35 giờ nỗ lực tìm thi thể 22 quân nhân đoàn 337

Google News

Hơn một tuần tham gia cứu hộ bão lũ tại huyện Hướng Hoá, 22 quân nhân đều ở lại Đoàn 337. Rồi cơn mưa lớn, ngọn núi vỡ đôi, tất cả họ bị chôn vùi dưới lớp đá và bùn lạnh lẽo.

1h ngày 18/10, ngọn núi sau lưng chỗ đóng quân của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) vỡ đôi. Đất đá ùn ùn đổ xuống, san phẳng dãy nhà có hàng chục người đang ngủ bên trong.
Anh Phạm Tấn An cùng 4 người khác may mắn thoát nạn. 22 cán bộ, chiến sĩ còn lại bị vùi lấp.
14h30 ngày 19/10, thi thể chiến sĩ cuối cùng thuộc Đoàn 337 được lực lượng cứu nạn đưa ra khỏi đống đổ nát, bùn lầy. Mọi hy vọng của người thân nạn nhân về một phép màu hoàn toàn vụt tắt.
Xuyên đêm hành quân đến hiện trường
Khu vực xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tập trung đông người dân tộc Vân Kiều. Nhiều năm nay, họ được Đoàn 337 hỗ trợ, giúp đỡ phát triển kinh tế, chăm lo cuộc sống.
Biến cố ập đến với 22 quân nhân đã từng gắn bó khiến đồng bào Vân Kiều đau xót. "Bộ đội bao đời nay giúp dân là thế cớ sao ông trời lại hại họ", một người dân thôn Cợp, xã Hướng Phùng, buồn bã.
Tờ mờ sáng 18/10, người dân thôn Cợp bị đánh thức bởi tiếng người hô hoán. Lúc này, nhiều người ở Đoàn 337 hớt hải tháo chạy.
Ngọn đồi Coọc Tạc phía sau những dãy nhà tiếp tục xuất hiện những tiếng nổ lớn rồi ào ào tuôn hàng tấn đất đá xuống chân núi khiến những người ở ngoài không thể tiếp cận ứng cứu.
35 gio no luc tim thi the 22 quan nhan doan 337
 Hàng trăm người được huy động tìm kiếm 22 thi thể cán bộ, chiến sĩ. Ảnh: P.T.

