Theo nguồn tin này, hội nghị có thể diễn ra trong hai ngày 16 và 17/6, nhưng chưa rõ sẽ có bao nhiêu lãnh đạo tham dự.
Vấn đề được quan tâm nhất lúc này là việc Trung Quốc có tham gia hội nghị hay không. Sự góp mặt của Bắc Kinh là rất quan trọng để giúp sáng kiến này trở nên đáng tin cậy hơn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết: "Ngoài quan điểm của Ukraine, Nga và châu Âu, điều quan trọng là phải lắng nghe các nước Global South - đóng vai trò không nhỏ trong việc đưa Nga vào tiến trình này. Đó là lý do vì sao chúng tôi liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Ả-rập Xê-út”.
Global South là từ dùng để gọi nhóm các quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và các khu vực đang phát triển của châu Á.
Vào tháng 3, Trung Quốc cho biết nước này đang xem xét khả năng tham gia hội nghị hòa bình. Tuy nhiên, tờ Politico sau đó đưa tin Bắc Kinh có thể sẽ không góp mặt nếu không có Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - Maria Zakharova tuyên bố Mátxcơva không có ý định tham gia hội nghị hòa bình do Thụy Sĩ tổ chức, ngay cả khi được mời chính thức.
“Diễn đàn này sẽ được dành riêng để thúc đẩy 'công thức hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky', mặc dù các nhà tổ chức Thụy Sĩ giả vờ rằng họ đang tìm kiếm một mẫu số chung trong các sáng kiến hòa bình của các quốc gia khác nhau", bà Zakharova nói hôm 13/3.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga giải thích rằng, kế hoạch của ông Zelensky bao gồm một số điều khoản phi thực tế, như việc rút quân Nga về biên giới Ukraine năm 1991, buộc Mátxcơva phải chịu trách nhiệm và trả tiền bồi thường, cũng như các điều khoản về lương thực, an toàn hạt nhân, năng lượng, sinh thái và các vấn đề nhân đạo.
Bà Zakharova cho biết các yêu cầu cơ bản của Kiev vẫn được giữ nguyên, trong khi lợi ích hợp pháp của Nga đang bị phớt lờ. "Vì vậy hội nghị sắp tới là sự tiếp nối của các cuộc họp theo hình thức Copenhagen, giờ đã đi vào ngõ cụt".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Mátxcơva tin chắc rằng "Thụy Sĩ khó có thể đóng vai trò là nền tảng cho các nỗ lực hòa bình khác nhau, vì điều này đòi hỏi phải một vị thế trung lập mà Bern đã đánh mất”.