Đồ hộp của lính Mỹ: ngon, bổ, 3 năm mới hỏng

Google News

Lính Mỹ ăm khẩu phần MRE (Bữa ăn có thể dùng ngay) gồm những món đồ hộp đầy đủ chất dinh dưỡng có hạn sử dụng ít nhất 3 năm.

Một trung tâm nghiên cứu của Mỹ hiện đang nghiên cứu chế ra các loại đồ hộp và thực phẩm đóng gói để quân nhân có thể sử dụng một cách tiện lợi trên chiến trường. Tuy nhiên làm thế nào để thực phẩm vừa có thể bảo quản được lâu, vừa có mùi vị thơm ngon như khi mới nấu xong, luôn là một thách thức lớn.

Lâu nay người ta vẫn đồn nhau rằng Twinkies, một loại bánh chứa kem nhỏ rất nổi tiếng và được người Mỹ ưa thích, có thể tồn tại trong kho cất trữ tới hàng thập kỷ và thậm chí vẫn ăn được sau một cuộc chiến tranh hạt nhân. Thực tế chúng chỉ giữ được độ tươi ngon trong có một tháng trời và khả năng bảo quản của chúng cũng không tốt như người ta tưởng.

Đồ ăn có hạn sử dụng tối thiểu 3 năm

Hiện các nhà khoa học tại Trung tâm Kỹ thuật, Nghiên cứu và Phát triển Người lính Natick của Lục quân Mỹ ở Massachusetts có nhiệm vụ tạo ra các loại thực phẩm có thể đảm bảo giữ nguyên chất lượng dù trải qua điều kiện chiến tranh khắc nghiệt. Họ tạo ra các khẩu phần ăn quân đội, dù không thể giúp người ta sống sót qua một cuộc chiến tranh hạt nhân, đã tiến bộ hơn rất nhiều so với những loại thực phẩm như Twinkie.
 Bên trong một khẩu phần tiêu chuẩn của Lục quân Mỹ với một món chính (gói to nhất bên trái) và rất nhiều món ăn phụ.

Khẩu phần ăn thường xuyên nhất của lính Mỹ hiện là MRE - viết tắt của cụm từ "Bữa ăn có thể dùng ngay", vốn được giới thiệu từ đầu những năm 1980. Về cơ bản đây là một bữa ăn đầy đủ được đóng gói cẩn thận, gồm một món chính như lasagne, nhiều món phụ và một thiết bị làm nóng đồ ăn sử dụng hóa chất, được kích hoạt khi người ta thêm vào gói này chút nước.

MRE luôn có hạn sử dụng tối thiểu 3 năm và suốt thời gian này, thực phẩm vẫn được bảo quản tốt kể cả khi người ta để nó ở nhiệt độ 26,7 độ C.

Nhu cầu phải có những khẩu phần ăn có thể tồn tại dài ngày mà không biến chất đã hình thành trong những ngày đầu của cuộc đua vào vũ trụ. Khi đó, các nhà khoa học tìm kiếm các loại thực phẩm có thể chịu đựng được các điều kiện khắc nghiệt của việc di chuyển trong vũ trụ. Một số món ăn về sau đã nổi tiếng vì cách chúng được bảo quản, hơn là vì hương vị. Ví dụ như kem sấy đông lạnh được thiết kế cho sứ mạng của tàu Apollo lên chinh phục Mặt trăng. Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ, loại kem sấy sau đó chỉ lên vũ trụ một lần duy nhất.

Thực phẩm hỗ trợ chiến đấu

Về phía quân đội, nhu cầu về các khẩu phần ăn có thể bảo quản dài ngày hình thành từ đặc điểm cơ bản của chiến tranh: Thực phẩm có thể mang theo tới chiến trường sẽ giảm bớt sự lệ thuộc vào hệ thống tiếp tế, vốn dễ bị quân địch tấn công gây thiệt hại. Nhưng điều này cũng có nghĩa các khẩu phần ăn phải vừa đủ chất và vừa nhẹ để người lính có thể mang theo dễ dàng.

Tại các phòng nghiên cứu Natick, nhà khoa học hiện tập trung vào các cách thức để khiến một khẩu phần ăn có nhiều chất nhất, nhưng vẫn không quá nặng. Ví dụ như trong nhiều năm, họ tìm cách thêm dầu omega 3 với nhiều lợi ích cho sức khỏe vào đồ ăn. Vấn đề là axít béo trong dầu omega 3 oxy hóa rất nhanh.

