TAND TP Hà Nội đang xét xử sơ thẩm vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán”, liên quan nhóm bị can Đỗ Thành Nhân, cựu Chủ tịch Louis Holdings và Đỗ Đức Nam, Phạm Thanh Tùng tại Công ty CP Chứng khoán Trí Việt. Dư luận đặt câu hỏi, bao giờ đến lượt vụ án Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, thao túng thị trường chứng khoán?
PV Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, liên quan vấn đề này.
Không chỉ là xét xử đúng người, đúng tội
Việc khởi tố, truy tố, xét xử các đại án lớn như Louis Holdings, FLC… thể hiện sự quyết liệt trong minh bạch thị trường đầu tư, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, ông có suy nghĩ thế nào?
Không phải chỉ Louis Holdings, FLC mà còn nhiều doanh nghiệp khác như Vạn Thịnh Phát gian dối trong phát hành, mua bán trái phiếu chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng. Những hành vi của các doanh nghiệp này khiến hàng chục nghìn người đang lao đao vì bị lừa đảo. Các nhà đầu tư tin tưởng, gửi tiền vào đầu tư chứng khoán, cổ phiếu tại những tập đoàn, công ty này nhưng cuối cùng không nhận được tiền lãi, không lấy lại được vốn. Có thể nói, các doanh nghiệp trên làm ăn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người dân, nhà đầu tư.
Cơ quan tư pháp, bảo vệ pháp luật đã và đang vào cuộc điều tra những vụ án trên, truy tố, xét xử, thi hành án. Những động thái đó thể hiện sự quyết liệt trong việc minh bạch thị trường, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, hàng năm nay, các nhà đầu tư đã khốn khó, càng hy vọng càng thất vọng. Vấn đề không chỉ xét xử, tuyên án các bị cáo bao nhiêu năm tù, mà quan trọng hơn phải xử lý thế nào để thu hồi, phát mại tài sản để có tiền trả cho người dân đã mua chứng khoán, đầu tư vào doanh nghiệp của họ.
|
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội |
Điều tra vụ FLC cần thời gian nhưng cần đẩy nhanh tiến độ
Cùng là thao túng thị trường chứng khoán như vụ Louis Holdings, hơn một năm trôi qua, cơ quan điều tra vào cuộc nhưng vụ án FLC chưa đưa ra xét xử... vì sao?
Cơ quan chức năng cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật phải có trách nhiệm rất lớn trong việc này. Tuy nhiên, cũng phải thông cảm, bởi các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử cũng cần có thời gian nhất định. Nguyên tắc về pháp lý là không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội, buộc điều tra thật kỹ lưỡng và đưa ra các kết luận chính xác.
Người dân rất sốt ruột, mong rằng các cơ quan điều tra, cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc thật nhanh để đỡ sống thấp thỏm, chờ đợi. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng cũng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử; nếu chậm, sẽ gây thêm hệ lụy và thiệt thòi vẫn là người dân, nhà đầu tư và cổ đông.
- Vụ Louis Holdings, FLC rồi các đại án khác… trách nhiệm còn thuộc về những cơ quan nào?
Vẫn trong quá trình điều tra vụ án, tuy nhiên tôi thấy quan trọng nhất là khâu quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp kêu gọi đầu tư, nhưng lại không mang lại quyền lợi cho nhà đầu tư mà lợi dụng, chiếm đoạt vốn. Khi các doanh nghiệp có dấu hiệu, lẽ ra cần thanh tra, kiểm tra, giám sát và cảnh cáo để không gây ra những hệ lụy hiện nay.
Do quản lý nhà nước chưa làm được, các tập đoàn, công ty lún sâu vào hành vi phạm pháp, đến giờ thậm chí không có khả năng trả nợ. Và đối tượng lãnh hậu quả là nhà đầu tư.
Xác định thiệt hại vụ án FLC
Theo tài liệu điều tra, từ năm 2014 đến năm 2016, thông qua việc tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros và khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung đã bán, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Cơ quan điều tra xác định, tính đến ngày 24/2/2021, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do Quyết nhờ đứng tên), thu được tổng cộng 6.412 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.
- Nhà đầu tư "thoi thóp" chờ diễn biến cổ phiếu hệ FLC và động thái của nhà quản lý... có hy vọng lấy lại phần nào vốn không?
Tôi cũng nhận được một số ý kiến của các nhà đầu tư, cổ đông. Họ mong lấy lại số vốn đầu tư bỏ ra, chưa cần tính đến lãi lời.
Các cơ quan tiến hành tố tụng cần khẩn trương, có những giải pháp phù hợp để thực hiện mong mỏi, nguyện vọng chính đáng của các nhà đầu tư và của người dân!
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi trên!
FLC hiện thế nào?
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết vướng lao lý, tất cả các doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC bị suy sụp. Ngày 14/3, cổ phiếu cuối cùng “họ FLC” là KFL của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS bị HNX đình chỉ giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022. Cho đến nay "họ FLC” không còn mã nào được giao dịch trên thị trường niêm yết. Các mã như HAI, ART, GAB… đã bị đình chỉ giao dịch trước đó. Trong đó, gần 710 triệu cổ phiếu FLC bị HOSE quyết định huỷ niêm yết từ ngày 20/2 do doanh nghiệp này "vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin". Còn 568 triệu cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros bị HOSE hủy niêm yết từ ngày 5/9/2022.
Mới đây, HĐQT Tập đoàn FLC đã thông qua toàn văn dự thảo hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng 400 triệu cổ phần của Bamboo Airways, mà FLC đang sở hữu cho ông Lê Thái Sâm, Thành viên HĐQT; đổi lại là thanh lý toàn bộ nợ. Ông Sâm sẽ tài trợ không hoàn lại cho công ty một khoản tiền để thực hiện các nghĩa vụ tài chính đến hạn hoặc giải chấp các tài sản đang được cầm cố, thế chấp.
Cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân: “Tôi không biết gì về chứng khoán”
Theo cáo trạng trong 9 tháng, từ ngày 4/1/2021 đến ngày 6/10/2021, Đỗ Thành Nhân sử dụng 20 tài khoản chứng khoán đứng tên Nhân và các cá nhân là người thân, nhân viên để làm giá cổ phiếu BII và TGG. Ngoài ra, ông Nhân còn lập group “Louis Family” trên mạng xã hội Facebook với hơn 10.000 người tham gia rồi đăng bài hô hào. Ngay sau khi cổ phiếu lập đỉnh, các bị cáo lập tức thực hiện lệnh bán để thu lời bất chính hơn 153 tỷ đồng.
|
Đỗ Thành Nhân bị lực lượng chức năng dẫn giải tới tòa. |
Tại tòa, trả lời về hành vi lập nhiều tài khoản và mua bán chéo, tạo giá mở cửa/đóng cửa mới để thổi giá mã TGG, BII lên 30-40 lần, bị cáo Đỗ Thành Nhân khai: “Trước đây bị cáo nghĩ không phải là vi phạm, đến khi bị cơ quan điều tra khởi tố, bị cáo mới biết là vi phạm pháp luật”.
Ông Nhân đề nghị xem xét lại vai trò chủ mưu cầm đầu của bị cáo, đồng thời cho rằng bản thân không phải là người khởi xướng, không biết gì về chứng khoán, bị lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn cho vay.
>>> Mời độc giả xem thêm video Phạt vi phạm chứng khoán 3 tỷ đồng vẫn còn nhẹ?