Tham là sự đắm say, sự tham đắm, sự ham muốn, sự đam mê về một điều gì đó. Đạo Phật có nói, tham là một trong ba độc làm cho con người rơi vào đau khổ. Là một kẻ phàm phu về bản chất ai cũng có lòng tham, kể cả những người đang tu học. Lòng tham biểu hiện từ nhỏ đến lớn, từ những thứ đơn giản đến những thứ phức tạp và càng tinh tế hơn rất nhiều. Nó sẽ khiến con người không có điểm dừng và tạo ra những nghiệp xấu, rơi vào nhân quả trầm luân sinh tử.
Tham có nhiều tầng nghĩa và mức độ khác nhau. Không hẳn một người không trộm cắp, chiếm đoạt của ai là không tham và đinh ninh rằng mình là người tốt. Cũng giống như việc ăn quá nhiều (tham ăn) cũng là một việc không tốt.
Không phải ngẫu nhiên mà trong truyền thuyết của Công Giáo luôn kể về 7 tội lỗi lớn nhất của con người để răn đe và hạn chế những điều xấu sẽ xảy ra. Đây là nhóm tội lỗi được biết đến nhiều nhất trong Kito giáo để nói về sự lạm dụng hoặc sự thái quá về những đam mê của con người, bao gồm: Kiêu Ngạo, Tham Lam, Dục Vọng, Lười Biếng, Đố Kị và Tham Ăn.
Tham Ăn thể hiện sự ham muốn tột độ đối với thực phẩm và sự ham muốn đó dần dà trở thành nguồn cơn của tội ác. Sự thèm muốn thức ăn quá độ có thể dẫn đến sự ích kỉ, cơ bản đó là đặt mối quan tâm và lợi ích của bản thân lên trên hạnh phúc hoặc lợi ích của người khác. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, tham ăn còn có thể dẫn đến những cái chết lãng xẹt. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ điển hình.
Những vị khách may mắn trong chuyến đi đến Khu bảo tồn động vật Sabi Sand, Nam Phi đã vô tình quay lại thước phim hài hước nói về rắc rối mà một chú sư tử gặp phải khi quá tham ăn.
Nguồn: Sabi Sabi Reserve.
Theo như lời kể của tác giả, câu chuyện bắt đầu khi nhóm khách theo chân đàn sư tử Mhangeni đi săn mồi. Đây được xem là một trong những đàn sư tử đông và nguy hiểm nhất ở Sabi Sand. Bắt đầu hình thành từ một nhóm nhỏ từ phía bắc, đàn Mhangeni đã kéo quân đến Londolozi để đánh đuổi những người kiểm soát khu vực là Mapogo và từ đó truyền thuyết về một đội quân săn mồi bất khả chiến bại được lưu truyền.
Câu chuyện truyền kỳ về sức mạnh của đàn sư tử Mhangeni không phải tự nhiên mà có. Ngay trong lần đầu tiên theo dõi, chúng đã khiến những vị khách phải trầm trồ thán phục bởi sự hiệu quả.
Khi đi săn mồi, sư tử cũng đi theo đàn dưới sự dẫn dắt chủ yếu của sư tử cái. Mỗi con sư tử cái sẽ có một vai trò riêng trong đàn. Sự phân bổ vị trí như vậy giúp chúng săn được những con mồi lớn hơn như trâu rừng châu Phi, linh dương đầu bò hay thậm chí cả hươu cao cổ.
“Bí quyết” thường thấy nhất của sư tử đó là tấn công hệ thống hô hấp của con mồi. Cuộc đi săn sẽ diễn ra nhanh và gọn gàng hơn nếu như chúng cắn hoặc xé rách cổ họng con mồi. Sự phối hợp là rất quan trọng trong trường hợp con mồi quá lớn, một số con sư tử có nhiệm vụ “nhử” con mồi trong khi các con sư tử khác “thầm lặng” tiến đến và kết liễu.
Sau khi đánh bại được một con trâu rừng lớn, cả đàn đã kéo nó đến một nơi hoang vắng để tận hưởng. Khi ăn uống, đàn sư tử cũng phân chia thứ bậc rõ ràng. Những miếng ngon và được ăn đầu tiên sẽ được để dành cho con đầu đàn rồi mới đến các thành viên khác. Tuy nhiên, một chú sư tử bé không hiểu vì do quá đói hay do thói lanh chanh đã lao đến rồi điên cuồng đánh chén phần bụng của con trâu rừng. Vì quá mải mê trong mùi thịt tươi mà nó đã mắc kẹt đầu của mình trong bụng của con mồi. Tình huống ngang trái kéo dài hơn một phút cho đến khi những thành viên khác trong đàn kéo đến giúp sức. Chẳng may nếu tình trạng mắc kẹt kéo dài thêm có lẽ con sư tử đã chết vì nghẹt thở.