“Nhược điểm chết người” của tên lửa HQ-12 Myanmar

Google News

(Kiến Thức) - Bệ phóng hệ thống tên lửa đối không tầm trung – xa HQ-12 mà Myanmar mua từ Trung Quốc mắc "lỗi nguy hiểm".

Hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung – xa HQ-12 (biến thể xuất khẩu gọi là Khải Sơn 1 hay là KS-1) được phát triển bởi Tập Công nghiệp Hàng không Không gian Giang Nam (Trung Quốc).

HQ-12 ra đời nhằm thay thế cho hệ thống tên lửa đối không HQ-2 lỗi thời. Dự án được khởi động từ những năm 1980, bắt đầu thử nghiệm năm 1989 và xuất hiện lần đầu tại Triển lãm Hàng không Paris 1991.
Hệ thống tên lửa HQ-12 khai hỏa trong tập trận.

Hệ thống HQ-12 gồm 2 thành phần chính gồm: 4 bệ phóng cơ động (8 đạn trên bệ phóng) và đài radar bắt mục tiêu/điều khiển hỏa lực SJ-202. Ngoài ra còn các thành phần hỗ trợ như xe tiếp đạn (18 đạn dự trữ), sửa chữa, hậu cần.

Trong đó, SJ-202 là đài radar mạng pha 3D đầu tiên của Trung Quốc được thiết kế để theo dõi, bắt mục tiêu và dẫn đường tên lửa tấn công. SJ-202 đạt tầm trinh sát 115km, theo dõi tầm 80km và dẫn đường tên lửa ở tầm 50km. Hệ thống radar được quảng cáo là có khả năng dẫn đường cho 2 tên lửa cùng tấn công 1 mục tiêu, tăng khả năng kháng nhiễu điện tử.

Hệ thống radar này được thiết kế chủ yếu để bắt mục tiêu máy bay có cánh cố định và trực thăng, nhưng nó cũng được cho là có khả năng hạn chế trong bắt mục tiêu tên lửa hành trình.
Bệ phóng HQ-12 với ray phóng kỳ cục, nguy hiểm.

Đạn tên lửa dùng cho hệ thống HQ-12 dài 5,6m, đường kính thân 0,4m, sải cánh 1,2m, trọng lượng 886kg, lắp đầu đạn nặng 100kg. Đạn sử dụng động cơ nhiên liệu rắn với lực đẩy kép cho phép đạt tầm bắn từ 500m tới 25km, tầm bắn xa từ 7-42km.

Vấn đề của HQ-12 nằm ở cơ cấu bệ phóng, theo đó phần đạn tên lửa được treo dưới ray phóng (thay vì nằm phía). Cách bố trí này gây nhiều khó khăn cho quá trình khởi động tên lửa. Trong chiến đấu, động cơ tên lửa phải được khởi động trước khi hệ thống treo bung ra, nếu không quả đạn sẽ rơi ngay trên đầu bệ phóng. Đây thực sự là “nhược điểm chết người” của HQ-12.

Việc tái nạp tên lửa cũng gặp rất nhiều khó khăn, không rõ tại sao Trung Quốc lại thiết kế HQ-12 với cơ cấu phóng kỳ lạ như vậy.

Sau này, Trung Quốc nỗ lực khắc phục điểm yếu này và cho ra đời biến thể KS-1A hiện đại hơn. Biến thể trang bị đạn tên lửa cải tiến đạt tầm bắn tới 50km, đặc biệt quả đạn đặt trong ống phóng. Với cách bố trí này, nếu khởi động không thành công thì người Trung Quốc cũng không lo quả đạn rơi ngay xuống nóc bệ phóng di động.
Radar mạng pha H-200 của hệ thống KS-1A.

Biến thể KS-1A cũng kết cấu tương tự HQ-12 (hay là KS-1) gồm đài radar và 4 bệ phóng di động. Trong đó, KS-1A sử dụng hệ thống radar mới H-200, được cho là sao chép theo mẫu radar mảng pha AN/MPQ-53 của Mỹ. H-200 cung cấp khả năng khả năng, phát hiện, theo dõi, bám bắt, nhận dạng bạn thù, dẫn bắn hiệu quả hơn cho tên lửa.

Radar H-200 có tầm trinh sát mục tiêu ở cự ly tối đa 120km, và theo dõi chặt chẽ mục tiêu ở khoảng cách 90km, phát hiện được các mục tiêu có diện tích phản xạ RCS từ 2m2 trở lên. H-200 có khả năng theo dõi chặt chẽ 3 mục tiêu, giám sát 3 mục tiêu và dẫn bắn 6 tên lửa cùng lúc.

Tuy nhiên, biến thể này dường như vẫn chưa được chấp nhận phục vụ trong lực lượng phòng không Trung Quốc. Trong một số cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc, người ta vẫn chỉ thấy sự xuất hiện của HQ-12 thế hệ cũ với bệ phóng không an toàn.

Hiện tai, vẫn chưa có thông tin rõ ràng việc Quân đội Myanmar lựa chọn biến thể xuất khẩu KS-1 ban đầu hay biến thể KS-1A hiện đại hơn.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Lương Minh

Bình luận(0)