“20 năm trước, khẩu phần ăn có omega 3 tồn tại suốt 3 năm trong điều kiện nhiệt độ 26,7 độ C là điều không tưởng", nhà khoa học thực phẩm tại Natick là Danielle Anderson cho hay.
 Công việc của các nhà khoa học ở Natick là tìm cách để khẩu phần ăn quân đội luôn đa dạng, không bị hỏng hoặc mất vị thơm ngon trong điều kiện khắc nghiệt kéo dài.

Tuy nhiên kể từ đó, Anderson và các cộng sự của cô tìm ra cách để hòa tan một lượng rất nhỏ các phân tử dầu omega 3 vào thức ăn và khiến chúng không có phản ứng với các thành phần khác trong bữa ăn. Thành tựu của nhóm là giúp quân đội cho ra một loại bánh mỳ hương chanh có chứa 300mg omega 3 nhưng không có mùi tanh hoặc biến chất nhanh.

Lượng omega 3 trên nhiều gấp đôi lượng omega 3 người ta thu được từ việc ăn một hộp cá thu nặng 85 gram.

"Bánh khá ngon đấy", Anderson cho biết. Cô cho biết nếu bánh được đặt trong hộp cùng chất hút khí oxy, nó có thể giữ nguyên chất lượng trong 3 năm. Ý tưởng của nhóm hiện là thêm silica gel vào hộp chứa để nó hút ẩm. Hiện bánh vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và chưa được mang ra chiến trường sử dụng.

Ngoài việc đảm bảo khẩu phần ăn cho lính, nhà khoa học ở Natick còn tìm kiếm và tạo ra các loại thức ăn có thể giúp người lính làm việc và chiến đấu tốt hơn. Những loại thức ăn này hoặc giúp người lính không bị bệnh tật, hoặc tăng cường sức lực cho họ, giúp vượt qua các điều kiện khắc nghiệt.

Nhà khoa học Anderson chia sẻ rằng, gần đây nhóm nghiên cứu hướng sự chú ý tới probiotic, được xem là "các vi khuẩn có lợi". Các vi khuẩn này đã được thêm vào một số thực phẩm được ưa chuộng ngoài đời như sữa chua. Từ quan điểm của Lục quân, probiotic là yếu tố rất đáng quan tâm vì nó có thể bảo vệ người lính khỏi các virus gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa.

Bổ sung probiotic vào thực phẩm là thách thức không nhỏ, nhất là chúng phải tồn tại được trong vài năm. “Chúng tôi chưa có công nghệ cho phép probiotic, vốn là vi khuẩn sống, có thể sống sót trong điều kiện lâu dài tới vậy" - Anderson nói.

Thách thức không thể vượt qua

Cuối cùng, các bữa ăn đóng gói này phải ngon lành để người lính có thể thoải mái thưởng thức chúng, bởi sau rốt nếu đồ ăn làm ra không ai muốn thử thì xem như đã thất bại.

Một số khẩu phần ăn quân đội như mỳ tortellini phủ phô mai, có thể chịu được điều kiện nhiệt nóng trong nhiều năm mà vẫn thơm ngon. Tuy nhiên trứng rán ốp-lết với phô mai và rau lại không được lính ưa thích nên người ta đã loại bỏ nó.

Vì thế các nhà khoa học ở Natick gần như không hết việc. Họ thường xuyên phải thử nghiệm các loại thực phẩm mới cũng như phương thức bảo quản thực phẩm lâu dài mới cho quân đội. Năm 2013, họ sẽ thêm vài món ăn mới vào thực đơn của quân đội, đặc biệt là các món ăn chay và không có gluten.

Nhưng dù đã trải qua nhiều thách thức, các nhà khoa học ở Natick hiện vẫn chưa vượt qua được trở lại lớn nhất: tạo ra những chiếc bánh có thể ăn được và vẫn giữ vị thơm ngon sau 3 năm ở trong điều kiện nhiệt 26,7 độ C. Người ta thử nhiều phương thức xử lý thực phẩm như sấy bằng dung dịch có độ thẩm thấu cao, nhưng không thành công. Vì thế, các nhà khoa học "đau đầu" để tạo ra bánh mỳ kẹp và pizza, ngay cả loại pizza đơn giản nhất có thể bảo quản lâu dài vẫn là thách thức lớn nhất hiện nay.

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Thể thao & Văn hóa

Bình luận(0)