Ngày 22/2, Công an huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bình Dương đang điều tra nguyên nhân vụ sập cần cẩu tại Công ty TNHH Polytex Far Eastern (khu công nghiệp Bàu Bàng, huyên Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) khiến 3 người chết, 2 người bị thương.
Thông tin ban đầu vụ sập cần cẩu, vào khoảng 10h30 phút ngày 22/2 tại công trường đang thi công của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (KCN Bàu Bàng, thuộc khu phố Bàu Bàng, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương), tổ công nhân thi công xây dựng đang làm việc trên cẩu tháp thì bất ngờ chân trụ cẩu tháp bị gãy, cẩu tháp đổ xuống đất.
Vụ sập cần cẩu làm 3 công nhân tử vong tại hiện trường gồm anh Đặng Văn Gấm (SN 1986, ở Mong Thọ A, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang); K’Sơn (SN 1996, ở Quốc Oai, Đạ Tẻh, Lâm Đồng) và anh Đặng Văn Thắng (SN 1997, ở Thủy Liễu, Gò Quao, Kiên Giang). Hai công nhân bị thương hiện đang cấp cứu tại bệnh viện địa phương gồm Nguyễn Anh Bảo (SN 1975, ngụ Long Nguyên, Bàu Bàng, Bình Dương) và K’Sản (SN 1992, chưa rõ quê quán).
Dư luận đặt câu hỏi, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm liên quan vụ sập cần cẩu nghiêm trọng trên?
|
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: TTXVN |
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, vụ sập cần cẩu tại Công ty TNHH Polytex Far Eastern, khu công nghiệp Bàu Bàng, huyên Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương làm 3 người chết, 3 người khác nguy kịch là một vụ việc tai nạn lao động rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, mất an toàn trong lao động. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan điều tra sẽ yêu cầu nhà thầu, đơn vị thi công cung cấp các thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến công trình này, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức thi công. Đồng thời xem xét, đánh giá đến các phương tiện, thiết bị dùng để thi công việc lắp đặt, vận hành trong những ngày qua, làm rõ các hoạt động, trang bị đảm bảo an toàn lao động trong quá trình thi công.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy vụ việc tai nạn lao động là do nguyên nhân khách quan, không có lỗi của tổ chức, cá nhân có liên quan. Nguyên nhân của vụ tai nạn không thể lường trước được và đơn vị thi công hoàn toàn không có lỗi sẽ không xem xét trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đơn vị này phải bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động xảy ra cho những người lao động theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đơn vị, cá nhân đã vi phạm quy định về an toàn lao động gây hậu quả thiệt mạng nhiều người, nhiều người bị thương, hư hỏng tài sản thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh liên quan đến an toàn lao động theo quy định tại điều 295, Bộ Luật hình sự 2015 về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn nơi đông người.
Cụ thể, điều 295, Bộ Luật hình sự 2015 nêu rõ:
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 7 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp. |
Luật sư Cường phân tích, tội phạm này xâm phạm đến sự an toàn trong lao động sản xuất, xâm phạm đến sức khoẻ, tài sản, tính mạng của công dân. Chủ thể của tội danh này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt tuổi luật định mà có hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Người thực hiện hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, biểu hiện của hành vi vi phạm này có thể là việc:
- Đưa vào sử dụng các trang thiết bị lao động sản xuất không đảm bảo an toàn.
- Không cấp hoặc cấp không đúng tiêu chuẩn, chủng loại các phương tiện bảo hộ lao động, vệ sinh lao động.
Căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này là phải có hậu quả về tài sản, sức khỏe, tín mạng con người.
Lỗi của người phạm tội trong trường hợp này là lỗi vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả). Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Cơ quan điều tra sẽ lập rõ các yếu tố trên để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật. Về nguyên tắc nếu có lỗi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự, dù đó là lỗi vô ý. Ngoài ra, Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với gia đình nạn nhân và các nạn nhân bị thực tế theo quy định của pháp luật. Nếu thiệt hại do người của pháp nhân gây ra thì pháp nhân phải bồi thường. Thiệt hại do người làm công, học nghề gây ra thì pháp nhân cũng vẫn phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật, sau đó yêu cầu người có lỗi phải bồi hoàn sau.
>>> Mời độc giả xem thêm video Sập cần cẩu tại công trình đang thi công: