CSGT bị qua mặt?
Ông Y Sy H’Đớk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, đang yêu cầu hạt kiểm lâm các huyện kiểm tra, báo cáo trường hợp 3 cây đa sộp bị giữ tại Thừa Thiên - Huế khai nguồn khai thác tại Đắk Lắk.
Chi cục cũng yêu cầu hạt kiểm các huyện kiểm tra, báo cáo các trường hợp khai thác cây gỗ có nguồn gốc rừng làm cảnh từ trước tới nay để tổng hợp, báo cáo cơ quan chức năng một lượt.
“Bí thư Tỉnh ủy vừa điện thoại cho tôi, yêu cầu kiểm tra thông tin 3 cây đa sộp được khai thác tại Đắk Lắk theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Chúng tôi đang cho kiểm tra, khi có kết quả sẽ thông tin cụ thể” - người đứng đầu Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk cho hay.
|
Hiện trường cây đa sộp bị khai thác ở xã Tam Giang (Krông Năng, Đắk Lắk). |
Lãnh đạo Phòng CSGT (Công an tỉnh Đắk Lắk) cũng cho biết, trước thông tin các xe chở cây “quái thú” đi qua QL29, QL26 rồi xuôi QL1A ra Bắc, đơn vị đã yêu cầu các tổ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ kiểm tra, báo cáo.
Qua kiểm tra, không phát hiện có trường hợp xe chở cây quá khổ, quá tải nào được lập biên bản xử lý, xử phạt.
Lãnh đạo Phòng CSGT cho rằng, nhiều khả năng các xe chở cây vào thời điểm đêm khuya vắng nên lực lượng tuần tra, kiểm soát đã không thể phát hiện.
“Vào đêm khuya, các chốt thường được huy động tăng cường về trung tâm thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar) để chống đua xe, nên khả năng lái xe đã canh lúc này để vận chuyển” - lãnh đạo Phòng CSGT lý giải.
|
Rễ cành còn sót lại sau vụ khai thác cây đa sộp ở xã Ea Pil (M'Đrắk). |
Lãnh đạo Phòng CSGT và Sở GTVT tỉnh này cũng khẳng định, từ trước đến nay không tiếp nhận hồ sơ nào xin vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng.
Khẳng định giả hồ sơ
Theo hồ sơ người xưng là chủ cây cung cấp, có 1 cây đa sộp khai thác ở xã Ea Pil (huyện M’Đrắk) và 2 cây được khai thác, vận chuyển đi từ xã Ea Hồ (Krông Năng).
Sau khi tiếp nhận thông tin, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk đã yêu cầu các địa phương nêu trên tiến hành xác minh. Theo đó, cây đa khai thác tại rẫy ông Phạm Đình Thướng, thôn 3, xã Ea Pil có nguồn gốc hợp pháp.
Theo hồ sơ khai, 2/3 cây đa sộp “quái thú” cùng có đường kính 1,4m, cao 12m đang bị tạm giữ ở Huế được bà H’Yô Na Byă (trú thôn 4, xã Ea Hồ) bán cho ông Đinh Công Quân (trú huyện Thạch Thất, Hà Nội) để đưa về một ngôi chùa tại huyện này làm bóng mát. Đơn xin khai thác, vận chuyển hai cây đa sộp được bà H’Phi La Niê, Phó chủ tịch UBND xã Ea Hồ ký xác nhận vào ngày 23/3.
Qua trao đổi, bà H’Phi La Niê tiếp tục khẳng định không hề xác nhận vào đơn xin khai thác và vận chuyển hai cây đa sộp theo hồ sơ khai như trên.
|
Cây "quái thú" vi vu trên QL26, qua đèo Phượng Hoàng thuộc địa bàn huyện M'Đrắk
|
“Sáng nay địa phương cùng hạt kiểm lâm vào làm việc với bà H’Yô Na Byă và bà này khẳng định không hề bán cây đa nào cho ông Quân ở Hà Nội. Gia đình này cũng không có diện tích đất lớn nào để có hai cây đa nêu trên. Chúng tôi đã làm việc và lập biên bản sự việc để báo cáo cấp trên” - bà H’Phi La Niê quả quyết.
Ông Bùi Tiến Hoàng, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Krông Năng cũng khẳng định, đã làm việc và ghi nhận không có cây đa nào được khai thác và vận chuyển thời gian trên. Về việc có phải hồ sơ 2 cây đa này bị làm giả hay không, ông Hoàng nói chưa đủ cơ sở để khẳng định.
“Chúng tôi đi xác minh theo địa chỉ mà chi cục yêu cầu, các văn bản xác nhận cũng theo dõi, tải xuống từ các cơ quan báo chí nên không rõ hồ sơ này ra sao. Chúng tôi sẽ làm báo cáo sự việc này, việc xác minh hồ sơ có làm giả hay không do các cơ quan có thẩm quyền khác” - ông Hoàng nói.
Cùng ngày, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế cho biết, đang phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk để xác minh thông tin các cây đa sộp được khai thác tại địa phương này.
Về thông tin 2/3 cây đa sộp hàng khủng này bị làm giả giấy tờ, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh này cho rằng, cần được phía Đắk Lắk làm kỹ, vì qua kiểm tra hồ sơ đều hợp pháp; nếu cần thì phải đề nghị Công an tỉnh vào cuộc xác minh xem các giấy tờ do xã Ea Hồ ký đóng dấu có bị giả hay không.