Sự khác biệt về văn hóa, lối sống đã khiến cho cái Tết Nguyên Đán của những nàng dâu, chàng rể ngoại quốc ở Việt Nam trở thành một trong những trải nghiệm đáng nhớ và kỉ niệm khó quên đến suốt đời...
Cô dâu Patricia (quốc tịch Bỉ) vẫn nhớ như in lần đầu tiên cô về quê chồng, vốn ở Quảng Ninh, để đón Tết Nguyên Đán. Trước đó, Patricia đã từng đi du lịch rất nhiều quốc gia trên thế giới, nên cô rất tự tin rằng mình đã được “trang bị” kha khá kiến thức để không bị “sốc văn hóa” cũng như có thể nhanh chóng làm quen và hòa nhập với những phong tục, tập quán nơi quê chồng.
Chồng Patricia là con trai trưởng trong gia đình trưởng tộc của dòng họ, nên vai trò và trách nhiệm của anh là rất to lớn. Patricia cũng muốn thể hiện mình xứng đáng với vị trí dâu trưởng, nên cô rất nhiệt tình tham gia vào các công việc lớn bé trong nhà để chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên Đán.
Mọi việc diễn ra khá suôn sẻ và ổn thỏa, Patricia thậm chí còn thể hiện mình học hỏi khá nhanh và có năng khiếu trong việc bày biện mâm ngũ quả, ban thờ, sắp xếp nhà cửa... Bố mẹ chồng cô khá hài lòng và không khỏi tự hào vì cô con dâu ngoại quốc giỏi giang, khéo léo của mình.
Tưởng chừng cái Tết đầu tiên sẽ trôi đi trong êm ả, đầm ấm, nào ngờ... Kể lại sự việc “nhớ đời” này, Patricia vẫn không khỏi rùng mình hốt hoảng. Đó là buổi chiều cuối cùng của năm cũ, cả gia đình chồng cô đang hối hả chuẩn bị cho bữa cơm tất niên.
Một bu gà cỡ gần chục con được bê ra giữa sân. Hai thanh niên to khỏe là em chồng cô xăm xắn “tay dao tay thớt”, họ dốc ngược một con gà lên, vặt một túm lông trên cổ nó và... kề dao vào đó cứa một đường sắc lẻm. Khi tia máu đầu tiên vọt ra, cũng là lúc Patricia xây xẩm mặt mày, ngã vật xuống như một cây gỗ bị đốn đổ.
Sau đó thì cô ngất lịm, lúc tỉnh dậy, đã thấy mình ở trạm xá xã, gia đình chồng vây quanh đầy lo lắng. Hóa ra, từ nhỏ tới lớn, Patricia chưa từng chứng kiến cảnh tượng nào khủng khiếp đến vậy, dù cô đã quá quen thuộc với món thịt gà.
Thế là gia đình chồng cô bị một phen náo loạn, từ đó, họ rút kinh nghiệm, thịt gà một cách kín đáo hơn, còn Patricia thì cũng cố tập làm quen với cảnh “bạo lực” đó.
|
Ảnh: Emellesmadeira |
Nấu canh mùi cho cụ cố tắm tất niên
Là một đầu bếp có nhà hàng riêng tại Pháp, Louis không hề lạ lẫm với những loại rau gia vị của Việt Nam, đặc biệt là khi anh lại chọn một cô vợ người Việt, gốc Hà Nội, làm bạn đời.
Vợ chồng Louis định cư tại Pháp, nhưng họ thường xuyên về Việt Nam, bởi vợ anh còn cả gia đình và họ hàng ở đây. Cũng bởi vậy, Louis luôn tự hào rằng mình khá hiểu biết về văn hóa, phong tục và cả lối sống của người Việt.
Louis nói tiếng Việt rất giỏi và rất được lòng gia đình vợ, song cũng phải sau kết hôn 4 năm, vợ chồng anh mới quyết định đón năm mới ở quê vợ. Đó là một cái Tết Nguyên đán “nhớ đời” và để lại trong Louis một kỉ niệm mà mỗi khi nhắc đến, anh lại tỏ ra ngượng ngùng, còn vợ anh thì được một tràng cười hả hê.
