Đây là thông tin được tờ RIR đăng tải mới đây. Theo các nguồn tin, yêu cầu đã đưa ra khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Ấn Độ.
Các cuộc đàm phán không chính thức về việc mua tên lửa BrahMos do Nga - Ấn Độ chế tạo được cho là đã diễn ra.
Việt Nam cũng đang trong quá trình hợp tác với Nga phát triển tên lửa hành trình chống tàu cải tiến dựa trên mẫu Kh-35 Uran. Sự hợp tác này thực hiện theo mô hình mà Ấn Độ - Nga đã thực hiện để phát triển BrahMos.
|
Việt Nam muốn mua BrahMos để phục vụ yêu cầu bảo vệ biển, đảo tổ quốc.
|
Theo RIR, việc Việt Nam muốn Ấn Độ cung cấp tên lửa BrahMos là nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Ấn Độ có đồng ý cung cấp BrahMos trong tương lai gần.
Về phía các quan chức của liên doanh BrahMos Aerospace thì từ chối bình luận về cuộc đàm phán giữa Ấn Độ và Việt Nam.
BrahMos là tên lửa hành trình siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình có thể phóng từ tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay hay các bệ phóng mặt đất. Thiết kế này được phát triển dựa trên sự hợp tác giữa hãng NPO Mashinostroeyenia (Nga) và Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO).
Nền tảng thiết kế phát triển BrahMos là tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh P-800 Yakhont (Việt Nam đã nhập khẩu). Chữ BrahMos là tên viết tắt của 2 con sông nổi tiếng của 2 nước: Brahmaputra và Moskva.
|
Tàu khu trục Hải quân Ấn Độ bắn thử nghiệm BrahMos.
|
Tên lửa hành trình BrahMos nặng 3 tấn, dài 8,4m, đường kính thân 0,6m, lắp đầu đạn xuyên giáp nặng 300kg. Nó có động cơ hoạt động chia làm hai giai đoạn, một là đốt cháy nhiên liệu rắn để đẩy tên lửa đạt đến vận tốc siêu thanh sau đó sẽ chuyển sang nhiên liệu lỏng đẩy phản lực để duy trì vận tốc đó trong quảng đường dài.
BrahMos có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,8 (gần gấp 3 lần vận tốc âm thanh), tầm bắn xa đến 290km. Với tốc độ cực cao, đầu đạn hạng nặng, BrahMos được đánh giá là một trong những loại tên lửa chống tàu đáng sợ nhất thế giới hiện nay. Đơn giá một quả tên lửa khoảng 2,7 triệu USD.
Hiện nay, Ấn Độ đã hoàn thành phát triển và triển khai một phần biến thể BrahMos trên tàu chiến, trên đất liền. Dự kiến, cuối năm tới, Ấn Độ sẽ bắt đầu thử nghiệm biến thể BrahMos phóng từ trên không, cụ thể là tiêm kích đa năng Su-30MKI.