Vụ việc gia đình anh Đinh Đức Sơn, xã Cự Đồng (huyệnThanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) phát hiện có thuốc trừ cỏ trong bể nước nghi có người đầu độc đang thu hút sự chú ý của dư luận, nhất mới đây, ngày 25/7, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã trả kết quả xét nghiệm mẫu nước trong bể của gia đình anh Đinh Đức Sơn cho thấy, mẫu nước trong bể dương tính với chất Paraquat trong thuốc bảo vệ thực vật.
Dư luận đặt ra câu hỏi, đối tượng bỏ thuốc trừ cỏ vào bể nước sinh hoạt của gia đình anh Sơn phạm tội gì theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh – Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu nước lấy trong bể của gia đình anh Đinh Đức Sơn dương tính với chất Paraquat. Như vậy, ban đầu thấy bể nước sinh hoạt của gia đình anh Sơn đã bị đối tượng đầu độc có thể do xuất phát mâu thuẫn cá nhân nên thù tức lén bỏ thuốc diệt cỏ vào bể nước.
|
Anh Đinh Đức Sơn đứng cạnh bể nước bị đầu độc bằng thuốc diệt cỏ. |
"Paraquat thuộc nhóm chất diệt cỏ tác dụng nhanh và không chọn lọc, có tác dụng ăn mòn, phá hủy các tế bào như phổi, thận, gan, tim… Dù thuốc diệt cỏ Paraquat thuộc loại thuốc diệt cỏ rẻ tiền, không ảnh hưởng đến môi trường nhưng đối với con người lại cực kỳ nguy hiểm. Chỉ cần uống phải 10 - 15ml paraquat có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Do vậy, tỉ lệ tử vong của ngộ độc paraquat rất cao, trung bình từ 70 - 90%", Luật sư Thơm cho biết.
Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, để có căn cứ xử lý đối tượng gây ra, Cơ quan điều tra cần trưng cầu giám định mẫu nước bị nhiễm độc chất paraquat có gây nguy hiểm đến tính mạng con người hay không.
Trường hợp, nếu Cơ quan giám định trong tố tụng hình sự kết luận với mẫu nước nhiễm độc chất paraquat khi sử dụng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng thì đối tượng nào thực hiện hành vi đó sẽ bị xử lý về tội Giết người.
"Xét hành vi của đối tượng, nếu chỉ do mâu thuẫn trong sinh hoạt mà bực tức trả thù lén bỏ thuốc diệt cỏ paraquat vào bể nước sinh hoạt của gia đình anh Sơn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm L, n khoản 1 Điều 123 BLHS", Luật sư Thơm nhận định.
Luật sư Thơm cho rằng, trong trường hợp cơ quan chuyên môn xác định mẫu nước nhiễm độc chất paraquat gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (không gây chết người) thì đối tượng có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác được qui định tại Điều 134 BLHS.
"Tỷ lệ tổn hại sức khỏe của những người trong gia đình anh Sơn (nếu có) sẽ là căn cứ xử lý đối tượng tương ứng theo quy định tại Điều 134 BLHS. Nếu hậu quả chưa xảy ra do được phát hiện ngăn chặn và không ai bị tổn hại sức khỏe (không có tỷ lệ % tổn hại sức khỏe) thì không có căn cứ xử lý hình sự đối tượng", Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho hay.
Luật sư Thơm cho rằng, dù hành vi của đối tượng chưa cấu thành tội phạm nhưng đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn nên cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hành chính theo điểm e, khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi "Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác".
Trước đó, ngày 14/7, gia đình anh Đinh Đức Sơn luộc rau thì phát hiện rau đổi màu. Do chủ quan nên anh Sơn không để ý và vẫn sử dụng bình thường, chiều cùng ngày sau khi ngủ dậy anh uống nước thì anh lại thấy nước có màu lạ nên bảo vợ đi kiểm tra nguồn nước. Đi kiểm tra nguồn nước, vợ anh Sơn giật mình vì thấy lọ thuốc trừ sâu trong bể.
Chiều hôm đó, vợ anh Sơn có biểu hiện bị ngộ độc như: đau bụng và váng đầu còn anh Sơn thì bị nôn khan. Con trai anh Sơn cũng có dấu hiệu tương tự nên được đưa đến bệnh viện Nhi Trung ương để kiểm tra sức khỏe. Sự việc ngày sau đó được gia đình nạn nhâ trình báo cơ quan công an địa phương.
Ngày 25/7, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã trả kết quả xét nghiệm mẫu nước trong bể của gia đình anh Đinh Đức Sơn, xã Cự Đồng, (huyệnThanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). Kết quả cho thấy, mẫu nước trong bể dương tính với chất Paraquat trong thuốc bảo vệ thực vật. Như vậy, đã có căn cứ để khẳng định nguồn nước của gia đình anh Sơn đã bị kẻ xấu bỏ thuốc trừ cỏ.
Liên quan vụ việc trên, cơ quan công an huyện Thanh Sơn đã mời người khả nghi lên làm việc tuy nhiên chưa đủ chứng cứ để đưa ra kết luận.
Anh Đinh Đức Sơn cho biết, từ khi có kết quả xét nghiệm mẫu nước anh càng thêm lo lắng bởi vợ anh vẫn bị tức ngực, khó thở sau khi về nhà. Trong một vài ngày tới, anh Sơn sẽ đưa vợ đi kiểm tra lại tại bệnh viện.
Anh Sơn cũng cho biết, cách đây khoảng 4 tháng gia đình anh Sơn cũng đã phát hiện 2 gói thuốc bảo vệ trong bể nước khiến các con nhỏ bị ngộ độc.