Rạng sáng 18/10, tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng; nơi 27 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đang thực hiện nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Hậu quả khiến 22 cán bộ, chiến sĩ mất tích. Tính đến 17h30 cùng ngày lực lượng chức năng đã tìm kiếm được 14 thi thể cán bộ, chiến sĩ.
Hiện dư luận đang băn khoăn về việc 22 chiến sĩ mất tích ở Hướng Hóa có được truy phong liệt sỹ? Đây là sự hy sinh mất mát to lớn, không chỉ của gia đình, người thân, mà đó còn là sự mất mát cán bộ, là con em của nhân dân.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi 2012 thì Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" thuộc một trong các trường hợp sau đây:
|
Lực lượng chức năng đưa thi thể các cán bộ, chiến sĩ bị nạn ra khỏi hiện trường. |
a) Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu;
b) Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;
c) Hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh;
d) Làm nghĩa vụ quốc tế;
đ) Đấu tranh chống tội phạm;
e) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;
g) Do ốm đau, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
h) Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao;
i) Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm;
k) Thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 của Pháp lệnh này chết vì vết thương tái phát;
l) Người mất tin, mất tích trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản này.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Như vậy, nếu hi sinh thuộc một trong các trường hợp tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định nêu trên thì sẽ có thể được xác nhận là liệt sĩ. Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người hi sinh có trách nhiệm xác lập, hoàn thiện các giấy tờ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và nhân thân gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử.
Luật sư Cường bày tỏ, những đợt mưa lũ, sạt lở tại miền Trung vừa qua đã khiến nước ta có nhiều mất mát lớn về người và tài sản. Trong đó có sự việc những cán bộ, chiến sĩ thuộc đoàn tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế đã hi sinh. Đây là sự mất mát và đau thương đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên cả nước.
Những cán bộ, chiến sĩ xứng đáng được tôn vinh, ghi nhận. Những người này có thể thuộc trường hợp hy sinh khi dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân. Do đó cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét, đối chiếu với các quy định, điều kiện về xét công nhận liệt sĩ nêu trên để áp dụng theo quy định pháp luật.
Được biết, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337/Quân khu 4 có chức năng, nhiệm vụ xây dựng kinh tế, quốc phòng ở 5 xã biên giới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng trị. Trong tháng 10, Đoàn thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn đơn vị đóng quân theo chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và đề nghị của cấp ủy, chính quyền huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng trị.
>>> Xem thêm video: 22 chiến sĩ tại sư đoàn 337 mất tích do sạt lở tại Quảng Trị