|
"Cà phê" xay thẳng xuống nền đất rồi mới hốt lên đóng bịch. |
Ngày 20/1, thượng tá Lê Tôn Cương, Phó trưởng phòng Phòng chống tội phạm về Môi trường, Công an Đắk Lắk cho biết, đang khẩn trương củng cố hồ sơ, phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với cơ cở sản xuất cà phê bột siêu bẩn, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm quy mô lớn vừa được lực lượng Cảnh sát môi trường phát hiện.
Clip cận cảnh cơ sở sản xuất cà phê bột siêu bẩn:
Sáng 19/1, Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường tiến hành kiểm tra đột xuất và niêm phong các sản phẩm cà phê của cơ sở chế biến cà phê bột không tên ở thôn 14, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột, do Nguyễn Đình Quang (32 tuổi) làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất cà phê bột. Điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo, tất cả hoạt động từ khâu rang, xay, đóng gói đều được làm dưới nhà xưởng cáu bẩn.
Điều đáng nói là nguyên liệu để chế biến ra cà phê bột có tới 90% là đậu nành và bắp. Để cho ra loại cà phê “hảo hạng” này, Quang đã dùng nhiều loại hóa chất không có nguồn gốc, xuất xứ để “phù phép” bắp và đậu nành đã rang chín thành cà phê bột có màu, hương thơm giống hệt cà phê rồi bán ra nhiều huyện của tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
Cũng trong buổi kiểm tra, đoàn phát hiện tại nhà xưởng của cơ sở 11 bao đậu nành có tổng trọng lượng 250kg, 33 bao hạt bắp (1.500 kg), 4 bao bắp, đậu nành đã rang tẩm hóa chất (120kg), 1 bao cà phê bột (30 kg). Ngoài ra, công an còn thu giữ 1 gói hóa chất đường Sodium Cyclamate, 1 thùng đường Caramen, 1 thùng bơ cùng một số phẩm màu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Được biết, mỗi ngày cơ sở này tung ra thị trường trên dưới 100kg cà phê bột thành phẩm, với giá khoảng 60.000đ/kg.
Thượng tá Lê Tôn Cương, Phó trưởng phòng Phòng chống tội phạm về Môi trường cho biết, cơ sở rang xay cà phê của Quang hoạt động từ năm 2013, trước đây từng bị kiểm tra và xử phạt với số tiền 37,5 triệu đồng.
“Để sản xuất lượng cà phê bột lớn bán ra thị trường, cơ sở đã dùng tới 90% nguyên liệu chế biến là đậu nành, bắp cùng với nhiều loại chất hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trước tiên, chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm, nếu sai phạm sẽ tiến hành tiêu hủy toàn bộ số cà phê đã được chế biến và xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, thượng tá Cương nhấn mạnh.