Có sẵn tình yêu với việc bếp núc và các món ăn Việt, Louis rất nóng lòng được tham gia vào việc chuẩn bị các món ăn ngày Tết. Cả ngày, anh chỉ quanh quẩn trong bếp, tìm hiểu về cách thức làm các món ăn cổ truyền Việt Nam, khám phá mùi vị các loại gia vị...
Buổi chiều hôm đó, Louis thấy có một hương thơm rất lạ tỏa ra ngào ngạt từ căn bếp. Anh rất tò mò khi thấy một nồi nước to đang sôi âm ỉ, bên trong là một nắm lá rất lạ. Louis cảm thấy hương thơm này khá quen thuộc, nhưng không nhận ra là lá gì và đoán rằng đây là... nồi canh tất niên của cả nhà.
Nóng lòng muốn trổ tài nấu ăn, Louis đã không mất nhiều thời gian suy nghĩ mà nêm nếm thêm đủ thứ gia vị vào... nồi canh to đùng đó. Anh thậm chí còn cho thêm vào đó cả một vài loại củ quả thái nhỏ để... ninh cho ngọt.
Khi Louis vẫn đang loay hoay với “sáng tạo mới” của mình thì vợ anh bất ngờ đi vào... tìm nồi nước mùi đun từ trưa để cụ cố tắm. “Cô ấy đã rất sửng sốt khi nhìn thấy tác phẩm của tôi, sau đó thì cười ngặt nghẽo không sao dừng lại được” -Louis kể lại.
Và đó đã trở thành kỉ niệm vui của cả gia đình anh, khi nồi nước tắm của cụ cố bỗng dưng lại biến thành một... nồi canh.
Biến thành “vật trưng bày” bất đắc dĩ
Từ năm đó đến nay, Michael (quốc tịch Mỹ) chưa dám về quê vợ ăn Tết một lần nào nữa. Cái Tết đầu tiên của anh ở quê vợ vẫn để lại “dư âm” đáng sợ đến tận bây giờ. Chẳng là vợ anh vốn xuất thân từ một ngôi làng nghèo thuộc vùng duyên hải Quảng Bình. Ở nơi ấy, một chàng rể ngoại như Michael “cũng giống như một cái đĩa bay rơi xuống giữa cánh đồng” vậy. Đó là một chuyện lạ lùng mà người dân ở đó vừa hiếu kì, vừa háo hức.
Thêm vào đó, bố mẹ vợ anh lại rất tự hào khi có chàng rể Tây, nên “màn chào hỏi” của anh khá nặng nề. Ngay ngày đầu bước chân về quê vợ, chưa kịp nghỉ ngơi cho lại sức, Michael đã bị bố vợ đưa đi chào hỏi khắp họ hàng.
Trước khi đi, anh còn được đặc biệt căn dặn một vài câu chúc Tết, thăm hỏi đơn giản, dù Michael khá khó khăn với việc nghe nói tiếng Việt. Thế mà anh vẫn phải học thuộc lòng và nói đi nói lại “như một con vẹt”.
Đến nhà nào, cái giọng lơ lớ, ngọng nghịu của Michael cũng khiến cho mọi người ở đó cười ồ lên, từ người lớn đến trẻ nhỏ, khiến cho anh rất ngượng và không được thoải mái. Sau khi chào hỏi khắp họ hàng làng xóm, Michael lại phải ngồi như người mẫu trong nhà để mọi người đến gặp gỡ, thăm hỏi.
Suốt cả mấy ngày Tết, Michael chỉ được loanh quanh ở nhà để cùng bố mẹ vợ tiếp khách. Điều ấy khiến anh không khỏi mệt mỏi và chán nản. Ai đến cũng nhìn anh với ánh mắt tò mò, lạ lẫm khiến Michael cảm thấy mình như một “vật trưng bày” trong bảo tàng. Cảm giác đó khiến anh sợ hãi, đến tận bây giờ vẫn không quên.