Điểm mặt sát thủ diệt hạm “đáng sợ” nhất Đông Nam Á

Google News

(Kiến Thức) - Đông Nam Á đang trở thành đích đến cho nhiều loại sát thủ diệt hạm thuộc loại hàng đầu thế giới hiện nay.

Trong bối cảnh tác chiến hải quân đang trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển quân sự của thế giới, khu vực Đông Nam Á cũng không phải là ngoại lệ. Những năm gần đây, các nước Đông Nam Á đầu tư rất mạnh cho lực lượng hải quân. Chính vì thế rất nhiều sát thủ diệt hạm đẳng cấp thế giới đã xuất hiện trong biên chế hải quân các nước trong khu vực.

P-800 Yakhont - sát thủ đẳng cấp nhất khu vực

Với tốc độ nhanh gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh (khoảng 2.750km/h) tầm bắn lên đến 300km, P-800 Yakhont là loại tên lửa chống tàu đáng sợ nhất thế giới hiện nay.

Chương trình phát triển được khởi xướng từ năm 1983, tên lửa được giới thiệu vào năm 1999, ngay khi tên lửa chống tàu P-800 Yakhont xuất hiện nó đã làm “lu mờ” các loại tên lửa chống tàu khác trên thế giới bởi khả năng tác chiến mạnh mẽ của nó.

Tên lửa có chiều dài 8,9m, đường kính 0,7m, sải cánh khi xòe 1,7m, trọng lượng 3 tấn. Tên lửa được trang bị một động cơ tăng cường nhiên liệu rắn, động cơ này sẽ đưa tên lửa vượt qua tốc độ âm thanh và động cơ ramjet nhiên liệu lỏng sẽ được kích hoạt đưa tên lửa đạt tốc độ gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh.
Xe mang phóng tên lửa P-800 Yankhont của Việt Nam.


P-800 Yakhont được trang bị đầu tự dẫn radar thụ động có thể phát hiện mục tiêu tới 50km. Tên lửa có 2 chế độ bay, ở chế độ bay thấp tầm bắn đạt 120km, ở chế độ bay hỗn hợp tầm bắn tới 300km. P-800 được trang bị đầu đạn bán xuyên giáp nặng 250kg, bán kính lệch mục tiêu chỉ khoảng 5-10m.

Tên lửa được phóng từ các ống phóng thẳng đứng trên các tàu chiến hoặc từ bệ phóng di động trên đất liền, biến thể này được gọi là K-300P Bastion. Hệ thống này được trang bị cho lực lượng phòng thủ bờ biển. 

Hải quân Việt Nam được Nga xuất khẩu hệ thống K-300P Bastion để trang bị cho lực lượng phòng thủ bờ biển, đưa Việt Nam trở thành khách hàng đầu tiên của hệ thống tên lửa chống tàu đẳng cấp này.

Ngoài ra, Indonesia cũng được xuất khẩu biến thể trang bị trên tàu chiến lớp Van Speijk. P-800 Yakhont không chỉ là loại tên lửa chống tàu mạnh nhất Đông Nam Á mà còn cả khu vực châu Á.

RGM-84 Harpoon 

Là loại tên lửa chống tàu chủ lực của khối NATO, RGM-84 Harpoon chắc chắn là loại tên lửa chống tàu không thể thiếu trong hải quân các nước có mối quan hệ thân thiết với Washington. Đây là loại tên lửa chống tàu chủ lực của Hải quân Singapore, Thái Lan và Malaysia.

Điểm mạnh của loại tên lửa này là hệ thống điện tử tinh vi và quỹ đạo bay độc đáo để tăng khả năng tiêu diệt mục tiêu cũng như khả năng sống sót cao trong môi trường tác chiến điện tử mạnh và các biện pháp đánh chặn.
Tên lửa hành trình chống tàu RGM-84.


