Sáng nay, Bộ trưởng NN & PTNT đăng đàn trả lời chất vấn

Google News

(Kiến Thức) - Sáng 13/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường sẽ là người đầu tiên ”đăng đàn” trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Theo chương trình phiên chất vấn sáng 13/6, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn và Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Nguyễn Xuân Cường sẽ là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Trong quá trình Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ, Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).
Sang nay, Bo truong NN & PTNT dang dan tra loi chat van
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường sẽ là người đầu tiên”đăng đàn” trả lời chất vấn trước Quốc hội. 
Ba nhóm chủ đề mà Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sẽ trả lời chất vấn gồm: Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững; Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.
Báo cáo trả lời chất vấn tại kỳ họp 3, QH khóa XIV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đáng chú ý nhất là việc xác định 8 giải pháp đột phá nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020.
8 giải pháp đó tập trung vào việc: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất về tính tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu...; Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường...Tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý ngành từ trung ương đến địa phương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, để tạo được chuyển biến rõ rệt trong thực tế, cần triển khai đồng bộ cả 8 giải pháp trên, trong đó trọng tâm là phải hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng KHCN và đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất (đổi mới mô hình tăng trưởng) để tạo “đột phá” trong cơ cấu lại nông nghiệp.
Hướng đến mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt tối thiểu 3%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông nghiệp đạt trên 3,5%/năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp có chứng chỉ đào tạo tăng lên khoảng 22%; tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%;
Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; khoảng 1.800 trang trại được công nhận/năm; Thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp; tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 42%...
PV Kiến Thức sẽ tiếp tục cập nhật phiên chất vấn trên...
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)