Bão số 16 được dự báo là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và còn diễn biến phức tạp, có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền trong thời điểm triều cường, gây ảnh hưởng trực tiếp một số tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.
Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của bão Tembin gần Biển Đông, sáng 23/12, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến ứng phó với bão Tembin. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì.
|
Bão Tembin được dự báo là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và còn diễn biến phức tạp. |
Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thông tin, dự báo, đêm 25 - rạng sáng 26/12 bão số 16 (tên quốc tế bão Tembin) sẽ đổ bộ vào khu vực Nam Bộ, vùng ảnh hưởng lớn từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Kiên Giang. Khi vào bờ, bão Tembin được dự báo ở cấp 10-11, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng lưu ý, trong trường hợp xấu, khi vào bờ, bão duy trì ở cấp 12, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 5- đây là cấp độ cảnh báo rất nguy hiểm.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, nhận định đây là cơn bão mạnh đổ bộ vào Nam Bộ, một số địa phương còn chủ quan, kinh nghiệm ứng phó hạn chế.
|
Hội nghị trực tuyến ứng phó bão Tembin sáng nay. |
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 7h ngày 23/12/2017, có 8 tỉnh/thành ven biển: Quảng Ngãi, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau đã ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ban ngành cùng chính quyền địa phương triển khai một số công việc chủ động ứng phó với bão số 16.
Các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đã lên phương án di dời, sơ tán 234.222 hộ/949.460 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, bão số 16 di chuyển rất nhanh khi vào biển Đông. Trong khi đó, Nam Bộ là khu vực dễ tổn thương, ngư trường hoạt động rầm rộ nhất, địa hình bằng phẳng. Các công trình dân sinh, nhà cửa của người dân không đủ sức chống chọi với cường độ mạnh của bão.
Bộ trưởng Cường đề nghị các Bộ, ngành địa phương, các đơn vị liên quan cần tuyệt đối không được chủ quan, phải chủ động ứng phó với bão; lên các phương án, kịch bản ứng phó trước khi bão đổ bộ.
Báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến 6h ngày 23/12/2017, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 68.999 phương tiện/339.839 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Hiện không còn phương tiện nào hoạt động trong phạm vi từ Vĩ độ 4,0 – 7,0 độ Vĩ Bắc và phía Đông Kinh tuyến 102 – 107 độ Kinh Đông.
"Chúng tôi đã huy động 137.799 cán bộ, chiến sĩ với 4.429 phương tiện các loại để cùng với nhân dân ứng phó với bão Tembin sắp đổ bộ. Trong điện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng đã yêu cầu các đơn vị sẵn sàng phương tiện ứng phó, nhất là việc chằng chống nhà cửa, đề nghị các địa phương chú ý" - đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết.