MiG: “thần hộ vệ” tuyệt vời bảo vệ bầu trời

Google News

(Kiến Thức) - MiG là tên gọi dòng máy bay tiêm kích nổi tiếng của Liên Xô, các thiết kế trong “dòng họ MiG” đã bảo vệ bầu trời hàng chục nước trên thế giới.

MiG là cụm từ được ghép giữa tên của 2 nhà thiết kế Artem Ivanovich Mikoyan và người cộng sự Mikhail Iosifovich Gurevich. Hai nhà thiết kế hàng không nổi tiếng này trong hàng chục năm đã hợp sức cho ra đời hàng loạt mẫu máy bay chiến đấu nổi tiếng, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời nhiều quốc gia trên thế giới cho tới tận ngày nay, trong đó có Việt Nam.
Dưới đây là một vài thành viên tiêu biểu nhất trong “họ MiG”:
MiG-15: mở đầu huyền thoại MiG
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, bước vào thời đại máy bay phản lực, Cục thiết kế Mikoyan đã nhanh chóng nắm bắt được xu thế mới và cho ra đời máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên, MiG-9.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng các phi công Liên Xô thời đó khá sợ khi bay trên một chiếc máy bay không có cánh quạt, và họ cũng không có kinh nghiệm khi lái những chiếc máy bay được trang bị động cơ phản lực. Hơn nữa những chiếc phản lực cỡ như MiG-9 gặp nhiều vấn đề trong thiết kế khiến phi công gặp tai nạn.
Nhưng sau đó nhờ nắm bắt được điều này nên Cục thiết kế Mikoyan đã tiến hành khắc phục những chiếc máy bay của mình và giúp nó ngày càng hoàn thiện hơn và họ đã đạt được thành công ban đầu của mình khi tạo ra chiếc máy bay phản lực MiG-15 - một trong những chiếc máy bay chiến đấu phản lực tốt nhất của Liên Xô những năm 1950.
 Tiêm kích phản lực cận âm MiG-15.
Nơi những chiếc MiG-15 thể hiện được vai trò của nó là trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), và người Mỹ hoàn toàn bất ngờ trước sự xuất hiện của những máy bay chiến đấu phản lực của Liên Xô. Những chiếc MiG-15 dễ dàng bắn hạ những chiếc F-80 của Mỹ, và người Mỹ phải bắt buộc gửi những chiếc F-86 tới tham chiến . Điều đó càng nói lên sức mạnh của những chiếc máy bay phản lực của Liên Xô trong giai đoạn đầu của Chiến tranh lạnh.
Và MiG-15 là máy bay chiến đấu phản lực được sản xuất rộng rãi nhất trên thế giới. Bên cạnh Liên Xô, nó còn được sản xuất theo giấy phép tại Ba Lan, Tiệp Khắc, và Trung Quốc. Có tất cả hơn 15.000 MiG-15 được sản xuất trên thế giới, nó từng phục vụ trong lực lượng không quân của hơn 40 nước suốt hơn nửa thế kỷ.
Dựa trên MiG-15, đầu những năm 1950, Liên Xô đã phát triển mẫu tiêm kích MiG-17. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, phi công Việt Nam lái MiG-17 đã giành chiến thắng vang dội trước một loạt tiêm kích siêu thanh của Mỹ, trong đó có cả F-4 Phantom.
MiG-19: máy bay của “Nông Dân”
MiG-19 (NATO định danh là Farmer - Nông dân) là mẫu tiêm kích phản lực thế hệ 2 do Cục thiết kế Mikoyan phát triển từ đầu những năm 1950. Tuy trong họ MiG, nó không có được sự nổi tiếng lớn như MiG-15 hay là MiG-21 sau này. Nhưng MiG-19 đánh dấu tiến bộ kỹ thuật của máy bay Liên Xô - chiếc máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên có khả năng "phá vỡ bức tường âm thanh" ở độ cao lớn.
