Mời các bạn xem trailer của chương trình:
Ngày 20/3/2015, Kênh ANTG - Truyền hình An Viên phát phóng sự “Con trâu mang trái tim người” trong dải giờ “8 giờ 15 phút tối”. Đó là câu chuyện với nhiều tình tiết ly kỳ nhưng cũng không kém phần cảm động của một gia đình nghèo ở Nho Quan, Ninh Bình. Nơi đó có một đôi vợ chồng trở về từ chiến trường, một người con mang trong mình chất độc da cam chết người và một… chú trâu.
|
Đôi mắt chứa nhiều xúc cảm của Đực. |
Vì chất độc da cam, từ khi còn trong bụng mẹ, anh Trương Văn Thành đã bị liệt hai chân. Từ nhỏ Thành đã phải đi bằng tay, lê lết trong nỗi buồn và mặc cảm tàn tật cho đến ngày Đực (tên chú trâu) ra đời. Lúc đó, Thành thực sự có một người bạn. Mười năm qua, Đực dính với Thành như hình với bóng, được nghe Thành tâm sự mọi điều, bảo gì cũng làm. Từ khi nào, một chú trâu bắt đầu có cảm xúc như con người.
Ngoài việc trở thành đôi chân cho Thành, chú trâu còn là một phương tiện kéo xe hoàn hảo cho gia chủ, là “cái xe” để Thành vượt suối, băng rừng khi mùa lũ. Gắn bó với Thành quá lâu, khi Thành có vợ, Đực cũng biết “ghen bóng ghen gió”, ghét vợ Thành ra mặt. Khi bị Thành mắng, Đực mắt đỏ hoe, rơm rớm nước.
|
Đoàn làm phim trực tiếp chứng kiến chú trâu “huyền thoại”. |
Câu chuyện còn trở nên ly kỳ hơn khi gia chủ kể lại, thế hệ trước của Đực, từng vì ông Ngơi (bố của Thành) mà chết khi đang khỏe mạnh. Lúc đó, ông Ngơi đang bệnh nặng, gia đình đang chuẩn bị lo hậu sự thì có người bảo gia đình về việc đang nuôi một
con trâu lạ, nếu nó còn thì ông mất và ngược lại. Đột nhiên, con trâu năm ấy bị bệnh, đang trong lúc khỏe mạnh nhất thì khụy cả bốn chân xuống không dậy nổi. Nó chết. Và ông Ngơi khỏi bệnh về nhà cho đến giờ.
Đó là câu chuyện mà êkíp thực hiện phóng sự đã truyền tải đến cho người xem. Sự ly kỳ thái quá đôi khi cũng làm chính khán giả nửa tin nửa ngờ. Anh Mạc Trung Tuyển, thành viên của êkíp làm phim, người đã tận mắt chứng kiến con trâu “huyền thoại” chia sẻ: "Nếu không chứng kiến, bạn sẽ khó tin một người khuyết tật như chủ nhân của con trâu ấy lại có thể lên xuống xe trâu hay đánh xe đi kéo thuê cho mọi người. Êkip sản xuất chúng tôi cũng thử ngồi xe trâu… cảm giác thật khác lạ. Nó là con trâu rất tuyệt. Lúc đầu tôi thử mọi cách nhưng cũng không chạm được vào con trâu đó. Chỉ khi chủ của nó bảo là: cho chú ấy sờ một cái, lúc đó tôi mới có thể chạm được vào".
|
Nụ cười hạnh phúc của anh Thành khi ở bên người bạn của mình. |
Sau khi phát sóng, phóng sự về chú trâu có một không hai này lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả xem truyền hình. Nhiều cuộc điện thoại gọi đến Truyền hình An Viên để hỏi thông tin liên lạc của gia đình. Clip phóng sự trên kênh YouTube cũng ghi nhận lượt xem tăng liên tục và nhanh chóng cán mốc 1 triệu lượt trong thời gian ngắn. Hàng trăm bình luận của người xem chia sẻ về cảm xúc khi xem chương trình.
Một thành viên khác trong êkíp thực hiện cũng cho biết: “Chủ nhân của con trâu thỉnh thoảng có điện lên cho chúng tôi chia sẻ rằng ngày càng có nhiều người đến hỏi han về con trâu, gia đình anh được hàng xóm láng giềng giúp đỡ và hỗ trợ nhiều hơn. Mấy hôm trước anh Thành lại gọi điện cho chúng tôi nói là: dạo này không đi xe trâu được vì mới nằm viện về. Mẹ anh ấy cũng bị gãy tay... Mong rằng sẽ có nhiều người giúp đỡ anh chị ấy.
Theo tinh thần của Đạo Phật: "Kiếp trước nợ ơn chưa trả…Kiếp này làm thân trâu ngựa báo đền công ơn". Câu chuyện về chú trâu Đực và anh Thành như một nghiệm chứng về luật nhân quả của cuộc sống, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó chính là điều chạm đến xúc cảm của người xem và mang lại thành công cho phóng sự “Con trâu mang trái tim người”.