Giữa đêm tối, mưa càng nặng hạt ở Hướng Phùng, những người thoát ra liên tục điện đài báo cáo xin huy động lực lượng ứng cứu. Tuy nhiên, khu vực đường Hồ Chí Minh nhánh Tây vào Hướng Phùng, bị tắc nghẽn nhiều đoạn khiến việc tiếp cận hiện trường gặp khó khăn.
Gần sáng, tiếng máy móc ầm ầm, tiếng chân hành quân của từng đoàn bộ đội gấp rút tiến vào doanh trại Đoàn 337 để tìm kiếm người gặp nạn.
Là một trong những người có mặt sớm nhất tại Đoàn 337, thiếu tá Nguyễn Chí Hải, cán bộ Trung đoàn 52 thuộc Đoàn 337, vẫn chưa hết bàng hoàng với những gì đã chứng kiến khi tiếp cận hiện trường vào rạng sáng hôm đó.
"Trung đoàn cách vị trí sạt lở khoảng 8 km, hơn 30 anh em đi xe trong đêm đến hiện trường. Đi khoảng 5 km thì đường bị sạt ngang, 3 km còn lại phải đi bộ", ông Hải nhớ lại.
Khi đến hiện trường, thiếu tá Hải nhìn thấy ba dãy nhà bị đất đá cuốn phăng. Những người lính cố vào tìm kiếm đồng đội nhưng cứ chạy vào lại phải chạy ra vì núi tiếp tục sạt lở. Mưa to cùng với núi lở liên tục nên việc cứu hộ phải dừng lại chờ đến lúc trời sáng.
Cũng như thiếu tá Hải, anh Lê Văn Hoàng, quân nhân Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Trị, cùng hàng trăm chiến sĩ lên đường giữa đêm để đến hiện trường.
Người quân nhân kể lúc đó, anh cùng đồng đội vừa cứu hộ, cứu nạn ở TP Đông Hà trở về. Khi vừa ăn gói mỳ tôm, chưa kịp ngả lưng, anh đã nhận lệnh khẩn cấp ứng cứu người gặp nạn tại Đoàn 337.
"Dọc đường đi, hàng chục chiến sĩ phải bỏ lại xe, đi bộ vượt qua các điểm sạt lở. Lên đến Đoàn 337 trời vừa sáng, trước mặt là khung cảnh tan hoang, đất đá, cây cối nằm ngổn ngang", anh Hoàng nhớ lại.
Những lần tìm kiếm chiến sĩ bị vùi lấp gặp khó khăn vì mưa to, phần ngọn núi còn lại vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Đài quan sát phải đánh kẻng cảnh báo khẩn cấp để người cứu hộ rút về nơi an toàn.
Sáng cùng ngày, khu vực hiện trường ở Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 tan hoang với hàng nghìn khối đất, đá lẫn lộn gốc cây đã vùi lấp dãy nhà tập thể. Sở chỉ huy tiền phương đặt tại thôn Choa, xã Hướng Phùng, suốt đêm đã chỉ đạo gần 500 người, chó nghiệp vụ và máy đào lớn nhỏ vào hiện trường tìm kiếm người gặp nạn.
Là một trong những đơn vị tiên phong trong công tác cứu hộ, cứu nạn vụ sạt lở tại Đoàn 337, Công ty CP Trường Danh (đóng ở huyện Gio Linh, Quảng Trị) đã góp sức huy động 9 máy đào lớn nhỏ sớm tiếp cận hiện trường để bới tìm người gặp nạn.
Anh Lê Phụng, một người lái máy, kể khoảng 4h ngày 18/10, anh cùng anh em lái máy nhận lệnh khẩn cấp từ lãnh đạo về vụ sạt lở đất và yêu cầu điều máy ứng cứu. Ngay sau đó, 9 máy của công ty di chuyển ngay vào hiện trường. Khu vực tập trung máy cách hiện trường gần nhất cũng 5 km, xa nhất lên đến 10 km.
Dọc đường, nhiều đoạn sạt lở nên phải vừa đi vừa mở đường. Lúc trời vừa sáng cũng là lúc 5 máy tiếp cận Đoàn 337. Cùng lúc, 4 máy khác cũng được điều động khắc phục các điểm sạt lở, sớm thông tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. "Tan hoang, kinh hoàng là những gì có thể nói lúc ấy", anh Phụng kể lại.
35 giờ tìm kiếm và hy vọng tắt lịm
Có mặt tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị chỉ đạo công tác tìm kiếm 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương yêu cầu khẩn trương và làm xuyên đêm để sớm đưa người gặp nạn ra ngoài.
Việc cứu hộ cần lưu ý cắt cử người ở khu vực cao quan sát và đánh kẻng cảnh báo khi tiếp tục xảy ra việc sạt lở.
Ngoài ra, trung tướng Cương cũng chỉ đạo 2 trực thăng chờ lệnh tại sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế). Khi thời tiết thuận lợi, máy bay bay tiếp cận xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa để thả lương thực và thuốc men cho người dân còn mắc kẹt.
35 gio no luc tim thi the 22 quan nhan doan 337-Hinh-2
 Người thân các chiến sĩ hy sinh khóc ngất bên ngoài Nhà thi đấu TP Đông Hà. Ảnh: Việt Hùng.
Trong ngày thứ nhất, việc tìm kiếm diễn ra khẩn trương với hàng trăm người cùng phương tiện, máy móc. Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn tập trung khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến đường dẫn vào hiện trường và kiểm tra thực địa, đưa người dân rời khu vực có nguy cơ sạt lở.
Từng thi thể người gặp nạn dần dần được đưa ra từ đống đổ nát trong sự xót xa xen lẫn những giọt nước mắt.
Đến 19h30, 14/22 thi thể được đưa ra ngoài, song việc tìm kiếm 8 người còn lại phải tạm dừng vì xã Hướng Phùng mưa nặng hạt.
Sở chỉ huy tiền phương đặt trong ngôi nhà sàn rộng khoảng 100 m2 của một hộ dân, cách hiện trường vụ lở núi khoảng 2,5 km. Cán bộ, chiến sĩ thức gần như trắng đêm bàn bạc, đưa ra từng phương án thông đường và sớm đưa người mắc kẹt ra ngoài.
Trong đêm 18/10, hàng chục xe tải cỡ lớn chở đá hộc từ Quảng Bình, Quảng Trị vượt cả trăm km vào ra các điểm sạt lở đang chia cắt giữa sở chỉ huy tiền phương với hiện trường vụ tai nạn.
Tiếng xe, tiếng máy gạt, cùng tài xế và lực lượng cứu hộ liên tục thi công, xé tan màn đêm tĩnh mịch của núi rừng.
Đến rạng sáng 19/10, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đoạn trước cổng Sở chỉ huy tiền phương ở trung tâm xã Hướng Phùng (cách hiện trường 2,5 km) thông tuyến. 7 xe cấp cứu cùng hàng trăm phương tiện, người vào tới hiện trường.
Người thân nào của các chiến sĩ chưa được tìm thấy đều cố bám víu vào tia hy vọng mong manh cuối cùng. Họ mong con hay chồng mình bằng cách nào đó đã thoát nạn, không nằm dưới lớp bùn lạnh lẽo đó.
Khi từng chiếc xe cứu thương được đưa vào rồi chở dần thi thể chiến sĩ trở ra, mọi hy vọng về một phép màu đều tắt tịm.
Người dân thôn Cợp đứng hai bên đường, dõi vào trong doanh trại quân đội rồi nhìn theo những chiếc xe cứu thương chở thi thể các chiến sĩ từng gắn bó với mình khuất sau từng dãy núi.
Những chuyến xe khó nhọc vượt qua từng điểm sạt lở đã được rải đá hộc và di chuyển về Nhà thi đấu TP Đông Hà, cách hiện trường gần 90 km.
Người thân của những chiến sĩ gào khóc bên ngoài nhà thi đấu TP Đông Hà. Nước mắt họ tuôn rơi trong cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt.
3 giờ trước vụ sạt lở, chiến sĩ Lê Thế Linh còn vui vẻ gọi điện thoại nói chuyện với mẹ. Vậy mà giờ đây, bà Lý chỉ có thể gào khóc gọi tên con trai bên ngoài cửa kính xe cứu thương chở thi hài anh.
35 gio no luc tim thi the 22 quan nhan doan 337-Hinh-3
Theo Phạm Trường/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)