Hợp đồng chưa ráo mực đã vội sang tay
Theo Kết quả điều tra của Công an tỉnh Hoà Bình liên quan đến sự cố chạy thận làm 8 người tử vong ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình: Ngày 25.5, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình ký hợp đồng với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (do ông Đỗ Anh Tuấn làm giám đốc). Hợp đồng được ký kết với nội dung, cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 cho máy chạy thận Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, cụ thể: Cát thạch anh, sỏi đỡ, than hoạt tính Norit, hạt nhựa Cation làm mềm nước, van inox 3x4 loại cửa mở, màng RO 404AG 90, bộ đèn UV dưới nước, khởi động từ MC22A LS, tiệt trùng hệ thống nước và xét nghiệm kiểm tra sinh hoá tiêu chuẩn AAMI...
Để thực hiện hợp đồng trên, ngay trong ngày 25.5, Công ty Thiên Sơn đã ký hợp đồng số 05/2017 với Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh (do ông Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc), với nội dung bán, lắp đặt, thay thế vật liệu lọc RO số 2 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, với các danh mục nêu trên.
Nghiên cứu kỹ nội dung này, tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp (Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) nhận định, có nhiều dấu hiệu bất thường trong 2 bản hợp đồng này.
Theo ông Thiệp, thứ nhất, có hay không 2 doanh nghiệp trên là “sân sau” của lãnh đạo bệnh viện khi những bản hợp đồng nhanh chóng được thông qua. Bên cạnh đó, luật sư cũng đặt ra hoài nghi: “Công ty dược phẩm trúng thầu Thiên Sơn có đủ năng lực trúng thầu hay không? Nếu có năng lực, sao chưa triển khai đã vội vã sang tên cho bên thứ ba. Có hay không câu chuyện thông thầu giữa lãnh đạo bệnh viện và các doanh nghiệp?”.
Luật sư Thiệp ví von: “Câu chuyện bán thầu vội vã ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình giống như việc một võ sĩ quyền anh nhận tham gia giải đấu, nhưng đến lúc thượng đài, võ sĩ này lại nhờ ông bạn hàng xóm lên đấm đá hộ mình. Đây là điều vô lý, bất thường, bởi nó liên quan trực tiếp đến nhân thân, năng lực từng doanh nghiệp ở lĩnh vực chuyên môn cụ thể”.
Với chi tiết rất quan trọng này, luật sư Thiệp cho rằng, cần xem xét lại toàn bộ hồ sơ chứng minh năng lực của 2 doanh nghiệp đã trúng thầu liên quan đến quá trình chạy thận của bệnh viện. Ngoài ra, cần điều tra toàn bộ quy trình đấu thầu, ký kết giữa lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình với các doanh nghiệp trúng thầu.
"Theo quy định của hệ thống pháp luật về đấu thầu, nội dung quan trọng nhất chính là chứng minh năng lực nội tại, có đủ khả năng đảm trách những nội dung trong hợp đồng thầu, chứ không phải ký bừa hợp đồng rồi lập tức sang tên cho bên thứ ba làm thay nhiệm vụ của mình. Bởi nếu như vậy, rõ ràng quy trình đấu thầu là có vấn đề" - luật sư Thiệp nói thêm.
Sai phạm của “bên thứ ba”
Với 2 bản hợp đồng vội vã nói trên, ngay khi đi vào hoạt động, bên thứ ba đã lập tức có hành vi vi phạm nghiêm trọng chuyên môn.
Cụ thể, theo kết quả điều tra, cơ quan chức năng xác định Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh), có ngành nghề đăng ký kinh doanh “thoát nước và xử lý nước thải...” đã có những sai phạm trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO.
Theo đó, ông Quốc đã sử dụng hoá chất a xít clohydric (HCL) và a xít flohydric (HF) để sục rửa, do cẩu thả nên sau khi sục rửa quên xả 2 đầu vào máy, gồm 1 van đầu vào máy lọc thận ở phòng hành chính và 1 van đầu vào máy lọc thận ở phòng lọc máu số 2. Bởi lẽ đó, đã làm tồn dư hoá chất có hàm lượng lớn trong các đường ống nước dẫn vào máy lọc thận.
Sau khi sửa chữa, khử trùng hệ thống lọc nước RO số 2 chưa kiểm định mẫu nước, mặc dù chưa biết nước đã đạt tiêu chuẩn hay chưa và nhận thức được hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra đối với người bệnh nhưng vẫn bàn giao cho Trần Văn Sơn là cán bộ vật tư của bệnh viện để đưa vào sử dụng.
Với sai phạm này, ông Quốc bị xem xét hành vi của tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, quy định tại Điều 99 Bộ luật Hình sự.
Ngày 29/5, xảy ra sự cố y khoa tại Khoa điều trị tích cực đơn nguyên thận nhân tạo thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, làm 18 người hôn mê, sau đó 8 người tử vong. Quá trình thu thập tài liệu, nhận thấy dấu hiệu của tội phạm hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hoà Bình đã khởi tố vụ án vào ngày 30/5, với các hành vi: Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, theo quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự. Sau đó, cơ quan điều tra đã khởi tố 3 bị can (1 cán bộ vật tư, 1 bác sĩ và 1 giám đốc công ty xử lý nước). Đối với Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) bị khởi tố về hành vi vô ý làm chết người, quy định tại Điều 99 Bộ luật Hình sự.