 "Kẻ tiên phong" phá vỡ bức tường âm thanh của Liên Xô.
Tiêm kích đánh chặn MiG-19 trang bị 2 động cơ phản lực Tumansky RD-9B cho tốc độ 1.455km/h, tầm bay chiến đấu gần 700km, trần bay 17,5km, vận tốc leo cao 180m/s.
Hỏa lực của MiG-19 không quá mạnh với 3 pháo 30mm NR30 và 4 giá treo trên cánh dùng để lắp thùng dầu phụ hoặc 250kg bom hoặc rocket không điều khiển.
MiG-19 đã từng được sử dụng ở Liên Xô để đánh chặn các máy bay đi nhầm vào không phận của nước này.
Liên Xô trước đây từng tuyên bố họ đã bắn hạ một chiếc máy bay do thám tầm xa RB-47 của Mỹ vào năm 1960 trên khu vực Bắc cực, cũng như một số máy bay quân sự khác của Mỹ trên không phận Cộng hòa Dân chủ Đức.
 Ảnh vẽ J-6 Việt Nam bắn hạ F-4 Mỹ.
Tuy không chính thức tham gia cuộc Chiến tranh Việt Nam, nhưng bản sao của MiG-19 do Trung Quốc sản xuất mang tính J-6 đã được viện trợ cho Việt Nam đánh Mỹ. Với những “bàn tay vàng” của người phi công Việt Nam, J-6 đã thể hiện khả năng của mình khi bắn hạ cả những tiêm kích phản lực siêu thanh tối tân hơn F-4 Phantom của Mỹ.
MiG-21: huyền thoại của mọi huyền thoại
Sự thành công tiếp theo của Cục thiết kế Mikoyan là MiG-21, đây là loại máy bay chiến đấu siêu âm phổ biến nhất trên thế giới.
Những chiếc máy bay tiêm kích phản MiG-21 được đưa vào sản xuất hàng loạt từ hơn 50 năm trước, và ngày nay nó vẫn còn đang được sản xuất tại Trung Quốc với một cái tên khác – J-7.
Một điểm nổi bật của chiếc máy bay này là chi phí sản xuất thấp với phiên bản xuất khẩu của mình nó có giá còn thấp hơn một chiếc xe chiến đấu bộ binh BMP-1. NATO đặt tên MiG-21 là Fishbed, còn phi công Liên Xô gọi tên MiG-21 là Balalaika theo tên một loại đàn dân gian.
 Mẫu máy bay tiêm kích siêu thanh thành công nhất của "họ hàng nhà MiG".
MiG-21 giành được những chiến thắng vang dội trong các cuộc không chiến trên không trong Chiến tranh Việt Nam trước người tiền nhiệm của mình là MiG-19.
Với “bàn tay vàng, bộ óc sáng tạo” của phi công Việt Nam, MiG-21 vốn kém hơn MiG-21 ở một số phương diện (radar, vũ khí) nhưng lại biến thành “vũ khí nguy hiểm” trước F-4. MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam đã bắn hạ được không chỉ F-4 mà còn nhiều loại phản lực khác của Mỹ, thậm chí là cả siêu pháo đài bay B-52 – “thần tượng Không lực Hoa Kỳ” thời điểm đó.
MiG-25: cơn ác mộng tốc độ
Năm 1971, Liên Xô bí mật đưa 4 tiêm kích siêu thanh MiG-25 tới hoạt động tạm thời trong Không quân Ai Cập, cùng năm đó MiG-25 đã nhiều lần "thắng tiến" vào không phận Israel. Với tốc độ "nhanh khủng khiếp", tên lửa Hawk và cả tiêm kích F-4 của Israel đều không thể nào theo kịp MiG-25. Thậm chí kể cả khi Israel biết lịch trình bay qua không phận Israel nhưng không quân nước này không có một loạt vũ khí nào theo kịp MiG-25.
