà Rịa - Vùng Tàu, PCT UBND tỉnh Bà Rịa Vùng Tàu cho biết, tỉnh đã ra công điện khẩn số chỉ đạo về việc triển khai công tác phòng, chống lụt bão do bão số 16 gây ra.
Ngay chiều ngày 22/12, tỉnh này đã cấm tất cả tàu thuyền không cho ra khơi. Tính đến 5h30 ngày 23/12, có 5.930 tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Bà Rịa - Vùng Tàu trong đó đã có 4.252 tàu với 1.9773 ngư dân đã vào bờ. Hiện vẫn còn 1.475 tàu thuyền đang đánh bắt trên biển với 1.650 ngư dân chưa vào bờ. Tỉnh cũng đã lên kế hoạch, sáng 24/12, sẽ tiến hành sơ tán 78.000 dân ở khu vực ven biển các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức, Côn Đảo, TP. Vũng Tàu vào khu vực an toàn.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)