Viện KSND huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) đã thống nhất với Công an huyện thả đối tượng Nguyễn Đình Ch. (SN 1978) sau 9 ngày tạm giữ để điều tra về hành vi xâm hại cháu gái 10 tuổi.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Viện KSND huyện Buôn Đôn cho biết, việc thả đối tượng này là căn cứ vào khoản 2, điều 119 BLHS và thấy không đủ căn cứ để tạm giam đối tượng.
“Luật quy định phải tội từ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng mới bắt giam. Đối tượng Ch. đã thừa nhận hành vi phạm tội, có khung hình phạt từ 2 đến 7 năm. Khung trên 7 năm mới tạm giam được”, đại diện Viện KSND huyện Buôn Đôn cho biết.
Đáng chú ý, đại diện Viện KSND huyện Buôn Đôn cho rằng, hiện tại chưa cần thiết phải đưa cháu N (bé gái nghi bị xâm hại) đi giám định.
“Mai kia chúng tôi đưa cháu gái đi giám định để xác định đối tượng phạm tội dâm ô, hay hiếp dâm. Việc giám định trước hay sau là chuyện thường tình. Viện và Công an đã thống nhất Khởi tố vụ án và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với đối tượng Ch.”, đại diện Viện KS nói.
|
Ảnh minh họa. |
Trước đó, ngày 11/1 vừa qua, chị Đ.T.M.D (SN 1989, trú tại TP Buôn Ma Thuột) đưa con gái của mình là cháu P.K.N (SN 2010) đến chơi tại nhà mẹ đẻ của chị ở xã Ea Ba, huyện Buôn Đôn. Tuy nhiên, sau đó mẹ đẻ chị D phát hiện con rể là Nguyễn Đình Ch có hành vi xâm hại bé N. Trong clip gia đình quay lại, Ch. thừa nhận hành vi của mình. Vụ việc sau đó khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đang diễn biến hết sức phức tạp, số lượng vụ án, số đối tượng xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng, việc phát hiện đấu tranh với loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn khiến cho dư luận xã hội hoang mang, lo lắng. Bởi vậy, việc đấu tranh với loại tội phạm này cần phải quyết liệt hơn để đảm bảo an toàn xã hội và bảo vệ quyền trẻ em theo quy định pháp luật.
Theo thông tin ban đầu thì cơ quan điều tra đã khởi tố đối tượng Nguyễn Đình Ch về tội dâm ô với trẻ em và đã tiến hành bắt tạm giữ khẩn cấp đối tượng. Tuy nhiên sau 9 ngày, cơ quan công an áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra nếu có căn cứ cho thấy hành vi của đối tượng không chỉ nhằm thỏa mãn tình dục mà còn có mục đích giao cấu với nạn nhân sẽ chuyển tội danh sang tuổi hiếp dâm.
Đồng thời có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam hoặc trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng sẽ cản trở hoạt động điều tra, đe dọa người làm chứng, có khả năng tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn... thì dù khởi tố về tội dâm ô với trẻ em, vẫn có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam.
Biện pháp này được quy định tại điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Cụ thể, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
Theo quy định tại điều 9 Bộ luật hình sự: Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 7 năm tù đến 15 năm tù.
Điều 146 Bộ luật hình sự thì tội dâm ô với người dưới 16 tuổi có 3 mức hình phạt là 6 tháng đến 3 năm tù; từ 3 đến 7 năm tù và từ 7 năm đến 12 năm tù. Như vậy mới tội dâm ô với người dưới 16 tuổi thì có trường hợp thuộc tội ít nghiêm trọng, có trường hợp thuộc tội nghiêm trọng, có trường hợp thuộc tội rất nghiêm trọng theo quy định tại Điều 9 Bộ luật hình sự.
Theo quy định tại điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự thì với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng (hình phạt dưới 7 năm tù) thì không bắt buộc áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp sau:
Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 2 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định, đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:
Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; Tiếp tục phạm tội; Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;
Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Như vậy, việc cơ quan tiến hành tố tụng có áp dụng biện pháp tạm giam với đối tượng này hay không phụ thuộc vào hành vi của đối tượng này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3 điều 146 Bộ luật hình sự với mức hình phạt có thể lên đến 12 năm tù hay không.
Nếu hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi mà xảy ra một trong hai trường hợp dẫn đến hậu quả gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì đối tượng thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 7 đến 12 năm tù theo quy định tại khoản 3 điều 146 bộ luật hình sự, trong tình huống này thì cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giam theo quy định tại điều 119 bộ luật tố tụng hình sự.
Ngoài ra, nếu áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng bị can có hành vi cản trở hoạt động điều tra, xóa dấu vết, đe dọa người làm chứng, có nguy cơ tiếp tục phạm tội hoặc có hành vi thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn từ cấm đi khỏi nơi cư trú sang biện pháp tạm giam để đảm bảo an toàn cho xã hội và để phục vụ công tác điều tra vụ án.
Luật sư Cường cho rằng, tội dâm ô với người dưới 16 tuổi và tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi khác nhau ở yêu tố chủ quan, đối tượng có mong muốn thực hiện hành vi quan hệ tình dục hay không.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy ngoài hành vi để thỏa mãn tình dục, đối tượng còn có ý định thực hiện hành vi quan hệ tình dục (có thể là chưa thực hiện được hết hành vi) vẫn có thể xử lý đối tượng này về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và hình phạt của tội danh này là hết sức nghiêm khắc, trong trường hợp này thì cơ quan điều tra có căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giam.
Nói về việc đại diện Viện KSND huyện Buôn Đôn cho rằng, hiện tại chưa cần thiết phải đưa cháu N (bé gái nghi bị xâm hại) đi giám định, Luật sư Cường nêu ý kiến, đối với các vụ án xâm phạm tình dục, việc giám định cho nạn nhân là hết sức cần thiết đặc biệt là với những vụ án hiếp dâm. Việc chậm tiến hành thẩm định pháp y tình dục có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án, khó tìm được chứng cứ để đấu tranh với tội phạm.
Tuy nhiên nếu trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cho thấy đối tượng chưa xâm hại đến vùng kín, chưa gây tổn thương vùng kín của nạn nhân, việc giám định pháp y tình dục là không cần thiết.
Trường hợp bộ phận sinh dục (âm hộ, âm đạo) của nạn nhân bị tổn thương và lời khai của nạn nhân cho thấy đối tượng đã sử dụng dương vật hoặc dụng cụ tình dục để xâm hại đến phận sinh dục của nạn nhân thì cơ quan tiến hành tố tụng cần phải giám định pháp y tình dục sớm để thu thập được các chứng cứ dấu vết, đấu tranh với tội phạm.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện hoạt động tố tụng, thu thập chứng cứ không đầy đủ, thiếu trách nhiệm dẫn đến làm sai lệch hồ sơ vụ án, bỏ lọt tội phạm thì đại diện gia đình người bị hại và các cơ quan, tổ chức có liên quan, có thẩm quyền có quyền có văn bản kiến nghị, khiếu nại thậm chí tố cáo hành vi này để đảm bảo hoạt động tố tụng được diễn ra một cách công bằng, đúng pháp luật.
>>> Mời độc giả xem video Nghi án bé gái bị xâm hại, dọa giết: