Phát biểu khai mạc phiên chất vấn ngày 13/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, so với các phiên chất vấn trước đây, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV dành thêm nửa ngày chất vấn để đáp ứng nguyện vọng của cử tri, ĐBQH và nhân dân cả nước đối với nội dung này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tính đến hết ngày 12/6, đã có 86 phiếu chất vấn với 98 câu hỏi chất vấn của ĐBQH gửi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng VKS Nhân dân tối cao.
“Thông qua phiếu xin ý kiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhận được 145 vấn đề chất vấn của 42 đoàn ĐBQH được tổng hợp từ ý kiến các ĐBQH cùng với đó, theo báo cáo của UBTWMTTQ Việt Nam, Quốc hội đã nhận được 3288 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
|
Có 86 phiếu chất vấn với 98 câu hỏi gửi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.
|
“Đây là những cơ sở quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội lựa chọn những vấn đề cần đưa ra để ĐBQH tiến hành chất vấn. Tại kỳ họp này, Quốc hội lựa chọn 4 nhóm nội dung được đồng bào, cử tri cả nước quan tâm để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội cũng sẽ dành toàn bộ thời gian chiều 15/6, để chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các thành viên Chính phủ với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm để trực tiếp trả lời, cùng tham gia trả lời của các thành viên Chính phủ đối với những vấn đề chất vấn để làm rõ thêm nội dung của những vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Để hoạt động chất vấn đạt được hiệu quả, kết quả như mong muốn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, nằm trong nội dung của các nhóm vấn đề đã chọn, không đặt câu hỏi theo hướng tìm hiểu thông tin, kể tình hình, thời gian đặt câu hỏi tối đa không quá 2 phút để các thành viên Chính phủ trả lời trực tiếp vấn đề. Bên cạnh đó, trong phiên chất vấn, các ĐBQH có thể tranh luận, làm rõ vấn đề. Tuy nhiên, ĐBQH cũng cần nội dung cụ thể để tranh luận cho rõ ý.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ trả lời thẳng thắn, không né tránh, nêu rõ trách nhiệm, giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập để Quốc hội theo dõi giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, các Thành viên Chính phủ trước Quốc hội và nhân dân, cử tri cả nước.
“Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là hoạt động luôn được nhân dân và cử tri cả nước quan tâm. Đã có nhiều đổi mới tác động tích cực đến nhiều mặt, hoạt động công tác điều hành, quản lý của Chính phủ, các Bộ ngành đã góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập. Sau phiên chất vấn Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để ghi nhận các giải pháp những vấn đề đã hứa của các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.