Theo thống kê, cả nước có hơn 4000 điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Trước mức phổ điểm cao hơn hẳn so với những năm trước đây, nhiều thí sinh không khỏi lo lắng. Đinh Thị Lý (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), có mức điểm xét tuyển CĐ-ĐH theo tổ hợp là 24,35 nhưng cũng không khỏi lo lắng khi xem phổ điểm của kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
“Em đăng ký vào ngành Quản trị kinh doanh của ĐH Thương Mại và một nguyện vọng khác cùng ngành của Học viện Tài chính. Em hy vọng mình có thể đỗ ĐH Thương mại, tuy nhiên so sánh với mức điểm năm ngoái là 21,75, em vẫn cảm thấy rất run”.
|
Nhiều thí sinh không khỏi băn khoăn trước phổ điểm cao của kỳ thi THPT quốc gia 2017. (Ảnh minh họa)
|
Được 28,5 điểm 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh, Trần Minh Trí (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn thấp thỏm lo âu khi nộp hồ sơ vào khoa Kinh tế quốc tế của ĐH Ngoại thương. Để “chắc ăn”, nam sinh đang nghiên cứu điểm sàn các năm trước của một số trường khác như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương Mại để đăng ký bổ sung, nâng cao cơ hội trúng tuyển vào các ngành yêu thích.
Không chỉ thí sinh, mà phụ huynh cũng đứng ngồi không yên khi chứng kiến “cơn mưa điểm 10” chưa từng có. Có con thi được 24,5 điểm, đăng ký nguyện vọng ưu tiên số 1 vào khoa Công nghệ thông tin của Học viện Bưu chính viễn thông, chị Trần Thị Thành (Thanh Xuân, Hà Nội) lo lắng: “Mức điểm cao như năm nay thì khó mà đỗ được, năm ngoái khoa này lấy 23,75. Gia đình cũng đang tư vấn cho cháu nên điều chỉnh nguyện vọng sang một số trường có mức điểm thấp hơn, thậm chí dự trù thêm cả cao đẳng, nhưng vẫn là ngành Công nghệ thông tin để phù hợp với sở thích và năng lực của cháu”.
Thí sinh nên đăng ký theo phổ rộng
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cho biết để áng chừng được mức điểm chuẩn của các trường 2017 và đưa ra quyết định đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng sao cho phù hợp, thí sinh cần nghiên cứu kỹ phổ điểm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố cũng như điểm chuẩn những năm trước của các trường.
Riêng đối với các thí sinh xét tuyển vào trường ĐH Quốc gia Hà Nội, sẽ khó khăn hơn trong việc dự đoán mức điểm chuẩn vào các khoa trong trường. Năm 2015, 2016, ĐH Quốc gia Hà Nội đều dùng bài thi Đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào, vì vậy thí sinh sẽ không có cơ sở để so sánh điểm chuẩn. Đây là nhận định của thầy Nguyễn Trung Hiển, Trưởng bộ phận tuyển sinh, Khoa Quốc tế, ĐHQG Hà Nội. Thầy Hiển cho rằng: “Hiện tại, khó có thể đưa ra dự đoán về mức điểm chuẩn vào trường. Thí sinh chỉ có thể căn cứ vào điểm những năm trước để dự đoán mức điểm chuẩn vào các trường. Khi Bộ chưa chạy phần mềm lọc ảo, ngay cả những trường lớn cũng rất khó đưa ra dự đoán. Hiện nay thí sinh đang trong giai đoạn điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, nên những dữ liệu đăng ký từ tháng 4 sẽ không chính xác nữa”.
Tư vấn cho thí sinh về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Thủy lợi cho biết với phổ điểm khá cao như năm nay, đặc biệt tập trung vào các khối D1, A, C, sẽ thuận lợi hơn cho các trường top trên. Với mức điểm như vậy sẽ đẩy điểm chuẩn của các khối ngành “hot” trong các trường top trên lên cao hơn so với năm ngoái. Đối với các trường top giữa hay top dưới mức điểm sẽ không có nhiều biến động so với những năm trước.
Riêng với ĐH Thủy lợi, PGS.TS Tuấn Anh dự đoán mức điểm chuẩn vào trường sẽ tăng thêm từ 1-2 điểm. Trường dành 20% chỉ tiêu cho tuyển thẳng các thí sinh đạt giải nhất, nhì trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Trong trường hợp có nhiều thí sinh có số điểm bằng nhau, vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh, trường sẽ lấy điểm môn Toán để làm chỉ tiêu phụ xét tuyển.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh cũng lưu ý thí sinh nên tìm hiểu kỹ về các ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực; cơ hội việc làm, điều kiện gia đình, điểm chuẩn các năm để có thể lựa chọn nghề nghiệp và điều chỉnh nguyện vọng phù hợp. “Để có thêm cơ hội trúng tuyển, các thí sinh nên đăng ký nguyện vọng theo phổ rộng. Các em nên lựa chọn theo 3 nhóm trường, thứ nhất là các trường các em yêu thích, nhưng mức điểm có thể hơi cao một chút, thứ 2 là trường có mức điểm vừa sức và dự phòng những trường có mức điểm thấp hơn để chắc đỗ”, PGS, TS Tuấn Anh khuyên.
Nói về việc lựa chọn nghề, TS Phan Thanh Đức, Trưởng khoa Hệ thống thông tin quản lý, Học viện Ngân hàng cho rằng: “Các em đang đứng trước một sự lựa chọn lớn lao. Các em cần biết rằng các em sẽ sống chung với ngành đó trong 4-5 năm nữa và lựa chọn công việc cho 4-5 năm sau chứ không phải hôm nay. Sự vận động của xã hội, phát triển của khoa học có thể khiến những ngành nghề truyền thống đang “hot” tại thời điểm này, nhiều người lao vào có thể dư thừa rất lớn trong những năm tới”. Do đó TS Đức cho rằng, không chỉ đơn giản là chuyện trượt hay đỗ ĐH, mà thí sinh cần đặc biệt lưu ý đến cơ hội việc làm sau khi ra trường.