Chiều 7/7, UBND Thành phố Hà Nội phối hợp cùng Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa – tâm linh (Công viên hữu nghị Việt – Nhật) và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch”.
|
Phối cảnh cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa – tâm linh. |
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn và Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có: Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Phạm Thanh Hà; Bí thư thứ hai Ban Kinh tế - Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Toriyama Jin; đại diện các ban, ngành liên quan, các chuyên gia và nhà khoa học.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng nêu rõ, sông Tô Lịch đã gắn bó với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội cả nghìn năm nhưng hiện nay đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đứng trước thực trạng này, nếu không có quyết tâm chính trị cao với những giải pháp đúng đắn, khoa học để cải tạo thì sông Tô Lịch có khả năng trở thành dòng sông chết. Do vậy, Hội thảo muốn lắng nghe nhiều ý kiến, đóng góp thẳng thắn, tích cực về dự án để được nghiên cứu khách quan mang lại sự kỳ vọng lớn về việc thay đổi dòng sông Tô Lịch xanh, sạch, đẹp của lãnh đạo và người dân Hà Nội.
|
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA. |
Giải quyết tình trạng ngập úng của Hà Nội
Theo thông tin nêu tại hội thảo, dự án sẽ được triển khai tại lưu vực sông Tô Lịch trên địa bàn TP, chiều rộng giới hạn từ mép vỉa hè hiện trạng dọc hai bên sông đến tim sông; nằm bên trong mốc chỉ giới đường đỏ của đường hai bên sông. Kinh phí thực hiện từ nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Chính phủ Nhật Bản.
|
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE). |
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) – đơn vị đề xuất dự án, cho biết, dự án với 2 hợp phần chính, gồm:
Hệ thống đường cao tốc ngầm hoạt động 2 chiều riêng biệt kết nối vào ra tại các điểm nút giao thông huyết mạch của Thủ đô. Hệ thống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới cao tốc ngầm) và bể điều áp khổng lồ.
Hệ thống hầm ngầm dài khoảng 11,65km bao gồm các máng thu đặt dọc một bên mép hè đường dạo dọc Công viên Lịch sử văn hoá, tâm linh Tô Lịch, sau đó chảy vào 9 giếng thu nước được bố trí tại 9 vị trí dọc theo sông, được kết nối với nhau bởi một đường hầm ngầm có đường kính D16,8m. Hầm ngầm dẫn nước chảy về một bể điều áp khổng lồ ở cuối tuyến (gần đập Thanh Liệt).
Bể điều áp được thiết kế để chứa được hàng triệu m3 nước đáp ứng các trận mưa lớn với cường độ mưa lên tới 500mm. Nước chứa từ bể điều áp sẽ được tiêu thoát ra sông Nhuệ bằng hệ thống máy bơm với công suất 200m3/s sau khi mực nước sông Nhuệ xuống thấp để đảm bảo chống ngập.
Hợp phần thứ 2 là công viên lịch sử - văn hoá – tâm linh Tô Lịch nằm ở phía bên trên. Hai bờ kè đá hộc mái dốc hiện có sẽ được phá dỡ và xây dựng lại thành bờ kè thẳng đứng; xây dựng đường dạo dọc hai bên lòng sông tại ví trí mái dốc kè thẳng xuống để tạo không gian đi bộ, tập thể dục cho người dân.
Phía dưới đường dạo tính toán đặt các cửa tràn thu nước dẫn dòng vào hệ thống hầm ngầm chống ngập để khống chế mức nước trên sông khi có lũ hoặc khi có nguồn nước bổ cập vào sông.
Các công trình văn hoá như khu Thực thể, khu Tượng đài, khu Văn bia… sẽ được xây nổi trên sông. Kết hợp với đó là là các cầu mái vòm nối hai bờ sông với độ cong mái phù hợp để thuyền rồng chở khách du lịch có thể qua lại bên dưới thuận lợi, dễ dàng.
Ông Tuấn khẳng định, dự án sẽ không tác động đến khi dân cư ở 2 bên sông, không phải giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện dự án; không thu hẹp lòng sông, không bê tông hoá, cứng hoá đáy sông…
Ngoài ra, dự án sẽ giải quyết dứt điểm mùi hôi thối và các nguồn gây ô nhiễm cả trong và ngoài sông; góp phần giải quyết tình trạng ngập úng của Hà Nội và vấn đề giao thông đô thị...
