Một trong những chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 vào ngày 27-28/2 vừa qua là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Trước khi cuộc gặp diễn ra, Nhà Trắng đã thông báo về lịch trình công khai của Tổng thống Mỹ Trump ở Hà Nội, bao gồm lễ ký kết thỏa thuận với Triều Tiên. Tuy nhiên, hội nghị đã kết thúc sớm hơn dự kiến và hai bên không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.
Diễn biến bất ngờ tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai khiến nhiều người lo ngại cánh cửa dẫn tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã "đóng lại" hoàn toàn. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực sau đó lại mở ra những hy vọng mới sau khi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều bày tỏ mong muốn duy trì cánh cửa đối thoại mở.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: The Australian. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục nhấn mạnh “mối quan hệ rất mạnh mẽ và tốt đẹp” với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
“Triều Tiên có một tương lai kinh tế rực rỡ đến khó tin nếu họ thực hiện một thỏa thuận, nhưng họ không có tương lai kinh tế nếu họ có vũ khí hạt nhân. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã học được rất nhiều trong vài ngày qua và mối quan hệ với Triều Tiên dường như đang rất mạnh mẽ”, Tổng thống Trump nói.
Ngày 3/3, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo Mỹ và Hàn Quốc sẽ chấm dứt các cuộc tập trận chung quy mô lớn hàng năm.
Đây được xem là một đòn bẩy quan trọng thúc đẩy các cuộc đàm phán Mỹ- Triều tiếp theo, là tín hiệu tốt lành cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, bởi Bình Nhưỡng trước giờ vẫn xem những cuộc tập trận như vậy là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh đất nước.
"Hạn chế hay chấm dứt các cuộc tập trận chung Mỹ- Hàn dù có thể gây ảnh hưởng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội hai nước, song lại không tạo mối nguy cơ nghiêm trọng đối với an ninh, mà thậm chí còn tạo đòn bẩy cho các cuộc đàm phán và cho thấy các nước liên quan thực sự nghiêm túc trong quyết tâm đi tới thỏa thuận phi hạt nhân hóa", ông Ahn Chan-il, Chủ tịch Viện nghiên cứu Triều Tiên ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, nhận định.
Mời độc giả xem thêm video: Tổng thống Trump trao đổi với Chủ tịch Kim Jong-un ngày 27/2 (Nguồn: Ruptly)
Chuyên gia Hàn Quốc Yonho Kim cũng cho rằng, quyết định dừng tập trận quy mô lớn thường niên này ít nhiều cho thấy Washington thực sự nghiêm túc trong nỗ lực đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Được biết, trước khi cuộc gặp Trump-Kim lần 2 diễn ra, giới chuyên gia cũng đã lường trước về kết quả hội nghị đạt được. Các nhà phân tích cho rằng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là một quá trình lâu dài, phức tạp, cần từng bước thực hiện chứ không thể giải quyết được trong một sớm một chiều.
“Không có gì đáng ngạc nhiên với kết quả của cuộc đàm phán lần này. Chúng ta cần một kế hoạch thực sự, bắt nguồn từ sự hợp tác của cộng đồng quốc tế và thúc đẩy những Hiệp ước như Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, mà Triều Tiên có thể gia nhập cũng như bắt đầu tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân một cách hợp pháp”, ông Akira bình luận.
“Đây là lý do tại sao các Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao cần phải liên kết với các cuộc đàm phán thực tiễn. Ngay cả khi Hội nghị Thượng đỉnh đánh giá là thành công thì vẫn sẽ khó giải trừ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong một sớm một chiều", nhà phân tích Van Jackson cho hay.
Với những tín hiệu khả quan trên có thể thấy, phi hạt nhân hoá không phải là không thể xảy ra, dù chưa phải lúc này. Người dân thế giới có thể sẽ được chứng kiến một bán đảo Triều Tiên không vũ khí hạt nhân trong tương lai không xa.