Tên lửa dài 4,6m, đường kính 0,34m, trọng lượng chỉ 691kg, RGM-84 Harpoon là một loại tên lửa chống tàu tốc độ dưới vận tốc âm thanh được dẫn hướng kết hợp dẫn hướng quán tính và radar chủ động. Điểm độc đáo nữa của loại tên lửa này là được trang bị radar đo độ cao để bay lướt mặt biển tránh sự phát hiện bằng radar.

Tầm bắn của RGM-84 Harpoon khoảng 124km tùy biến thể, loại tên lửa này đã có thành tích tham chiến khá ấn tượng. Vào năm 1986, tên lửa Harpoon đã bắn chím ít nhất 2 tàu tuần tra của Libya trên vịnh Sidra, đây là loại tên lửa chống tàu được sản xuất nhiều nhất trong khối NATO với hơn 7.000 quả.

Kh-35 Uran E

Loại tên lửa này được NATO đặt tên là SS-N-25 Switchblade, tên lửa này còn được biết đến với biệt danh Harpoonski vì có có vẻ bên ngoài rất giống biến thể phóng từ trên không AGM-84 Harpoon của Mỹ. Kh-35 được thiết kế để đánh chìm các chiến hạm có tải trọng lên đến 5.000 tấn.

Tên lửa có thiết kế khí động học khá “mi nhon”, đây được coi là một bước đột phá trong thiết kế tên lửa chống tàu vốn rất “hầm hố” của Nga trước đây. Tên lửa được trang bị động cơ tăng cường nhiên liệu rắn để khởi động và sử dụng động cơ phản lực cánh quạt để đẩy tên lửa đi.
Tàu tên lửa Việt Nam phóng tên lửa Kh-35.


Kh-35 được dẫn hướng kết hợp quán tính và radar thụ động cùng với một radar đo độ cao để tấn công mục tiêu, radar ARGS-35E của tên lửa có khả năng khóa mục tiêu ở cự ly 20km. Tên lửa có tầm bắn 130 km. 

Biến thể xuất khẩu của nó là Kh-35 Uran E hiện là loại tên lửa chống tàu trên tàu chiến chủ lực của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, Việt  Nam đã được Nga chuyển giao công nghệ để sản xuất loại tên lửa này trong nước.

MM-40 Exocet

Exocet là một trong những sát thủ săn hạm đáng gờm trên thế giới. Tên lửa có thiết kế khí động học khá nhỏ gọn với khả năng cơ động cao, nó được thiết kế để tiêu diệt các tàu chiến từ nhỏ đến trung bình. 

Tuy vậy, với chiến thuật bắn loạt số lượng lớn, loại tên lửa “mi nhon” này vẫn đủ sức đánh chìm cả những tuần dương hạm thậm chí là cả tàu sân bay. Tên lửa dài 4,7m, đường kính 0,34m, trọng lượng chỉ 670kg sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn.
Tên lửa chống tàu MM40 Exocet.


Tên lửa được dẫn đường kết hợp dẫn đường quán tính và radar chủ động, điểm mạnh của loại tên lửa này là nó có khả năng bay rất thấp cách mặt biển chỉ từ 1-2m nên rất khó bị phát hiện bằng radar trên các tàu chiến. 

Tên lửa Exocet có thể phóng từ tàu chiến, tàu ngầm, máy bay tầm bắn tối đa với biến thể đầu tiên là 72km, biến thể nâng cấp gần đây có tầm bắn tới 180km.

Tên tuổi của tên lửa chống tàu Exocet được thế giới biết đến khi Hải quân Argentina sử dụng biến thể phóng trên không đánh trúng tàu khu trục HMS Sheffied (Hải quân Anh) gây thiệt hại không thể khắc phục cho con tàu này vào năm  1982.
 
Exocet hiện nay là loại tên lửa chống tàu chủ lực của hải quân  Hoàng gia Brunei, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Riêng Hải quân Hoàng gia Malaysia sử dụng biến thể phóng từ tàu ngầm trang bị cho tàu ngầm lớp Scorpene của nước này.
Phan Nguyễn

Bình luận(0)