Đừng “tâm linh hóa” một cách tùy tiện

Google News

Gần đây rộ lên hiện tượng “tâm linh hóa” trong xã hội, gây ngộ nhận cho không ít người về giá trị thiêng liêng của tín ngưỡng, tôn giáo đích thực.

Đôi khi một ý tưởng, sự việc gì đó không có căn cứ, nhưng liên quan đến người đã khuất, nhân duyên không giải thích được đều được cho là “tâm linh”. Và hễ thuộc về tâm linh thì không cần phải giải thích gì, vì tâm linh đồng nghĩa với… huyền bí!

Trong báo Tuổi Trẻ ngày 26/3 có bài “Đốt tranh như... hóa vàng”, nói về ý tưởng của một người và được sự đồng thuận của của một số người là sẽ tổ chức triển lãm đi kèm nghi thức hóa tranh (đốt tranh) dự kiến thuộc chương trình Cung nghinh ngọc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và Đại lễ cầu siêu ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn ở tỉnh Quảng Trị.

Việc đốt tranh sau triển lãm, ở phương diện cá nhân, có thể coi đó là suy nghĩ riêng của một hoặc một nhóm người, và điều đó thiết nghĩ cũng không cần phải quan tâm nhiều. Ý tưởng đó có thể “hay”, “lạ” với một ai đó, nhưng việc gắn nó với giá trị nhân văn sâu sắc, tâm linh như ý kiến của ông Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì e rằng không phù hợp và gượng ép.

Tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc, ảnh hưởng và tồn tại trong dân gian Việt Nam qua nhiều đời. Với truyền thống tâm linh như đạo Phật, tục đốt vàng mã đã được chư tôn đức Hòa thượng tiền bối thời chấn hưng Phật giáo nghiên cứu, phân tích rất kỹ và xếp vào mê tín dị đoan, cần được giảm trừ và loại bỏ.

 Họa sĩ Trần Nhật Thăng bên bức tranh "Cánh rừng dioxin" của họa sĩ Lê Trí Dũng - một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Ảnh: Nguyễn Khánh

Dù gì, tấm lòng của bất cứ ai đối với những người đã khuất, đặc biệt là anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là đáng trân trọng. Tuy nhiên, không nên lạm xưng thiện ý ấy để hợp thức hóa, càng không nên “tâm linh hóa” ý tưởng “rất lạ” lạ lùng như vậy.

Triển lãm là việc tốt. Sau triển lãm, nếu có thể nên tổ chức bán đấu giá, sử dụng nguồn thu này để một phần chăm sóc thêm mộ phần các liệt sĩ, chia sẻ với thân nhân của những liệt sĩ đang gặp khó khăn, hoặc giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh, ảnh hưởng chất độc dioxin… mà còn rất nhiều, rất cần tấm lòng của tất cả mọi người may mắn có cơ thể lành lặn, khỏe mạnh, được hưởng những điều kiện sống của đất nước thời bình. Thiết nghĩ đó mới là việc làm có ý nghĩa nhân văn, phù hợp với tinh thần của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Đại lễ cầu siêu sắp tới.

Nghi thức thỉnh tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và Đại lễ cầu siêu cần sự tham dự của nhiều người, mở rộng cho tất cả những ai có tâm, có tấm lòng hướng về các giá trị văn hóa, tâm linh  thiêng liêng, hướng về các liệt sĩ đã nằm xuống vì nền hòa bình của đất nước. Nghi lễ tôn giáo căn bản là tùy thuộc vào tâm thành và năng lượng cầu nguyện. Nơi đó không phù hợp cho sự trình diễn các ý tưởng kỳ quặc. Người làm văn hóa, nhất là trong vai trò quản lý Nhà nước cần phải tỉnh táo, không nên dùng chiếc áo “nhân văn”, nhất là “tâm linh” để choàng lên các ý tưởng, sự việc một cách tùy tiện và cảm tính.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo Giác Ngộ

Bình luận(0)