Kỹ sư, nhân viên kỹ thuật của Trung đoàn không quân tiêm kích 935 (Đồng Nai), nơi sở hữu những “hổ mang chúa” - máy bay tiêm kích đa năng siêu âm Su-30MK2 làm công việc lặng lẽ nhưng rất quan trọng: “chẩn bệnh” cho những chiến đấu cơ hiện đại nhất của quân đội VN.
Căn cứ sân bay quân sự Biên Hòa (Đồng Nai) bị đánh thức bởi tiếng xe máy vang lên từ xa vào lúc 3h55 ngày 15/5/2013. Những ánh đèn tròn sáng lóa nối đuôi nhau tiến về cổng dẫn vào sân bay. Những bóng người hối hả bước về hangar (nhà chứa máy bay) với chiếc đèn pin trên tay. Lặng lẽ và gấp gáp. Họ, những người đầu tiên có mặt tại sân bay ấy, chính là lực lượng kỹ thuật của Trung đoàn 935.
“Bình minh” lúc... 3h30
|
Các kỹ sư, nhân viên kỹ thuật ở 4 chuyên ngành chuẩn bị máy bay trước khi chúng làm nhiệm vụ. |
Mỗi vòm để máy bay được chiếu sáng bởi một đèn lớn nhưng trên tay mỗi nhân viên kỹ thuật đều có một đèn pin cá nhân. Có những khu vực ánh sáng không thể rọi tới, một người phải cầm đèn pin chiếu vào để hỗ trợ đồng đội. Mỗi nhóm kỹ thuật phải chịu trách nhiệm về khu vực, bộ phận mình phụ trách. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho một ban bay, họ hoàn thành công tác chuẩn bị cho máy bay, từ kiểm tra các trang thiết bị vũ khí khí tài, hệ thống radar dẫn đường - liên lạc, bộ phận động cơ, buồng lái... từ hôm trước. Và lúc này, họ lại chuẩn bị lần hai trước khi phi công tiếp nhận máy bay.
Trong đêm tối, ngoài kia gió hiu hiu thổi nhưng ở đây những gương mặt lấm tấm mồ hôi, những lưng áo ướt đẫm, những bàn tay gân guốc lấm lem dầu mỡ, những ánh mắt căng lên vì tập trung... Họ thỉnh thoảng mới trao đổi với nhau và chỉ tập trung cho nhiệm vụ của riêng mình. Tất cả hoạt động ấy đều diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ của một đêm đang chuyển mình về sáng.
Vào lúc 6h, ban bay bắt đầu. Căn cứ sân bay trong một sớm mai tĩnh lặng bị đánh thức bởi tiếng động cơ rít lên, gầm rú với tiếng ồn vượt mức cho phép 4-5 lần. Chỉ có một số rất ít người đeo tai nghe hoặc lấy tay bịt tai lại trong khi đứng xung quanh máy bay quan sát. Nhiều nhân viên kỹ thuật cho biết nếu đeo tai nghe họ không thể cảm nhận rõ, chính xác tình trạng “sức khỏe” của máy bay và đã làm lâu với tiếng ồn nên quen.
Khi “hổ mang chúa” lăn ra khỏi hangar, một luồng nhiệt rất lớn từ đuôi máy bay thổi vào người, nóng ràn rạt. Một số nhân viên kỹ thuật tếu táo bảo quần áo mình lúc nào cũng có “mùi nước hoa” ám khói xăng dầu. Kết thúc một đợt bay, khi “hổ mang chúa” vừa lăn về hangar, tất cả kỹ sư, nhân viên kỹ thuật lại hối hả ùa đến. Sau khi lắng nghe ý kiến của phi công về tình trạng máy bay, lực lượng kỹ thuật lại cẩn thận kiểm tra tình trạng bề ngoài máy bay, lấy các thông số của máy bay và kiểm tra lại “hổ mang chúa” rồi chuẩn bị cho đợt bay kế tiếp...
“Nếu phi công phản ảnh có hỏng hóc mới phát sinh, chúng tôi phải khẩn trương tìm ra và khắc phục ngay trong ban bay. Điều đó đòi hỏi nhân viên kỹ thuật phải có sự hiểu biết, trình độ để xử lý nhanh, chính xác, đảm bảo an toàn cho máy bay để tiếp tục đưa máy bay vào huấn luyện”, Đại đội trưởng Đại đội 2 cho biết.
Đại đội trưởng đại đội 2 năm nay 31 tuổi là người trẻ nhất đảm nhiệm vị trí này từ năm thành lập Tiểu đoàn kỹ thuật hàng không (năm 1998) của trung đoàn. Với người sĩ quan trẻ ấy, Su - tên gọi thân thương của máy bay Su-30MK2 - không chỉ đơn thuần là một khối sắt thép vô tri vô giác. Đó là chỉ cần nghe tiếng động cơ gầm rú của Su cũng có thể cảm nhận được “tình trạng sức khỏe” của Su tốt hay không, bị hỏng chỗ nào. Anh bảo Su cũng giống như con người, nếu khỏe thì giọng nói sẽ khác khi bị bệnh (nhưng nghe xong về ong hết cả đầu). Đó là niềm tự hào khi biết Su đã được chuẩn bị rất tốt, sẵn sàng lao lên trời bay lượn. Đó là cảm giác phấn chấn, hạnh phúc khi thấy Su bay về hangar an toàn sau mỗi chuyến bay, sau dông gió bất chợt.
