Các cuộc điều tra sức khoẻ người cao tuổi đều cho thấy, có tới 95% người già có bệnh, trong đó có khoảng 55% người mắc bệnh kinh niên mạn tính, đau ốm thường xuyên. Chuẩn bị nguồn lực để đón nhận số lượng dân số già là điều cần phải được tính tới ngay...
Tìm hiểu kỹ khi lựa chọn mô hình
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học, việc 5 năm hay 10 năm nữa, chúng ta có chuẩn bị đủ nguồn nhân lực để chăm sóc số lượng người già đang gia tăng một cách mạnh mẽ là một câu hỏi khó, vì nó dựa vào những quyết sách của nhà nước, đồng thời cũng dựa vào những quan điểm sống, triết lý sống của xã hội. Liệu người già có mong muốn được chăm sóc tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, hay tiếp tục theo mô hình chăm sóc truyền thống tại gia đình? Tuy nhiên, chọn theo hình thức nào thì cũng cần phải có sự chuẩn bị chu đáo. Chúng ta cần phải có những nghiên cứu, khảo sát về nhu cầu cần được chăm sóc của người cao tuổi cũng như tìm hiểu xem người cao tuổi thích hoặc phù hợp với mô hình nào, chăm sóc tại gia đình hay tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi để có những đánh giá toàn diện từ đó có những bước đi phù hợp.
Đồng quan điểm, chuyên gia tư vấn tình cảm - tâm lý gia đình Lê Thị Túy cũng cho biết, việc đẩy mạnh các dịch vụ, mô hình chăm sóc người cao tuổi cần được tính đến trong thời gian tới bởi tại đây người già được chăm sóc, nuôi dưỡng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học. Để làm được điều đó, chúng ta cần chú ý đến việc bổ sung lực lượng lao động phục vụ tại các cơ sở này cũng như cần có những biện pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực phục vụ tại các trung tâm chăm sóc người già đảm bảo sự chuyên nghiệp trong việc chăm sóc cho người cao tuổi.
Bên cạnh việc đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, chúng ta cũng cần đặc biệt chú ý đến xây dựng các mô hình chuẩn chăm sóc cho người cao tuổi dựa vào cộng đồng; từng bước phát triển mạng lưới và nâng cao năng lực chăm sóc người cao tuổi tại nhà. Để làm được điều này, chúng ta phải đảm bảo có đủ nguồn lực về kỹ thuật, đội ngũ đào tạo các kỹ năng, mở các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao kỹ năng chăm sóc người già tới từng người dân trong xã hội để đảm bảo, người già dù sống tại cộng đồng vẫn được chăm sóc chu đáo.
|
Ảnh minh họa. |
Phân loại
Các chuyên gia cũng cho biết, để đảm bảo việc chăm sóc người cao tuổi có chất lượng, cần phải phân loại đối tượng chăm sóc. Đối với những người cao tuổi nhưng vẫn còn tự phục vụ, chăm sóc bản thân, thậm chí vẫn giúp được rất nhiều cho gia đình, con cháu thì việc chăm sóc sẽ khác với những người già ốm yếu, không tự phục vụ được. Đối với những người cao tuổi còn khoẻ mạnh, phương châm sống của họ là sống vui, sống khoẻ, sống có ích, thì việc chăm sóc họ chỉ là chăm sóc về mặt tinh thần. "Nhân lực" chăm sóc có thể chỉ là con cháu trong gia đình và điều cần nhất phải để người cao tuổi được vui sống.
Còn đối với người già ốm đau, việc chăm sóc sẽ đòi hỏi những nhân lực đặc biệt, từ việc đảm bảo dinh dưỡng hằng ngày, cho đến việc hỗ trợ sinh hoạt cá nhân hay chăm sóc y tế... đều cần có chuyên môn. Việc chăm sóc đối với người cao tuổi không tự chăm sóc được có thể dựa vào chính con cháu trong gia đình hoặc là nhờ đến các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Việc lựa chọn hình thức nào là tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện của mỗi gia đình.
Hiện các trung tâm dưỡng lão ở ta chỉ là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng người già những ngày cuối đời, chứ không tạo được các hoạt động để người già tiếp tục sống. Việc chăm sóc người già không chỉ yêu cầu cơ sở vật chất tốt, phục vụ tốt mà đội ngũ nhân lực còn phải có các kỹ năng tổ chức các hoạt động để người già tiếp tục vui hưởng cuộc sống cuối đời. Các trung tâm chăm sóc người già nên tổ chức nhiều hoạt động như viết hồi ký, trồng rau, chăn nuôi, sản xuất nhỏ, CLB thơ, khiêu vũ, dưỡng sinh, học đánh máy tính, dùng internet... để người già sống vui, sống khoẻ.
Chuyên gia tư vấn tình cảm - tâm lý gia đình Lê Thị Túy