Tên lửa hành trình đối hạm siêu âm với tầm bắn xa, tốc độ và khả năng công phá lớn đang được cho là ưu việt hơn hẳn và sẽ sớm thay thế vị trí của tên lửa hành trình đối hạm cận âm trong tác chiến hải quân. Tuy nhiên, ngay chính tại các quốc gia sản xuất như Nga hay Trung Quốc, họ vẫn duy trì và tiếp tục phát triển song song cả 2 loại siêu âm và cận âm, chưa kể các quốc gia phương Tây vẫn trung thành với việc sử dụng tên lửa cận âm.
Vậy tên lửa siêu âm thật sự có những tính năng hơn hẳn tên lửa cận âm như quảng cáo? Câu trả lời là đúng nhưng chưa đủ, bên cạnh những mặt ưu việt thì tên lửa hành trình đối hạm siêu âm còn gặp phải những hạn chế sau khi so sánh với tên lửa hành trình đối hạm cận âm.
|
Tên lửa diệt hạm cận âm, siêu âm: ai hơn ai?
|
Tên lửa đối hạm siêu âm muốn đạt được tầm bắn tối đa của mình sẽ phải duy trì quỹ đạo bay cao trong hầu hết hành trình, nguyên nhân chính là do sức cản của không khí. Ở độ cao thấp, do mật độ không khí dày đặc gây sức cản lớn sẽ làm cho tên lửa tiêu hao nhiên liệu rất nhanh. Lấy ví dụ tên lửa
P-800 Yakhont muốn vượt qua quãng đường 300km sẽ phải bay hành trình dài ở độ cao tới 14.000 m còn nếu bay thấp ngay từ đầu thì tầm bắn của tên lửa sẽ chỉ còn 120km. Điều này cho thấy “chiến thuật bầy sói” vẫn được quảng cáo là bất khả chiến bại của Yakhont chỉ có thể thực hiện được trong cự ly 100 km.
Tên lửa siêu âm có kích thước lớn hơn tên lửa cận âm khá nhiều do phải mang theo một động cơ khỏe và lượng nhiên liệu lớn dẫn đến làm tăng diện tích phản xạ radar (RCS), thêm vào đó nhiệt lượng tỏa ra rất lớn từ động cơ để đẩy vận tốc tên lửa lên tốc độ siêu âm cộng với ma sát không khí sẽ làm cho độ bộc lộ hồng ngoại (IR) của tên lửa siêu âm cao hơn tên lửa cận âm.
|
Kích thước khủng, độ cao hành trình lớn và nhiệt lượng tỏa ra mạnh mẽ từ động cơ khiến Moskit có thể bị phát hiện từ xa.
|
Tên lửa cận âm do có khả năng bay thấp trong hành trình dài, diện tích phản xạ radar và bộc lộ hồng ngoại đều rất thấp nên cự ly bị phát hiện ngắn hơn tên lửa siêu âm rất nhiều. Tên lửa siêu âm như Moskit có thể bị phát hiện từ cự ly 30-50km trong khi đó tên lửa cận âm như Exocet hay
Uran chỉ có thể bị phát hiện ở cự ly dưới 15km. Đặc biệt hơn các tên lửa đối hạm cận âm thế hệ mới như NSM (Naval Strike Missile) của Na Uy được chế tạo với lớp vỏ composite khiến cho việc phát hiện trở nên khó khăn gấp nhiều lần.
Có nhiều ý kiến cho rằng mặc dù bị phát hiện từ xa nhưng do có tốc độ rất lớn, thời gian để cho đối phương phản ứng lại rất ngắn nên việc bị phát hiện từ xa hơn tên lửa cận âm là không quan trọng. Tuy nhiên phải cân nhắc thêm tới vấn đề do có tốc độ rất lớn khiến tên lửa siêu âm trong giai đoạn cuối của hành trình không thể thực hiện các vận động phức tạp để đánh lừa hệ thống phòng không như tên lửa cận âm mà gần như là một đường bay thẳng tắp cộng với việc ngay cả ở giai đoạn cuối tên lửa siêu âm vẫn bay ở độ cao lớn hơn tên lửa cận âm rất nhiều (từ 15-30m), nên có thể bị các tên lửa phòng không có thời gian phản ứng nhanh được thiết kế đặc trị tên lửa đối hạm siêu âm như RIM-116 bắn hạ.
|
Tên lửa đối không tầm thấp RIM-116.
|
Trong khi đó, tên lửa cận âm như
Exocet hay Uran có độ cao hành trình giai đoạn cuối đều dưới 5m. Đây được đánh giá là độ cao bất khả thi cho tên lửa phòng không có thể hoạt động nên dù cho phát hiện được từ xa 15km cũng chỉ có thể đánh chặn bằng pháo bắn nhanh khi tên lửa đã tới rất gần, thời gian để phản ứng lại các mối đe dọa từ tên lửa cận âm thực chất không hề nhiều hơn tên lửa siêu âm. Thực tế chiến trường còn cho thấy các tên lửa đối hạm cận âm gần như vô hình hoàn toàn đối với hệ thống cảnh giới của tàu chiến, có thể lấy ví dụ việc tàu USS Stask của Mỹ hay tàu Harnit của Israel cho tới khi bị trúng tên lửa Exocet và C-802, hệ thống phòng thủ của tàu đều không có được một chút phản ứng nào.
Tốc độ cao của tên lửa siêu âm ngoài gây khó khăn cho đối phương thì cũng gây không ít trở ngại cho chính bản thân nó. Đầu dò của tên lửa siêu âm phải hoạt động trong môi trường khắc nghiệt hơn nhiều so với tên lửa cận âm, nó có rất ít thời gian để có thể khóa được mục tiêu trong giai đoạn cuối của hành trình, cũng đồng nghĩa với việc ít thời gian hơn để phân biệt được đâu là mục tiêu thực sự khi phải đối đầu với các biện pháp gây nhiễu, mồi bẫy của đối phương.
|
US Stark có hỏa lực khá mạnh với tên lửa đối không tầm trung SM-1MR và tổ hợp pháo cao tốc CIWS Phalanx nhưng gần như không đưa ra bất kỳ phản ứng nào trước quả tên lửa "bay dưới âm" Exocet.
|
Ngoài ra do phải hy sinh không gian cho động cơ và nhiên liệu dẫn đến đầu đạn của tên lửa siêu âm khá nhỏ so với tổng trọng lượng: tên lửa Yakhont có trọng lượng 3.000kg nhưng chỉ mang được đầu đạn 250kg, trong đó Harpoon chỉ nặng có 691kg nhưng đã mang được 1 đầu đạn nặng tới 221kg. Bên cạnh đó giá thành của tên lửa siêu âm cũng đắt hơn tên lửa cận âm nhiều do được chế tạo bằng những vật liệu đặc biệt để có thể chịu đượcgia tốc và nhiệt độ cao khi hoạt động ở tốc độ siêu âm.
Qua những điểm trên có thể thấy tên lửa siêu âm hay cận âm vẫn có những ưu nhược điểm của riêng mình, ưu thế của tên lửa siêu âm chính là nhược điểm của tên lửa cận âm và ngược lại, chưa thể nói rằng tên lửa siêu âm vượt trội hoàn toàn và sẽ sớm thay thế tên lửa cận âm. Việc các lực lượng hải quân lựa chọn trang bị cho mình tên lửahành trình đối hạm siêu âm hay cận âm còn phải phụ thuộc rất nhiều vào chiến thuật và từng đối tượng tác chiến cụ thể.