Không nói về tổng mức đầu tư của dự án nhưng ông Tuấn cho biết, sẽ có báo cáo chi tiết trong thời gian tới. Phương án tài chính là sẽ sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA, một phần vốn đối ứng trong nước và một số nguồn tài chính khác.
"Làm sống" sông Tô Lịch
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, TP đã giao nhiệm vụ cho các sở ngành nghiên cứu đề xuất trên. Sông Tô Lịch trước đây vốn từng là một phân lưu của sông Hồng đưa nước từ thượng lưu sông Hồng sang sông Nhuệ… Sông Tô Lịch ngày nay có điểm đầu từ Hoàng Quốc Việt đến điểm cuối là đập Thanh Liệt (hạ lưu) nhập vào sông Nhuệ, tổng chiều dài gần 13km.
Sông có các nguồn cấp nước chính từ nước Hồ Tây, sông Lừ, nguồn nước mưa, nước thải… dọc hai bên bờ sông. Trong hệ thống thoát nước Hà Nội, lưu vực Tô Lịch có mật độ dân cư rất cao. Nước thải sinh hoạt phát sinh đổ vào hệ thống sông Tô Lịch gây ô nhiễm nhiều năm qua, khiến dòng sông lịch sử trở thành dòng sông chết.
|
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn. |
Trong quá trình phát triển đô thị hóa, cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị, các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét trong khu vực nội đô đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống thoát nước chung của TP, có giá trị lịch sử, cảnh quan, kiến trúc và môi trường.
Hiện trạng các sông hiện đều đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, đến nay TP chưa có giải pháp mang tính toàn diện để khắc phục, xử lý hiệu quả, triệt để. Do vậy, công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết, phát triển đô thị đặt ra nhiệm vụ cấp thiết là phục hồi, “làm sống lại sông Tô, Kim Ngưu, Lừ, Sét”.
TP đã giao các sở, ngành kiểm tra, rà soát tổng thể các nội dung về quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (quy hoạch thoát nước) được tích hợp trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) dọc hai bên sông Tô Lịch – Kim Ngưu – Lừ - Sét trong đó gắn với định hướng giải pháp môi trường, cảnh quan, giao thông, lịch sử văn hoá, thoát nước, xử lý nước thải…
“Việc xây dựng hầm ngầm kết hợp giao thông để tăng khả năng thoát nước của lưu vực với trận mưa đạt 500mm là có cơ sở trong bối cảnh thực trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra như hiện nay. Đồng nghĩa với việc thay đổi chức năng, nhiệm vụ của sông Tô Lịch theo hướng trở thành một tuyến cảnh quan trong đô thị.
Chức năng thoát nước của sông Tô Lịch được thay thế bằng hệ thống hầm ngầm dọc theo sông. Những nội dung đề xuất này cần được các sở, ngành của thành phố nghiên cứu đề xuất, tiếp cận có định hướng tốt. Thậm chí là tham khảo các ý kiến của chuyên gia và nhà khoa học. Chắc chắn là đề xuất này cần được nghiên cứu để điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung tới đây”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nói.
Theo định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013 xác định sông Tô Lịch có nhiệm vụ chính là phục vụ thoát nước cho đô thị, có chức năng là công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật thu gom nước mưa trong phạm vi lưu vực Tô Lịch để tự chảy ra sông Nhuệ khi mực nước sông Nhuệ nhỏ hơn hoặc bằng 3,5m.
Theo đó, Thành phố Hà Nội đã nghiên cứu nội dung đề xuất của Công ty cổ phần tập đoàn môi trường Nhật Việt JVE là xây dựng dự án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử - văn hóa – tâm linh (Công viên hữu nghị Việt Nhật). Dự án bao gồm các giải pháp tổ chức cảnh quan, xử lý ô nhiễm nước, thoát nước chống ngập kết hợp với ùn tắc giao thông. Việc đề xuất tạo ra các không gian đi bộ và xây dựng các công trình nổi trên mặt sông Tô Lịch mang đậm tính văn hóa lịch sử là một ý tưởng độc đáo, có tính ứng dụng trong quá trình nghiên cứu, triển khai.