MiG-25 là thiết kế tiêm kích đánh chặn siêu thanh do Cục thiết kế Mikoyan nghiên cứu phát triển đầu những năm 1960, chính thức phục vụ năm 1970. Chiếc máy bay này được trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực Tumansky R-15B-300 cho tốc độ Mach 3,2, tầm bay 1.730km, trần bay 20km. Radar Smerch-A trên MiG-25 có công suất phát 600kW khiến mọi biện pháp gây nhiễu điện tử của đối phương đều vô dụng.
Có thể nói, sự xuất hiện của MiG-25 thời điểm đó đã khiến cho phương Tây phải kinh sợ.
 Tiêm kích đánh chặn siêu thanh MiG-25.
Sau sự thành công ở Israel 1971-1972, thậm chí đến tận 20 năm sau khi công nghệ đã phát triển vượt bậc thì MiG-25 vẫn có thành công lớn trước máy bay chiến đấu.
Chiến tranh Vùng Vịnh 1991, MiG-25 của Iraq bằng tên lửa R-40DT đã bắn hạ được một tiêm kích hạm F/A-18 Hải quân Mỹ. Cũng trong cuộc chiến này, một lần nữa MiG-25 đã cho đối thủ thấy ưu thế tốc độ của mình, trong cuộc không chiến, F-15 Mỹ đã bắn đến 10 quả tên lửa đối không vào 2 chiếc MiG-25 Iraq nhưng không trúng quả nào - lý do đơn giản MiG-25 bay nhanh hơn tên lửa.
Trên cơ sở MiG-25, sau này Mikoyan đã sáng chế ra mẫu tiêm kích đánh chặn hạng nặng MiG-31 đạt tốc độ đến Mach 2,83. Đặc biệt, đây là máy bay đầu tiên trên thế giới được trang bị hệ thống radar mảng pha, cho phép nó để xác định mục tiêu trên không (bao gồm cả các mục tiêu tầm thấp) ở khoảng cách 320 km.
Với các trang thiết bị điện tử của mình nó có thể theo dõi 24 mục tiêu, giao chiến cùng lúc với 10 mục tiêu trong số đó, và nó có thể bắn cùng một lúc 4 tên lửa không đối không để hạ những mục tiêu quan trọng nhất. Bốn MiG-31 có thể kiểm soát một khu vực không phận có phạm vi từ 800-900 km.
Điểm tựa vững vàng MiG-29 “Fulcrum”
MiG-29 là thiết kế tiêm kích phản lực thế hệ 4 được phát triển từ những năm 1970 nhằm đối địch với các tiêm kích cùng thế hệ của Mỹ gồm F-16 và F/A-18 của Mỹ.
Những chiếc MiG-29 thuộc các biến thể đầu không được trang bị hệ thống điều khiển fly-by-wire tiên tiến nhưng nó rất nhanh nhẹn, thực hiện pha quay ngoặt tức thời và duy trì ổn định hoàn hảo, góc tấn lớn và sự chống chọi tuyệt vời đối với hiện tượng quay tròn. Khung máy bay có thể chịu được gia tốc lên tới 9G khi thao diễn.
MiG-29.
Tuy nhiên, MiG-29 không có được nhiều thành công trong thực chiến đối đầu với tiêm kích Mỹ như MiG-21 hay MiG-25.
Dẫu sao, MiG-29 vẫn được sử dụng khá rộng rãi ở khoảng 25 nước tới tận hôm nay. Trong Không quân Nga, MiG-29 vẫn đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ không phận rộng lớn của liên bang.
Ngày nay, “những người thừa kế” Cục thiết kế Mikoyan đang tiếp tục nỗ lực cho ra sản phẩm tiêm kích bảo vệ bầu trời thế hệ mới, điển hình như là MiG-35, biến thể cải tiến MiG-29SMT, MiG-31BM.
Trà Khánh

Bình luận(0)