|
Kỹ thuật viên kiểm tra bệ phóng rocket trên Su-30MK2. |
Vào lúc 9h30, cái nắng của mùa hè khiến mặt đường băng trước hangar như bị nung đốt. Hơi nóng bốc lên, bao trùm lấy cả khu vực hangar dài rộng. Nhiệt độ ở đây bao giờ cũng cao hơn những khu vực khác 2-3 độ, có lúc lên đến 45-46 độ C. Những gương mặt với mồ hôi lăn tròn rơi xuống vai áo, những tấm lưng lấm tấm mồ hôi cứ liên tục xoay đi xoay lại với công việc mỗi khi máy bay chuẩn bị xuất phát đến lúc lăn về.
Có tiếp xúc với lực lượng kỹ thuật từ cán bộ đến nhân viên mới cảm nhận được tình yêu của họ dành cho “hổ mang chúa”. Họ tỉ mỉ, nâng niu những thứ thuộc về Su. Họ không kể về những mệt mỏi, áp lực và gánh nặng cơm áo gạo tiền mà bản thân mình đang đối diện hằng ngày, dù nhiều người vẫn ở nhà thuê chưa tới tháng đã hết tiền đi chợ, vợ làm công nhân thu nhập bấp bênh; dù có những ngày đi làm với tâm trạng khôn nguôi lo lắng khi con nhập viện mà họ không thể xin nghỉ.
“Phải có trình độ, năng lực và yêu nghề mới làm được. Điều khiến tôi cảm phục là tinh thần trách nhiệm rất cao của các anh.
Chỉ cần nhìn vào gương mặt tự tin của họ là chúng tôi biết máy bay tốt
hay không", Thượng úy, phi công Đặng Đình Kiên chia sẻ.
Điều đó lý giải tại sao những hỏng hóc trừ khi không có máy thay thế, còn lại 100% hỏng hóc lực lượng kỹ thuật của trung đoàn đều sửa chữa được.
“Bàn tay vàng”
Một lãnh đạo của Quân chủng Phòng không không quân từng chia sẻ: có kỹ thuật viên chỉ học trung cấp nhưng khiến chuyên gia người Nga phải nghiêng mình.
Đó là “bàn tay vàng” Nguyễn Văn Long, là “từ điển sống” Mai Doãn Chính... Thiếu tá chuyên nghiệp Mai Doãn Chính được gọi là “từ điển sống” bởi sự uyên thâm về trình độ và kiến thức về Su-30MK2, rất ham học và trí nhớ cực tốt. Người thiếu tá ấy tự học tiếng Nga và hiện có thể phiên dịch khi những đoàn chuyên gia Moscoww qua làm việc.
|
Kỹ sư và nhân viên kỹ thuật lắp giá treo bệ phóng tên lửa. |
Còn “bàn tay vàng” Nguyễn Văn Long chỉ có bằng trung cấp nhưng gần như những hỏng hóc khó nhất luôn được anh trực tiếp sửa chữa. Trước đây, những hỏng hóc không có người sửa chữa được, anh đã tự nghiên cứu trong sơ đồ, sách vở, tự sửa nên nhiều máy không phải mang ra nước ngoài sửa. Ở trung đoàn hàng đầu về máy bay và cả kỹ thuật này của quân chủng, thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Văn Long là người đầu tiên mài được lá nén của động cơ bởi các lá nén rất mỏng, nằm xếp xen nhau nên rất khó tiếp xúc. Việc mài giũa vết sứt trên lá nén cho nhẵn lại mà lá nén không bị sứt mẻ, không bị vênh, vẫn đảm bảo đặc tính khí động của lá nén đòi hỏi tay nghề rất cao và sự khéo léo hiếm có.
Dù chỉ tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nhưng những con người lặng thầm nơi đây đã có hàng loạt sáng kiến: xe đặt ngửa nắp buồng lái (thay vì phải mua của nước ngoài), lưới ngăn chim bay vào động cơ phá hủy lá nén, dụng cụ tháo lá nén (sáng kiến của tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn kỹ thuật Đặng Xuân Vy)...
Một trong những gương mặt khá đặc biệt là trung úy Trần Gia Chuân (28 tuổi) ở phân xưởng thoát hiểm. Anh là người đã chế tạo thành công máy kiểm tra thông điện hệ thống thoát hiểm tiêm kích Su-27. Cuộc sống khó khăn, vợ là công nhân, phải ở nhà thuê, ngày đi làm tối về dạy thêm, Chuân vẫn đam mê nghiên cứu sáng tạo. Ngày đó, trước khi gửi đề xuất lên lãnh đạo, chàng nhân viên kỹ thuật chỉ có bằng cao đẳng ấy đã “lén” làm trước với nguồn kinh phí tự túc. Năm 2011 là thời điểm Chuân mới ra trường, lương chưa tròn 3 triệu đồng, anh lấy tiền dạy thêm giấu vợ mua từng thiết bị, bộ phận. Với sáng kiến này, thay vì phải dùng hai máy của nước ngoài như trước thì bây giờ chỉ cần một máy lại nhẹ nhàng khi vận chuyển và chỉ cần một người thay vì hai như trước, tiết kiệm gần một nửa thời gian thao tác.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU