Những bệnh dịch khủng khiếp ở thiên đường du lịch

Google News

(Kiến Thức) - Kể cả những thiên đường du lịch đôi khi cũng là nơi "dung dưỡng" dịch bệnh, vì vậy, hãy tìm hiểu kỹ những bệnh dịch đang có ở điểm đến của bạn trong mùa nghỉ lễ này. 

 Du lịch là thời gian thư giãn kỳ thú của mọi người, nhưng hãy cẩn trọng những dịch bệnh tại nơi bạn đến. Ảnh minh họa. 

Sốt thương hàn ở Samoa và Ấn Độ

Năm 2012, 38 trường hợp mắc bệnh thương hàn được chẩn đoán ở New Zealand, hầu hết trong số họ bị lây bệnh khi đi du lịch ở Samoa hay Ấn Độ.

Samoa và Ấn Độ là những nước mà bệnh thương hàn khá phổ biến. Đây là căn bệnh nghiêm trọng. Nếu bạn muốn du lịch đến đây, bạn nên tiêm ngừa bệnh thương hàn trước khi đi (3 liều thuốc uống), đồng thời giữ vệ sinh ăn uống cũng như bàn tay trong quá trình đi lại.
 
Sốt xuất huyết ở Australia, Thái Bình Dương, Châu Á và Nam Mỹ/ châu Mỹ Latinh

Sốt xuất huyết là bệnh theo mùa ở Bắc Queensland, Australia, nhiều nơi trên Thái Bình Dương (quần đảo Cook, Fiji, Kiribati, Marshall Islands, New Caledonia, Palau, Samoa, quần đảo Solomon, Tonga, Vanuatu), cũng như các nước trong Châu Á (bao gồm cả Ấn Độ) và Nam Mỹ/ Mỹ Latinh. Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm do virus gây ra, lây lan qua vết cắn của muỗi bị nhiễm bệnh.

Vì không có vắc xin phòng chống bệnh sốt xuất huyết, du khách tới các khu vực này nên sử dụng thuốc chống côn trùng, mặc quần áo bảo hộ, và ở những nơi có lưới chống muỗi cửa sổ và cửa ra vào. Nếu bạn cảm thấy ốm trong suốt chuyến đi hoặc trong hai tuần đầu tiên sau khi trở về, bạn nên đi khám ngay lập tức.

Bệnh sưng phổi nặng (Legionnaires') tại Bali, Indonesia

 Hình ảnh phổi người bị tổn thương do bị bệnh Legionnaires '. Ảnh: Health picture.com.

Đã có một số ít khách du lịch Australia bị kết luận mắc bệnh Legionnaires ' khi vừa trở về từ khu vực Kuta của Bali. Cơ quan y tế Indonesia và Tổ chức Y tế Thế giới nhận thức được sự bùng nổ và đang điều tra nguyên nhân gây bệnh.

Du khách trở về từ Bali trải qua triệu chứng giống cúm gia cầm như sốt và ho nên tìm tư vấn y tế ngay lập tức.

Ngoài Bali, bệnh này còn được phát hiện xuất hiện ở Mỹ, Trung Quốc, Tây Ban Nha... Thời điểm dịch dễ bùng phát là mùa hè hoặc đầu mùa thu.

Papua New Guinea: Dịch tả bùng phát

Một dịch tả bùng phát gần đây đã lây lan ra nhiều vùng của Papua New Guinea (tỉnh Morobe và vùng cao nguyên phía Đông). Hiện, bệnh được xác nhận xuất hiện ở vùng Port Moresby.

Tả là một bệnh tiêu chảy gây ra do nhiễm khuẩn, dẫn đến mất nước nghiêm trọng và có thể tử vong. Có vắc xin phòng bệnh tuy nhiên không đảm bảo phòng bệnh được  100%.

Du khách được khuyên nên tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa vệ sinh cơ bản, bao gồm rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt là trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn; tránh ăn thực phẩm tươi sống và chỉ uống nước đã được đun sôi hoặc xử lý bằng clo.

Indonesia: Bệnh dại ở Bali

Cuối năm 2008, Chính phủ Indonesia đã xác nhận sự hiện diện của bệnh dại trên đảo Bali, Indonesia, hiện đang ảnh hưởng đến loài chó. Một số người sau khi bị chó cắn đã bị các triệu chứng như bệnh dại và tử vong.

Bệnh dại là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng, thường lan truyền qua vết cắn của động vật và vết trầy xước. Sự bùng nổ phát này có nghĩa là bất cứ ai lên kế hoạch đi du lịch đến hòn đảo xinh đẹp này cần phải nhận thức được nguy cơ mới này. Du khách nên cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ kỹ càng về việc tiêm phòng bệnh dại. Đặc biệt, nên cẩn thận tránh bị chó, cũng như các loài động vật khác như khỉ cắn. Nếu bạn chẳng may bị động vật cắn, cần tìm trợ giúp y tế ngay.

Biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm:

Để tránh bệnh tật khi đi chơi xa, du khách nên chọn thực phẩm cẩn thận, vì thực phẩm tươi sống có thể bị nhiễm bệnh. Những loại nên tránh xà lách, rau sống sữa chưa tiệt trùng và các sản phẩm sữa. Bạn chỉ nên ăn thức ăn đã được nấu chín hoàn toàn, vẫn còn nóng hay trái cây đã được chính bạn rửa trong nước sạch và bóc vỏ.

Biện pháp phòng ngừa nước:

Du khách nên tránh uống nước máy trừ khi chắc chắn nước không bị ô nhiễm. Ở những nơi nước máy có thể bị ô nhiễm, thì bạn có thể uống và đánh rằng bằng nước bán sẵn như nước đóng chai, trong bao bì kín, hoặc nước đã được khử trùng đầy đủ. Những đồ uống được làm từ nước đun sôi để nguội hoặc nước sôi (như trà và cà phê) là những thức uống an toàn.

Đồ uống có ga nhẹ, nước trái cây đóng hộp và rượu chưa mở, trong hộp kín hoặc chai cũng có thể được coi là an toàn.

Những thức uống không tin cậy được bao gồm: nước ở đài phun nước, nước trái cây làm từ nước máy, trà đá và cà phê đá. Bởi đá có thể được làm từ nước bị ô nhiễm, bạn nên yêu cầu được phục vụ đồ uống mà không cần đá.

Đặc biệt, bạn tuyệt đối không nên bơi lội hoặc dầm trong nước có thể bị nhiễm phân và nước thải của người và động vật.
 
PV

Bình luận(0)